Không dạy Lịch sử, thầy giáo Mỹ thuật đã 'đánh thức' tinh thần dân tộc bằng điều này

Không dạy Lịch sử, thầy giáo Mỹ thuật đã 'đánh thức' tinh thần dân tộc bằng điều này
5 giờ trướcBài gốc
Nét vẽ bằng phấn - sắc nét như từng thước phim lịch sử
Điều khiến bức tranh gây ấn tượng mạnh không chỉ là kỹ thuật, mà chính là cách thầy Hạnh truyền cảm bằng mỹ thuật. Với con mắt của người làm nghệ thuật và trái tim yêu nước, thầy đã thể hiện: Chiếc xe tăng húc đổ cổng Dinh là biểu tượng cho sự sụp đổ của chia cắt; lá cờ đỏ sao vàng tung bay là biểu tượng của niềm tự hào và hòa bình; đoàn quân giải phóng đang tiến vào, khơi gợi sự quyết liệt, mạnh mẽ nhưng cũng đầy nhân văn. Bên cạnh đó, màu xanh rợp cây, sân Dinh, bối cảnh đặc trưng đưa người xem ngược dòng ký ức về khoảnh khắc "thống nhất non sông, thu về một mối".
Chi sẻ với PV Gia đình & Xã hội, thầy Hạnh nói: "Tôi dạy mỹ thuật, nhưng tôi nghĩ nếu mỹ thuật không kể được câu chuyện của đất nước, thì nó là vô nghĩa. Tôi không vẽ rõ số hiệu xe tăng. Tôi muốn học trò được tự mình tưởng tượng, tự cảm nhận. Mỗi em sẽ nhìn thấy lịch sử qua chính đôi mắt và trí tưởng tượng của mình".
Bức tranh bằng phấn bảng của thầy giáo Nguyễn Trí Hạnh - giáo viên Mỹ thuật duy nhất tại Trường phổ thông Hermann Gmeiner, còn được biết đến là làng trẻ SOS thành phố Vinh.
Lịch sử không chỉ được học mà được cảm nhận qua từng nét vẽ
Giữa thời đại công nghệ số, lịch sử với nhiều học sinh có thể là những con số, mốc thời gian khô khan. Nhưng với bức tranh phấn của thầy Hạnh, lịch sử trở nên sống động, gần gũi và thấm đẫm cảm xúc.
Có lẽ ít ai nghĩ rằng một bức tranh phấn lại trở thành bài học yêu nước sinh động và chạm đến tận cùng cảm xúc như vậy. Không khẩu hiệu, không kịch bản hoành tráng chỉ một hành động nhỏ, nhưng lại khơi dậy cả một không gian văn hóa, lịch sử thiêng liêng.
Người thầy đến từ vùng đất miền Trung đã cho ra đời nhiều tác phẩm bằng phấn, tái hiện lại nét đẹp lịch sử, danh lam thắng cảnh hùng vĩ ở Việt Nam.
Thầy Hạnh nói: "Tôi không muốn học sinh chỉ học để thi. Tôi muốn các em thấy mình là một phần của dòng chảy dân tộc. Khi học sinh hiện nay nhiều em không còn hứng thú với những mốc thời gian thì trách nhiệm của người thầy là làm sống lại quá khứ bằng hình ảnh, bằng cảm xúc, bằng sự rung động chân thành.
Tôi vẽ không phải để học trò nhớ từng chi tiết mà để các em biết trân trọng tự do, yêu lấy đất nước này bằng cả trái tim mình. Bức vẽ rồi sẽ xóa đi, nhưng nếu thông điệp giữ lại trong lòng các em, thì giáo dục lịch sử mới thực sự đi vào đời sống".
Là một người thầy dạy mỹ thuật nhưng cách thầy Nguyễn Trí Hạnh truyền cảm hứng cho học trò khiến nhiều người gọi thầy là "người giữ lửa ký ức" - một người thầy không chỉ truyền tải kiến thức bằng lời, mà bằng cảm xúc.
Bức tranh bằng phấn của thầy Nguyễn Trí Hạnh mô tả khoảnh khắc quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975 truyền cảm hứng mạnh mẽ về tinh thần dân tộc.
Lòng tri ân thầm lặng qua từng nét phấn
30/4 – 1/5 hiện nay với nhiều người là một dịp nghỉ lễ, nhưng với những thầy cô như thầy Nguyễn Trí Hạnh, đó là ngày cần được sống lại, kể lại và thấu hiểu bằng tất cả sự trân trọng.
Từng nét phấn trắng rơi trên bảng là một lời nhắc: "Tự do không đến từ may mắn, mà từ những hy sinh không tên". Bức tranh không chỉ để nhớ quá khứ, mà còn để nuôi dưỡng hiện tại. Để học sinh biết rằng, việc đến trường hôm nay, việc cất tiếng hát quốc ca, việc sống trong hòa bình là thành quả của bao nhiêu thế hệ cha ông đi trước.
Người ta thường nói: "Nếu quá khứ bị quên lãng, tương lai sẽ lạc hướng" và bức tranh bằng phấn của thầy Nguyễn Trí Hạnh đã thực sự trở thành ngọn hải đăng nhỏ nhắc nhở rằng lịch sử không chỉ để học, mà để hiểu, để sống và để gìn giữ. Dẫu là một nét phấn mong manh, nhưng bức tranh ấy đã vẽ nên hình hài tổ quốc trong tim những học sinh hôm nay. Giữa những thứ dễ quên, có những điều phải được nhớ. Và lịch sử chính là điều như thế.
"Dạy vẽ là nghề của tôi, nhưng khơi dậy tình yêu nước lại là nghĩa vụ của người làm giáo dục. Tôi tin rằng, trách nhiệm giáo dục lịch sử không phải là trách nhiệm riêng của một bộ môn nào cả.
Mỗi người làm giáo dục đều có thể góp phần giữ gìn kỹ ức dân tộc bằng chính chuyên môn, bằng sự sáng tạo và bằng tình yêu đất nước. Với tôi, viên phấn là cọ, bảng đen là giấy và lịch sử chính là 'chất liệu' làm nên cuộc sống ngày nay". - Thầy Nguyễn Trí Hạnh chia sẻ.
"Thầy không dạy Lịch sử. Nhưng thầy tin rằng mỗi người đều có thể kể lại lịch sử bằng nghề của mình, bằng trái tim của mình. Thầy chọn viên phấn, bảng đen, và bức vẽ như một cách để nhắc các em: Tự do hôm nay không phải điều ngẫu nhiên. Nó được đánh đổi bằng máu, mồ hôi, và cả tuổi xuân của bao thế hệ cha anh.
Là người trẻ, các em có thể không sống trong chiến tranh. Nhưng hãy sống có trách nhiệm với hòa bình. Hãy sống sao để mỗi việc mình làm, mỗi lời mình nói… đều không phụ sự hy sinh ấy. Bức tranh thầy vẽ rồi cũng sẽ xóa. Nhưng ý thức giữ gìn lịch sử và lòng yêu nước, nếu thắp lên trong tim các em, thì sẽ không bao giờ phai". - Thầy Nguyễn Trí Hạnh nhắn thủ tới thế hệ trẻ Việt Nam.
Bảo An
Nguồn GĐ&XH : https://giadinh.suckhoedoisong.vn/khong-day-lich-su-thay-giao-my-thuat-da-danh-thuc-tinh-than-dan-toc-bang-dieu-nay-17225041913243836.htm