Không 'đánh trống bỏ dùi' trong quản lý dạy thêm, học thêm

Không 'đánh trống bỏ dùi' trong quản lý dạy thêm, học thêm
3 ngày trướcBài gốc
Áp dụng từ ngày 14-2, việc triển khai Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT về dạy thêm, học thêm đã dần nền nếp, ổn định. Các thông tin phản ánh về bức xúc của phụ huynh học sinh liên quan đến dạy thêm, học thêm giảm; những tín hiệu tích cực tăng; học sinh có cơ hội thuận lợi để phát triển toàn diện.
Chấm dứt việc dạy thêm có thu phí trong nhà trường
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, thực tế kiểm tra tại một số địa phương và báo cáo của các sở giáo dục và đào tạo cũng như ý kiến của cán bộ, giáo viên, phụ huynh trong 1 tháng rưỡi triển khai quy định mới về dạy thêm, học thêm khẳng định sự đúng đắn, tác động mạnh mẽ và những chuyển biến tích cực trong hệ thống giáo dục cũng như trong xã hội.
Tín hiệu đáng chú ý nhất trong quá trình triển khai là quyền lợi của học sinh được quan tâm với nhiều chuyển biến tích cực. Việc triển khai Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT đã hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, không đúng quy định.
Học sinh Trường THPT chuyên Sơn Tây (thị xã Sơn Tây) tự học trong thư viện. Ảnh: Lê Nguyễn
Các nhà trường tập trung hơn vào việc nâng cao chất lượng dạy và học chính khóa, chấm dứt việc dạy thêm có thu phí trong nhà trường, tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận tri thức mà không bị áp lực về học tập và tài chính. Học sinh có cơ hội rèn luyện kỹ năng tự học, tự tìm tòi, tính tự giác và phát triển khả năng tư duy độc lập, được cân bằng giữa học tập và phát triển các kỹ năng.
Tại Hà Nội, theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương, quy định mới về dạy thêm, học thêm được toàn ngành thực hiện quyết liệt với tinh thần bảo đảm tốt nhất quyền lợi của học sinh. Nhiều trường tổ chức cho 100% cán bộ, giáo viên ký cam kết thực hiện nghiêm túc các quy định của Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT; chủ động điều chỉnh hoạt động dạy học trong trường học phù hợp với tình hình mới và bảo đảm chất lượng. Kết quả sơ bộ cho thấy, tính tự nguyện của học sinh, tính tự chủ của nhà trường đều tăng lên. Việc tham gia các lớp học thêm đều xuất phát từ nhu cầu tự nguyện của học sinh.
Trong khi đó, Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Thái Văn Tài cho biết, Bộ nhận được rất nhiều chia sẻ của phụ huynh học sinh, phần nhiều là cảm ơn vì những điều tích cực từ việc triển khai Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT. Học sinh có thời gian thư giãn, nghỉ ngơi; các thành viên trong gia đình có thêm thời gian gắn kết với nhau hơn...
Đối với giáo viên, thực tế triển khai cho thấy, quy định giáo viên không được dạy thêm đối với học sinh mà mình đang dạy chính khóa tránh được những điều tiếng không hay cho giáo viên dạy thêm chính đáng, đồng thời cũng củng cố uy tín, danh dự nhà giáo. Nhận thức của giáo viên về nghĩa vụ thuế thu nhập, về giá trị tự bồi dưỡng chuyên môn có sự thay đổi.
Kiên quyết không để dạy thêm, học thêm tràn lan
Dù có nhiều chuyển biến tích cực, song theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương, sau 1 tháng rưỡi triển khai Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT có một số vấn đề phát sinh, đòi hỏi cần tiếp tục tăng cường quản lý, cũng như cần sự hướng dẫn cụ thể hơn từ Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Mô hình "tiết 0" vào các buổi sáng hằng ngày tại Trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm) giúp học sinh lớp 9 ôn tập miễn phí. Ảnh: Lê Nguyễn
Cụ thể, sau khi triển khai quy định mới về dạy thêm, học thêm, số lượng trung tâm có chức năng dạy thêm, học thêm trên địa bàn thành phố Hà Nội tăng nhiều. Theo số liệu chưa đầy đủ, có khoảng 15.000 trung tâm có chức năng dạy thêm, học thêm đang hoạt động. Trong khi đó, nhân lực quản lý dạy thêm, học thêm ở các phường, xã, thị trấn còn hạn chế về số lượng nên việc theo dõi, kiểm tra thường xuyên đối với các trung tâm này còn gặp khó khăn. Đáng chú ý, theo khảo sát sơ bộ của Sở, mức thu tiền học thêm tại các trung tâm cao hơn trong trường (khi tổ chức trước đây).
Trong khi đó, Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT chưa có hướng dẫn chi tiết về quy định và chế tài xử lý đối với các vi phạm về dạy thêm, học thêm. Điều này gây khó khăn cho cơ quan chức năng ở địa phương cũng như các nhà trường khi phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho rằng, để thực hiện tốt Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT, toàn ngành cần triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó có việc tiếp tục tăng cường phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội và các cơ quan, ban, ngành của địa phương.
Ngành Giáo dục quyết liệt thực hiện tốt “5 không” và “4 đề cao” trong triển khai quy định mới về dạy thêm, học thêm. Trong đó “5 không” là: Không “đánh trống bỏ dùi”, không thỏa hiệp, không khoan nhượng, không biến tướng, không nói khó mà không làm.
“4 đề cao” gồm đề cao vai trò cán bộ quản lý giáo dục các cấp; đề cao tinh thần tự tôn, tự trọng, tinh thần hết lòng vì học sinh của giáo viên; đề cao tính tự giác, tự học của học sinh; đề cao vai trò mối quan hệ nhà trường - gia đình - xã hội.
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, việc triển khai Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT phải hết sức kiên trì, bền bỉ, chưa vội hài lòng với kết quả đạt được. Trước mắt, việc quản lý dạy thêm, học thêm có thể còn nhiều khó khăn, toàn ngành phải thường xuyên cập nhật, có quan điểm rõ ràng, có phương pháp làm việc phù hợp, thấu lý, đạt tình, kiên quyết không "đánh trống bỏ dùi".
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có kênh tiếp nhận các thông tin phản ánh về dạy thêm, học thêm; kịp thời nắm bắt tình hình triển khai, gỡ khó cho các địa phương trong quá trình triển khai.
Để tạo sự đồng bộ, hiệu quả khi triển khai Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT, dự kiến trong tháng 5-2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ban hành hướng dẫn thay thế văn bản cũ về dạy học 2 buổi/ngày. Trong trường hợp cần thiết, Bộ cũng sẽ tổ chức rà soát lại nội dung Điều lệ nhà trường; quy định về kiểm tra đánh giá học sinh…
Thống Nhất
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/khong-danh-trong-bo-dui-trong-quan-ly-day-them-hoc-them-697245.html