Thủ tướng Chính phủ tại phiên chất vấn của Quốc hội chiều 12/11.
Tạo ra sự đột phá về hạ tầng chiến lược
Làm rõ ý kiến đại biểu nêu về việc hiện nay có nhiều dự án tồn đọng kéo dài, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, với sự nỗ lực của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ, 12 đại dự án tồn đọng, kéo dài đến nay đã được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương cơ chế. Trên cơ sở đó, Chính phủ đang tiếp tục thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trường hợp vượt thẩm quyền, Chính phủ sẽ báo cáo, xin ý kiến Quốc hội.
Liên quan đến ý kiến đại biểu về các giải pháp triển khai các dự án quan trọng quốc gia, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, cần phải có đột phá về hạ tầng. Theo Thủ tướng, đầu tư là một trong những động lực tăng trưởng truyền thống, cần tập trung vào huy động nguồn lực đầu tư cho các công trình lớn của quốc gia và phải tạo ra sự đột phá về hạ tầng chiến lược.
Hiện nay, chúng ta đang tập trung vào các dự án như: Đường sắt cao tốc Bắc - Nam, khởi động lại các dự án liên quan đến năng lượng hạt nhân, năng lượng gió ngoài khơi... Để triển khai các dự án quan trọng, cần phải có cơ chế huy động nguồn lực, nguồn lực Nhà nước, địa phương, đi vay, nguồn lực hợp tác công tư... Đồng thời, phải đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, quản trị.
Thủ tướng Chính phủ dẫn chứng như việc xây dựng hệ thống đường cao tốc. Hệ thống đường cao tốc được bắt đầu xây dựng từ năm 2000 và đến năm 2021 ảnh hưởng bởi bùng phát đại dịch COVID-19, khi đó mới hoàn thành được khoảng gần 1.000 km đường cao tốc, nhưng 3 năm qua đã tăng lên gấp đôi.
Được sự chỉ đạo của Đảng, Bộ Chính trị, ủng hộ của Quốc hội, đã huy động nguồn lực của Trung ương, nguồn lực của địa phương, tăng thu, tiết kiệm chi, đặc biệt là không đầu tư dàn trải, từ 12.000 dự án chỉ còn có hơn 4.000 dự án. Do đó, nguồn lực cần được tập trung và xóa việc dàn trải để đầu tư vào những dự án có tính "xoay chuyển tình thế" như vậy.
6 giải pháp trọng tâm đẩy nhanh giải ngân đầu tư công
Trước đó, báo cáo về vấn đề chất vấn, Thủ tướng Phạm Minh chính cho biết, xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong những động lực tăng trưởng, vì vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm, ban hành nhiều văn bản thúc đẩy phân bổ giải ngân vốn đầu tư công và đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, giải ngân còn chậm.
Nguyên nhân chủ yếu là do một số cơ chế, chính sách, quy định pháp luật liên quan còn rườm rà, chồng chéo; vướng mắc về quy trình thủ tục đầu tư, nhất là các dự án ODA, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và quy hoạch sử dụng đất.
Bên cạnh đó, là do thiếu nguồn cung ứng vật liệu; công tác chuẩn bị dự án chưa tốt; sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc có nơi, có lúc còn thiếu quyết liệt, sâu sát, nhất là vai trò người đứng đầu. Năng lực quản lý, điều hành của nhiều ban quản lý dự án còn hạn chế. Sự phối hợp giữa các cơ quan còn thiếu chặt chẽ. Kỷ luật, kỷ cương có nơi chưa nghiêm; còn tình trạng cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm…
Thủ tướng khẳng định, trong thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, với tinh thần 5 quyết tâm, 5 đảm bảo, phấn đấu năm 2024 giải ngân vốn đầu tư công trên 95%. Trong đó, tập trung vào 6 nhóm giải pháp. Trước hết là đề xuất Quốc hội tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc về pháp lý ngay trong kỳ họp này, nhất là về quy trình thủ tục đầu tư, quy hoạch tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập; thủ tục đất đai nguồn cung vật liệu…
Cùng với đó, có giải pháp đẩy nhanh bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư cho người dân, trên tinh thần chỗ ở mới ít nhất bằng hoặc tốt hơn chỗ ở cũ. Đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư dự án đảm bảo khả thi hơn, hiệu quả hơn, kịp thời điều chuyển vốn từ những dự án chậm giải ngân sang dự án giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn.
Chính phủ cũng tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm quan trọng quốc gia; tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc, kỷ luật, kỷ cương, gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân công với tinh thần "5 rõ" (rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả). Đồng thời, nâng cao hiệu quả của các Tổ công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hoạt động giám sát của các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân tại các địa phương có vốn giải ngân thấp.
Trần Huyền