Không để gián đoạn cấp cứu, điều trị

Không để gián đoạn cấp cứu, điều trị
21 giờ trướcBài gốc
Theo báo cáo của Sở Y tế TP Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố vẫn còn một số điểm ngập úng. Tại những điểm ngập úng nặng như các huyện Mỹ Đức, Ứng Hòa, lãnh đạo Sở Y tế TP Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị tìm cách khắc phục, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân.
Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Năm cho biết, hiện nay, trên địa bàn huyện còn nhiều điểm ngập úng. Do có sự chuẩn bị từ sớm, từ xa, Trung tâm đã bố trí thường trực các đội cấp cứu cơ động 24/24 giờ, phân công cán bộ y tế thường trực tại các điểm ngập úng, thực hiện khám, cấp phát thuốc tại nhà cho những trường hợp mắc bệnh mạn tính, hỗ trợ chuyển tuyến những trường hợp vượt quá khả năng. Bên cạnh đó, Trung tâm tiếp tục thực hiện cấp phát cloramin B cho các xã, thị trấn; cử cán bộ y tế xuống tận nơi hướng dẫn người dân thực hiện khử khuẩn nguồn nước, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh.
Trung tâm Y tế huyện Thanh Oai chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, hóa chất, vật tư y tế. Ảnh: DUY TUÂN
Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ứng Hòa Đặng Anh Tuân cho biết, đối với Trạm Y tế xã Phù Lưu bị ngập nước, Trung tâm Y tế huyện đã phối hợp với chính quyền địa phương bố trí địa điểm phục vụ khám, chữa bệnh cho người dân tại Nhà văn hóa thôn Phù Lưu Hạ, bảo đảm việc thu dung, cấp cứu bệnh nhân. Còn với Trạm Y tế xã Hồng Quang bị ngập, toàn bộ tài sản, trang thiết bị đã được di chuyển lên tầng 2 để bảo quản an toàn.
Trạm y tế đã được chuyển đến Trường Mầm non xã Hồng Quang để tiếp tục công tác cấp cứu, khám bệnh, điều trị cho nhân dân trên địa bàn. Đơn vị cũng đã phân công cán bộ ứng trực, phục vụ người dân tại nhà văn hóa của các thôn bị chia cắt do ngập úng như thôn Phú Dư, Bài Lâm Hạ, Hữu Vĩnh. Ngoài ra, Trung tâm Y tế huyện Ứng Hòa bảo đảm đầy đủ trang thiết bị, hóa chất, vật tư y tế phục vụ cấp cứu, công tác phòng, chống dịch, an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Qua kiểm tra công tác chuẩn bị của các cơ sở y tế, ông Nguyễn Đình Hưng, Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế TP Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị bảo đảm tốt hoạt động khám, chữa bệnh trên địa bàn; tổ chức thường trực khám, chữa bệnh 24/24 giờ, không để gián đoạn công tác khám, chữa bệnh.
Ngoài ra, trước tình trạng ngập lụt tại một số địa phương dễ dẫn đến nguy cơ bùng phát bệnh dịch thường gặp trong và sau mưa lũ như tiêu hóa, da liễu, sốt xuất huyết, mắt... ngành y tế thành phố đã kiện toàn các đội cấp cứu, phòng, chống dịch cơ động với đầy đủ thuốc và trang thiết bị, sẵn sàng đáp ứng các tình huống có thể xảy ra. Bên cạnh đó, 30 trung tâm y tế đã kiện toàn 92 đội phòng, chống dịch cơ động và 80 đội cấp cứu cơ động, sẵn sàng ứng phó với các tình huống xảy ra.
Sau ngập lụt, nguy cơ dịch bệnh bùng phát cao, do đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội đã khuyến cáo trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh môi trường tại khu vực có nguy cơ cao và khu vực bị ảnh hưởng do ngập lụt. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong khu vực chịu ảnh hưởng của ngập lụt về nguy cơ phát sinh dịch bệnh, biện pháp xử lý môi trường, xử lý nguồn nước, phòng, chống dịch bệnh thường gặp trong mùa mưa lũ và ngập lụt theo khuyến cáo của ngành y tế.
AN AN
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/ky-niem-70-nam-ngay-giai-phong-thu-do/khong-de-gian-doan-cap-cuu-dieu-tri-795636