Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Thường trực Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025, trong buổi làm việc với các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo về công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025.
Quang cảnh buổi làm việc
Chuẩn bị kỹ lưỡng, toàn diện cho Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025
Báo cáo công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Huỳnh Văn Chương cho biết, công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đầu tiên thực hiện theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã được thực hiện từ sớm, từ xa, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nhằm tổ chức kỳ thi nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế.
Để bảo đảm công tác đề thi và xây dựng ngân hàng câu hỏi thi theo hướng mở, Cục Quản lý chất lượng đã triển khai nhiều đợt tập huấn cho giáo viên trên toàn quốc. Trong đó có một đợt tập huấn trực tuyến cho hơn 3.500 giáo viên với sự tham gia của chuyên gia Viện Khảo thí Hoa Kỳ (ETS) và hai đợt tập huấn trực tiếp cho giáo viên ở 18 môn học.
Ngày 18/10/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố 18 đề tham khảo bám sát chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Việc thử nghiệm đã triển khai tại nhiều địa phương với hơn 12.000 học sinh thuộc nhiều đối tượng khác nhau, làm bài trên máy tính. Thư viện câu hỏi thi được xây dựng từ các đề do giáo viên gửi về và đã được Hội đồng thẩm định, là nguồn tham khảo quan trọng trong công tác ra đề.
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Huỳnh Văn Chương báo cáo tại buổi làm việc
Hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ kỳ thi được triển khai đúng tiến độ. Hệ thống quản lý thi do Viettel vận hành ổn định, bảo đảm an ninh. Phần mềm chấm thi trắc nghiệm và phần mềm quản lý ngân hàng câu hỏi thi, hỗ trợ ra đề thi được xây dựng mới, đã thử nghiệm thực tế tại một số địa phương, cơ bản đáp ứng yêu cầu. Cục đã tổ chức tập huấn, lấy ý kiến góp ý và sẽ phối hợp rà soát an ninh trước khi triển khai toàn quốc.
Về công tác thanh tra, kiểm tra, Cục Quản lý chất lượng đã chuẩn bị tổ chức tập huấn theo Kế hoạch số 515/KH-BGDĐT ngày 07/5/2025. Đồng thời, tham mưu trình Bộ trưởng thành lập 03 đoàn công tác của lãnh đạo Bộ và Ban Chỉ đạo quốc gia đi làm việc, kiểm tra tại các địa phương trong kỳ thi. Dự kiến Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thành lập 10 đoàn kiểm tra đến làm việc tại 20 Sở Giáo dục và Đào tạo.
Công tác thi thử được các địa phương thực hiện nghiêm túc, nhiều nơi tổ chức nhiều lần, bảo đảm theo đúng hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đề thi cơ bản tuân thủ cấu trúc, định dạng đã công bố, kết quả phản ánh chất lượng dạy học và là cơ sở để phân loại, tổ chức ôn tập phù hợp.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nguyễn Ngọc Hà báo cáo tại buổi làm việc
Thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thành lập 02 Hội đồng ra đề riêng cho Chương trình Giáo dục phổ thông 2006 và 2018 nhằm bảo đảm tách bạch quy trình và chất lượng đề thi. Bộ cũng tiếp tục triển khai công tác phối hợp liên ngành và truyền thông theo đúng tiến độ.
Siết chặt an toàn, nâng cao chất lượng
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Thường trực Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 là kỳ thi đặc biệt quan trọng của ngành Giáo dục, diễn ra trong bối cảnh có nhiều thay đổi: tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, chuyển chức năng thanh tra Bộ về Thanh tra Chính phủ.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng chỉ đạo tại buổi làm việc
Thứ trưởng Thường trực đánh giá cao sự chủ động, tích cực chuẩn bị của Cục Quản lý chất lượng đồng thời yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ cần tập trung cao độ, chuẩn bị từ sớm, tăng cường lực lượng, bởi đây là nhiệm vụ trọng tâm, có sức lan tỏa và tác động lớn đến xã hội.
Về công tác thanh tra, kiểm tra, Thứ trưởng biểu dương sự tận tâm và trách nhiệm của lực lượng Thanh tra Bộ trong suốt quá trình đồng hành cùng ngành. Dù trong bối cảnh mới, nhưng công tác thanh tra, kiểm tra vẫn được Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện hiệu quả, nghiêm túc, không buông lỏng.
Đồng thời, Thứ trưởng yêu cầu, việc phân cấp, phân quyền trong công tác thanh tra, kiểm tra cần rõ ràng, hiệu quả. Quá trình thanh tra, kiểm tra phải gắn với hệ thống văn bản, tổ chức bộ máy, có tổng hợp kết quả cụ thể, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm.
Đại diện các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo tại buổi làm việc
“Tăng cường vai trò của địa phương, không để “điểm trống” trong thanh tra, kiểm tra. Các tỉnh cần chủ động giải quyết vấn đề tại chỗ, tổng hợp kịp thời, công bố nghiêm túc, đúng người, đúng việc”, Thứ trưởng yêu cầu.
Thứ trưởng Thường trực Phạm Ngọc Thưởng cũng lưu ý công tác ra đề thi phải bảo đảm đánh giá đúng năng lực thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, thể hiện rõ độ phân hóa để phục vụ tốt cả mục tiêu xét tốt nghiệp và tuyển sinh. Đồng thời, cần huy động đầy đủ đội ngũ có chuyên môn, kinh nghiệm, bảo đảm quy trình ra đề chặt chẽ, khách quan, an toàn tuyệt đối.
Doãn Nhàn