Không để chính sách, pháp luật 'nằm trên giấy'

Không để chính sách, pháp luật 'nằm trên giấy'
13 giờ trướcBài gốc
Ông đánh giá như thế nào về thông điệp được nhấn mạnh trong bài viết: “Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình” của Tổng Bí thư Tô Lâm?
Theo tôi, bài viết là một thông điệp chỉ đạo rất đúng thời điểm, tạo khí thế mới cho toàn bộ hệ thống. Điểm cốt lõi là pháp luật không chỉ là công cụ quản lý xã hội mà phải trở thành động lực, tạo niềm tin và trật tự cho sự phát triển. Việc Tổng Bí thư nhấn mạnh yêu cầu “đột phá” về xây dựng, hoàn thiện, tổ chức thực thi pháp luật cho thấy lãnh đạo đã nhìn nhận đúng một thách thức lớn: thể chế phải theo kịp thực tiễn và dẫn dắt thay đổi, không thể chỉ chạy theo để vá lỗi. Tôi cho rằng, đây cũng là tín hiệu cho thấy cải cách thể chế sắp tới sẽ đi vào chiều sâu hơn, chú trọng chất lượng chứ không chỉ số lượng.
Nhìn từ kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, ông thấy tinh thần đổi mới trong công tác lập pháp được thể hiện như thế nào?
Tôi quan sát kỳ họp này với nhiều cảm xúc tích cực. Dù khối lượng công việc rất lớn, nhiều luật có tính nền tảng như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản… được đưa ra bàn thảo và điều chỉnh kỹ lưỡng. Đặc biệt, quá trình thảo luận đã phản ánh rõ sự cầu thị: đại biểu Quốc hội không ngại tranh luận, phản biện, đặt vấn đề từ thực tiễn, không sa đà vào lý luận suông. Tinh thần đổi mới tôi thấy rõ ở chỗ: lập pháp đã bắt đầu gắn chặt với giám sát thi hành, thay vì coi xong là xong. Đây là tín hiệu rất quan trọng cho một nền pháp luật thực chất, khả thi.
Dưới góc độ chuyên gia, ông nhìn nhận đâu là nút thắt lớn nhất khiến một số luật ở Việt Nam nhanh chóng phải sửa đổi sau khi ban hành?
Thực ra đây là bài toán nan giải của nhiều quốc gia đang phát triển, nhưng ở ta, có mấy điểm rất rõ: một là khâu khảo sát, đánh giá tác động chính sách chưa làm kỹ; hai là tham vấn cộng đồng doanh nghiệp, người dân đôi khi còn hình thức; ba là văn bản hướng dẫn thi hành thường chậm, gây khoảng trống pháp lý. Khi luật không sát thực tiễn, buộc phải điều chỉnh gấp là điều dễ hiểu.
Muốn khắc phục, trước hết phải nâng chất lượng đội ngũ soạn thảo, phải coi lập pháp là công việc chuyên sâu chứ không chỉ là nhiệm vụ hành chính. Bên cạnh đó, nên tăng tính độc lập của cơ quan thẩm tra để bảo đảm phản biện khách quan, tránh tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Nếu làm được vậy, luật mới sẽ ổn định hơn, giảm gánh nặng điều chỉnh về sau.
Theo ông, cách nào để biến chính sách pháp luật thành thực tế sống động, tránh tình trạng luật “nằm trên giấy”?
Muốn luật đi vào cuộc sống, yếu tố quan trọng là công tác triển khai phải đồng bộ. Tôi thấy ở ta, khâu phổ biến pháp luật vẫn còn hình thức. Người dân và doanh nghiệp đôi khi chỉ biết đến quy định khi đã bị xử phạt. Điều này tạo ra tâm lý bị động, dễ phát sinh vi phạm không đáng có.
Vì vậy, trước tiên phải cải thiện khâu truyền thông pháp luật: nội dung dễ hiểu, dễ tra cứu, đa dạng kênh tiếp cận. Thứ hai, cần rút ngắn quy trình ban hành các văn bản hướng dẫn, đồng thời áp dụng công nghệ để giám sát thực thi. Và quan trọng hơn cả, phải xử lý nghiêm minh những cán bộ, cơ quan thực thi sai luật hoặc cố tình làm sai để trục lợi. Kỷ cương trong thi hành là yếu tố quyết định niềm tin xã hội vào luật pháp.
Ông có khuyến nghị gì dành cho các doanh nghiệp để thích ứng tốt trong giai đoạn luật pháp thay đổi nhanh như hiện nay?
Tôi luôn khuyên doanh nghiệp nên coi tuân thủ pháp luật là một phần trong chiến lược phát triển, không chỉ là nghĩa vụ. Doanh nghiệp nên có bộ phận pháp chế đủ năng lực, chủ động cập nhật các quy định mới, đặc biệt về đất đai, thuế, hợp đồng… Việc tham khảo ý kiến chuyên gia ngay từ đầu sẽ giúp tránh rủi ro, giảm chi phí xử lý tranh chấp về sau.
Một điều quan trọng khác là hãy xây dựng văn hóa minh bạch và sẵn sàng hợp tác với cơ quan quản lý. Khi doanh nghiệp tuân thủ tốt, uy tín sẽ được củng cố, các cơ hội đầu tư cũng mở rộng hơn. Tôi tin rằng, với cách tiếp cận bài bản, doanh nghiệp Việt sẽ đứng vững và phát triển bền vững trong môi trường pháp luật ngày càng hoàn thiện.
Khát vọng đột phá về thể chế, pháp luật sẽ chỉ trở thành hiện thực nếu công tác xây dựng và thi hành pháp luật được thực hiện nghiêm túc, minh bạch và gần với hơi thở cuộc sống. Tin tưởng rằng, với định hướng rõ ràng từ các Nghị quyết và quyết tâm từ Quốc hội, Việt Nam sẽ sớm có một “hệ sinh thái pháp lý” ổn định, đồng hành cùng phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Trong kỳ họp thứ 9, Quốc hội thường xuyên thay đổi những nội dung chương trình kỳ họp để phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, rút ngắn thời gian thực hiện các bước cho các dự án luật, để cho ý kiến và quyết định thời điểm thông qua các dự án luật, Nghị quyết của Quốc hội.
Với những cơ chế chính sách đặc thù, đặc biệt là những tính đột phá trong thể chế, đây là những quyết sách rất lớn. Có thể nói rằng trong kỳ họp này, tất cả những chính sách, nội dung đã trình ra Quốc hội đều được bàn thảo để giải quyết những vấn đề hiện tại và cho cả quá trình lâu dài. Và nó đã trở thành những dấu mốc lịch sử hết sức quan trọng như Chủ tịch Quốc hội đã nói. Thực sự, Quốc hội đã vượt qua những rào cản, những quy định sẵn có.
Đại biểu Dương Khắc Mai nhấn mạnh: Có những cái “ấn nút” lịch sử mà lịch sử phải ghi nhận sau này. Ví dụ như chúng ta ấn nút sửa đổi một số điều của Hiến pháp. Hai là, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, chấm dứt, tạm dừng hoạt động của các huyện. Đây là những điểm nổi bật. Và điều quan trọng là được nhân dân đồng tình ủng hộ rất cao.
Như trong báo cáo của Chính phủ, những nội dung liên quan đến sửa đổi Hiến pháp nhận được sự đồng thuận đến 99,75%. Chúng ta thực hiện cuộc cách mạng tinh giản, sắp xếp lại tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị. Với sự đồng tình cao của nhân dân, cử tri, của cán bộ công chức như thế, tôi nghĩ là đã rất thành công rồi. Bởi vì bất kỳ một cuộc cách mạng nào trên thế giới cũng như cách mạng của Việt Nam, điều quan trọng nhất là sự đồng tình ủng hộ của tuyệt đại đa số nhân dân. Tất cả những gì mà Quốc hội, Chính phủ thực hiện, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm, đến giờ phút này có thể nói là tất cả đều vì lợi ích của nhân dân, vì lợi ích của quốc gia, dân tộc. Và đây là một điểm căn bản, cốt lõi nhất trong xuyên suốt quá trình cách mạng của Việt Nam.
Đề cập đến việc Nhân dân, cử tri mong muốn sẽ khơi thông những điểm nghẽn để thực hiện các quyết sách của Quốc hội tốt hơn, nhất là vai trò giám sát sau kỳ họp thứ 9 của các đại biểu Quốc hội cũng như Quốc hội, để những chủ trương, chính sách của Quốc hội được thực sự đi vào cuộc sống, đại biểu Dương Khắc Mai khẳng định: Quốc hội nói chung và từng đại biểu Quốc hội nói riêng đã thể hiện trách nhiệm của mình bằng việc nghiên cứu, tổng hợp các nguồn thông tin và quyết định bằng việc ấn nút thông qua các Nghị quyết, luật, cơ chế chính sách đặc thù, đặc biệt.
“Đấy mới chỉ là bước khởi đầu quan trọng. Nhưng điều quan trọng hơn, bắt đầu sau kỳ họp này và bắt đầu từ giờ phút này, thì mỗi đại biểu với trách nhiệm trước Nhân dân là phải thực hiện quyền giám sát của mình đối với tất cả các nội dung đã được thực hiện ở các địa phương. Với vai trò, trách nhiệm của đại biểu ở ngành, lĩnh vực của mình, phải đảm bảo quá trình thực hiện các luật, Nghị quyết của Quốc hội được thực thi, đảm bảo hiệu quả trên thực tế. Có như thế thì luật, Nghị quyết và các quyết sách của Quốc hội mới đi vào cuộc sống, mới thẩm thấu vào cuộc sống và mới tạo nên sinh khí và động lực để phát triển đất nước”, đại biểu Dương Khắc Mai nói.
Việc Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về sửa đổi một số điều của Hiến pháp và sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh đã mở ra một không gian mới cho các địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi hơn, nhiều không gian phát triển hơn để đưa đất nước tiến tới phát triển vươn lên trong thời gian tới. Ngoài ra, việc thực hiện chính quyền địa phương hai cấp, bỏ cấp trung gian nhằm thực hiện một chính quyền hành chính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và phục vụ tối đa nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Kỳ họp thứ 9 với tổng thời gian, tổng số ngày họp là 35,5 ngày là xem một kỳ họp dài nhất trong các kỳ họp của Quốc hội khóa XV. Với những cuộc họp dài và những quyết sách rất quan trọng, thể hiện đây là một Quốc hội năng động, sẵn sàng sáng tạo để đưa ra những chính sách lớn, những quyết định lớn, định hướng quan trọng để phát triển đất nước trong thời gian tới, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc.
Nhấn mạnh về tinh thần của Nghị quyết 66 trong việc hoạch định chính sách, lập pháp, việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về cơ chế đặc biệt cho Chính phủ, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh khẳng định: Nghị quyết 66 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới có ý nghĩa rất quan trọng trong suốt quá trình làm việc của kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
“Như chúng ta biết, việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, chính quyền địa phương hai cấp và các quy định rất mới về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo... không phải là đơn giản. Trong quá trình thực hiện sẽ xảy ra những vấn đề có thể không lường trước được. Vì vậy, Quốc hội đã cho phép Chính phủ trong thời gian 2 năm có thể điều chỉnh những chủ trương, định hướng lớn để tạo điều kiện linh hoạt cho Chính phủ hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, Quốc hội vẫn phải thực hiện việc giám sát. Vẫn phải là người giám sát việc thực hiện của Chính phủ để làm sao phải đặt lợi ích của quốc gia, của dân tộc, của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp lên hàng đầu.
Theo quy trình làm luật mới thì luật chỉ quy định tính chất định khung, nguyên tắc. Còn những nội dung cụ thể thì thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các cơ quan chuyên môn. Do đó, sau khi Quốc hội đã thông qua các dự án luật, Nghị quyết, chính sách đặc thù… dựa theo thẩm quyền, quyền hạn của mình thì các cơ quan chuyên môn cần phải nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn để làm sao nhanh chóng thực hiện được trong thực tế, không gây cản trở cho người dân và doanh nghiệp. Nhất quyết không để trên giấy, không để các khoảng trống pháp lý và cũng không thể để xảy ra tình trạng “những việc mà không biết phải giải quyết như thế nào”.
Chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành, đạt được rất nhiều sự mong đợi, kỳ vọng của các vị đại biểu Quốc hội cũng như của toàn thể nhân dân, cử tri cả nước.
Với khối lượng công việc rất khổng lồ, nên trong thời gian diễn ra kỳ họp lần này, bên cạnh các vấn đề lịch sử trong việc lập pháp, xây dựng, sửa đổi Hiến pháp để chuyển đổi, bước vào một kỷ nguyên mới thì với cách thức làm việc rất linh hoạt, linh động trong quá trình tổ chức, cùng với sự điều chỉnh chương trình cũng như các nội dung của kỳ họp có thể đảm bảo được tiến độ, kết quả nhưng vẫn giữ vững chất lượng của các bộ luật, các văn bản thuộc thẩm quyền.
“Để có được sự thành công của kỳ họp lịch sử, trước hết là sự lãnh đạo của Đảng, của Bộ Chính trị cũng như sự dẫn dắt của Chủ tịch Quốc hội và các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội trong các phiên điều hành nội dung kỳ họp. Thứ hai, đó là sự chuẩn bị cũng như sự vào cuộc hết sức trách nhiệm của các bộ, ban, ngành, các cơ quan của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội để có được các tài liệu, cũng như chuẩn bị các tài liệu phục vụ cho các đại biểu Quốc hội một cách đầy đủ. Chính vì thế, cùng với sự trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội, chúng ta mới có thể xây dựng được một sự thành công của kỳ họp thứ 9, khóa XV”, đại biểu Trần Khánh Thu nhấn mạnh và khẳng định đây là một kỳ họp lịch sử, lịch sử kể cả về thời gian, khối lượng và nội dung của chương trình kỳ họp.
Đánh giá về phiên chất vấn trong kỳ họp, đại biểu Trần Khánh Thu cho rằng, mặc dù chỉ có hai Bộ trưởng được chọn chất vấn trực tiếp tại kỳ họp này, nhưng lại là hai Bộ trưởng đại diện cho hai lĩnh vực lớn, đó là: Kinh tế và Xã hội. Nội dung đặt ra cho hai Bộ trưởng đã bao phủ được cơ bản các mong muốn của người dân cũng như các ý kiến của cử tri gửi đến hai lĩnh vực.
Đối với Bộ trưởng Bộ Tài chính, với vai trò lần đầu tiên không chỉ phụ trách lĩnh vực tài chính mà còn cả lĩnh vực về kế hoạch đầu tư trước kia nữa, nên với vai trò của mình, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đã nắm rất chắc vấn đề, cũng như đã trả lời có trách nhiệm đối với các lĩnh vực mà đại biểu Quốc hội nêu ra. Còn đối với những lĩnh vực có lời hứa trả lời bằng văn bản, tôi nghĩ rằng cũng đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu.
Đối với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, có thể thấy rằng, phần lớn nội dung kỳ họp này đã tập trung bàn về nhiều chính sách đối với giáo dục để có thể đẩy mạnh, đưa ngành giáo dục được trở về đúng vị trí hàng đầu về quốc sách của xã hội. Chính vì thế, tôi nghĩ rằng Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, với vai trò trách nhiệm của mình đã trả lời đối với các ý kiến của đại biểu Quốc hội tương đối là rõ ràng và có trách nhiệm. Chúng ta hy vọng rằng trong thời gian tới đây, nền giáo dục Việt Nam sẽ có một bước đi vững chắc và khẳng định được vai trò, vị thế của mình trong xã hội.
Kỳ họp thứ 9 là một kỳ họp kỷ lục về các dự án luật. Nhiều luật được sửa để xử lý ngay những nội dung mang tính chất cấp bách nhằm đưa luật vào cuộc sống. Ví dụ như các luật liên quan đến đầu tư, đấu thầu, các luật liên quan đến chính sách giúp cho chính quyền địa phương hai cấp thực hiện theo mô hình hiện nay phát huy và đưa vào hiệu quả.
Đây là một trong những nội dung mà Quốc hội đã rất kịp thời thể chế hóa các yêu cầu của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương về nội dung này. Đặc biệt là thể chế hóa kịp thời bộ tứ trụ cột từ Nghị quyết 57 về đột phá về Khoa học công nghệ, Nghị quyết 59 về hội nhập quốc tế, Nghị quyết 66 về đột phá về thể chế, pháp luật và Nghị quyết 68 về kinh tế tư nhân.
“Việc thể chế hóa kịp thời, thông qua việc sửa các Nghị quyết để phù hợp với những yêu cầu cấp thiết đặt ra, có thể sửa toàn diện, có thể sửa một số điều hoặc là một luật sửa nhiều luật. Đây là một trong những cách đổi mới để đảm bảo cho việc thực hiện các chính sách này mang tính khả thi cao. Là một trong những điểm mới ở kỳ họp này”, đại biểu Sơn nhấn mạnh.
Việc hoàn thiện thể chế thông qua việc sửa các luật tại kỳ họp thứ 9 đã giúp cho việc thực hiện tháo gỡ điểm nghẽn mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã đề cập. Tức là điểm nghẽn của điểm nghẽn chính là thể chế. Kỳ họp thứ 9 đã một phần tháo gỡ những điểm nghẽn trước mắt để làm sao giúp cho các chính sách được đưa vào cuộc sống và thực hiện tốt theo cái tinh thần mà đồng chí Tổng Bí thư cũng như là Ban Chấp hành Trung ương đã đặt ra là chúng ta phải đột phá về thể chế, đột phá về khoa học công nghệ, phát triển kinh tế năm 2025 đạt 8% và tạo tiền đề cho năm tiếp theo để phát triển hai con số.
Thiên Tuấn
Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống : https://kienthuc.net.vn/e-magazine-khong-de-chinh-sach-phap-luat-nam-tren-giay-post1552611.html