Đầu tư dàn trải rất khó thành công
Ngày 13/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) đề nghị nên giao cụ thể cho doanh nghiệp Nhà nước những lĩnh vực đồng ý cho doanh nghiệp tham gia (Ảnh: Media Quốc hội).
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) đề nghị, nên giao cụ thể lĩnh vực kinh doanh, phạm vi đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước.
"Không phải doanh nghiệp Nhà nước đang làm về một nhiệm vụ này mà thấy bất động sản "hot" lại nhảy vào", ông Thân nói.
Lấy ví dụ, kể cả doanh nghiệp tư nhân lớn, ông Thân cho rằng, cái gì cũng đầu tư sẽ rất khó thành công. Đại biểu này đề nghị, cần quy định theo hướng doanh nghiệp Nhà nước muốn tham gia lĩnh vực ngoài ngành Chính phủ giao thì phải có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ và phải đúng chức năng, nhiệm vụ được giao.
Cùng ý kiến, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đặt vấn đề, cần làm rõ doanh nghiệp lĩnh vực ngân hàng có được kinh doanh bất động sản, đầu tư chứng khoán không. Các tập đoàn lớn như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có được đầu tư bất động sản, lĩnh vực kinh doanh bất động sản?
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) góp ý dự thảo luật (Ảnh: Media Quốc hội).
Nêu ví dụ thời gian qua, một số công ty lớn đầu tư ngoài ngành gây thất thoát và có trường hợp vướng lao lý, đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc khi cho phép những trường hợp đầu tư kinh doanh bất động sản ngoài ngành. Phải xem xét tùy lúc, tùy nơi, điều kiện, doanh nghiệp nào được làm và không được làm, chứ không chung chung tất cả doanh nghiệp Nhà nước đều được đầu tư bất động sản.
Cho rằng kinh doanh bất động sản hiện nay "béo bở", có khả năng lợi nhuận rất cao để bù đắp chi phí khác, đại biểu Quốc hội góp ý, nên cho phép doanh nghiệp lớn của Nhà nước được đầu tư và cân nhắc kỹ quy định liên quan, đảm bảo hiệu quả, hiệu suất lâu dài.
Một vấn đề khác đại biểu Quốc hội quan tâm là công tác thanh, kiểm tra. Theo ông Phạm Văn Hòa, dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) không còn thanh tra chuyên ngành, thanh tra bộ. Ai sẽ thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở và thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp?
Nhấn mạnh đây là nhiệm vụ rất quan trọng, đại biểu Quốc hội đề nghị ghi vào luật rành mạch, rõ ràng.
"Thua lỗ mới báo cáo khác nào chữa cháy mà không phòng cháy"
Là người tham gia trực tiếp nội dung của luật, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (đoàn Cần Thơ), Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế và Tài chính, bổ sung ý kiến liên quan quy định quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người đại diện phần vốn Nhà nước, cũng như quyền, trách nhiệm kiểm soát viên Nhà nước.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng (đoàn Cần Thơ), Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế và Tài chính, góp ý dự thảo luật (Ảnh: Media Quốc hội).
Hiện nay, dự thảo luật quy định: "Người đại diện phần vốn Nhà nước có trách nhiệm báo cáo kịp thời cơ quan đại diện chủ sở hữu về việc doanh nghiệp có vốn Nhà nước hoạt động thua lỗ, không đảm bảo khả năng thanh toán".
Như vậy, người đại diện vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ báo cáo khi doanh nghiệp đã thua lỗ. Đại biểu Quốc hội cho rằng, việc này giống chữa cháy mà không phòng cháy.
Để nâng cao trách nhiệm của người đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp, đại biểu đoàn Cần Thơ đề nghị quy định rõ hơn, yêu cầu người đại diện chủ sở hữu vốn phải cảnh báo và báo cáo sớm từ trước khi xảy ra thua lỗ đối với những dự án đầu tư hoặc nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh khác của doanh nghiệp.
Cụ thể, dự thảo nên sửa theo hướng "người đại diện vốn Nhà nước có trách nhiệm dự báo, cảnh báo những nguy cơ, rủi ro đối với các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, cho vay vốn… có khả năng dẫn đến thua lỗ, gây thất thoát vốn và tài sản Nhà nước, báo cáo kịp thời cơ quan đại diện chủ sở hữu và đề xuất biện pháp can thiệp phù hợp".
Ngoài trách nhiệm báo cáo kịp thời, người đại diện chủ sở hữu vốn phải đề xuất biện pháp can thiệp phù hợp. Khi có nguy cơ, cần báo cáo ngay để cảnh báo rủi ro.
Tương tự, ở điều 42, dự thảo quy định về kiểm soát viên tại các doanh nghiệp Nhà nước. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, hiện nay, hoạt động của các kiểm soát viên tương đối hạn chế.
Khi được cử xuống doanh nghiệp, kiểm soát viên hưởng chế độ do doanh nghiệp chi trả nên mức độ cảnh báo, can thiệp, cũng như phản biện hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị hạn chế. Nhiều kiểm soát viên không phát huy hết trách nhiệm.
Đại biểu đoàn Cần Thơ đề xuất, đưa vào luật quy định trách nhiệm của kiểm soát viên tương tự trách nhiệm của người đại diện vốn tại doanh nghiệp. Đồng nghĩa, kiểm soát viên phải có báo cáo và xử lý khi có nguy cơ dẫn đến thất thoát, thua lỗ trong hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Hiện nay, các báo cáo chỉ mang tính chất định kỳ hàng năm, cuối năm, không bảo đảm tính kịp thời.
"Việc quy định rõ trách nhiệm của kiểm soát viên, người đại diện vốn Nhà nước sẽ giúp giám sát tốt hơn. Thay vì quản lý bằng mệnh lệnh, chúng ta chuyển sang giám sát và hậu kiểm", ông Hùng nói.
Đánh giá xếp loại, gắn trách nhiệm người đại diện vốn Nhà nước tại doanh nghiệp
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đăng đàn làm rõ các ý kiến, trong đó có nội dung liên quan công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra, đánh giá hiệu quả hoạt động đầu tư và quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng giải trình, làm rõ các ý kiến trao đổi (Ảnh: Media Quốc hội).
Theo ông Thắng, hiện nay, dự thảo luật không đề cập vấn đề thanh, kiểm tra nên nhiều đại biểu băn khoăn, không biết có xảy ra vấn đề dẫn đến thất thoát không.
Song, cùng việc phân cấp, trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp, dự thảo luật đã bổ sung quy định Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn chỉ đạo tổ chức giám sát, kiểm tra, thanh tra nội dung về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp, quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Ngoài ra, còn bổ sung quy định hội đồng thành viên, chủ tịch công ty chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, cơ quan đại diện chủ sở hữu trong việc quản lý bảo toàn, phát triển vốn doanh nghiệp; chịu trách nhiệm giải trình nội dung liên quan hoạt động đầu tư và quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp theo yêu cầu.
Hội đồng thành viên, chủ tịch công ty không được tiếp tục làm người đại diện chủ sở hữu trực tiếp khi thực hiện không đúng nhiệm vụ, quyền hạn được giao hoặc bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ trong trường hợp có dấu hiệu bất thường, nguy cơ ảnh hưởng lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp. Việc này nhằm gắn trách nhiệm người đứng đầu, người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Quang cảnh phiên họp (Ảnh: Media Quốc hội).
Dự thảo luật cũng quy định kết quả đánh giá xếp loại doanh nghiệp, người đại diện chủ sở hữu trực tiếp, người đại diện vốn Nhà nước, kiểm soát viên tại doanh nghiệp, là cơ sở xem xét bổ nhiệm, cử giới thiệu, thuê bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, chấp thuận từ chức, cho thôi miễn nhiệm, chấm dứt hợp đồng, khen thưởng thành viên hội đồng thành viên, người đại diện chủ sở hữu vốn, kiểm soát viên theo quy định.
Hơn nữa, ngoài luật này, các doanh nghiệp phải tuân thủ nhiều luật như Luật Doanh nghiệp. Bên cạnh đó, công tác thanh, kiểm tra vẫn được triển khai theo quy định về thanh tra, kiểm toán.
Như vậy, theo Bộ trưởng Tài chính, quy định trong dự thảo luật vừa đủ, đảm bảo hướng tăng cường hậu kiểm, tự chủ cho doanh nghiệp.
Trang Trần
Yến Chi