Triển khai những việc cần thiết
Thực hiện chủ trương sáp nhập cấp xã, huyện Tư Nghĩa dự kiến sẽ có 4 xã mới được thành lập. Qua rà soát, xem xét trên cơ sở đảm bảo ưu tiên vị trí thuận lợi và dễ tiếp cận cho các tổ chức, cá nhân khi thực hiện TTHC sau khi các xã mới đi vào hoạt động, UBND huyện đã đề xuất, bố trí trụ sở làm việc của trung tâm phục vụ hành chính công tại các xã sau sáp.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Đoàn Việt Vân, khi sáp nhập xã mới, nhu cầu thực hiện TTHC của người dân sẽ nhiều hơn. Trong khi đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động tại bộ phận một cửa ở các xã chưa đồng bộ, chưa đáp ứng theo yêu cầu hiện nay. Cùng với đó, diện tích làm việc tại các bộ phận một cửa tương đối nhỏ hẹp, chưa đảm bảo theo quy định, gây khó khăn cho quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC và trả kết quả cho nhân dân. Do đó, huyện kiến nghị UBND tỉnh quan tâm đầu tư trang thiết bị phục vụ hoạt động khi thành lập trung tâm phục vụ hành chính công cấp xã.
Người dân thực hiện thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa huyện Tư Nghĩa. Ảnh: Xuân Thiên
Qua tổng hợp báo cáo thực trạng bộ phận một cửa của các địa phương, hầu hết đều gặp khó khăn. Đó là diện tích bố trí nơi làm việc của bộ phận một cửa hiện tại nhỏ hẹp; các trang thiết bị chưa đồng bộ. Cùng với đó, các địa phương kiến nghị cần đầu tư nhiều trang thiết bị như: Máy tính, máy scan, máy photocopy, thiết bị đánh giá mức độ hài lòng, máy tra cứu TTHC, màn hình ti vi, máy bốc số, camera, tủ hồ sơ, bàn ghế...
Thực hiện nhiều nhiệm vụ
Để công tác giải quyết TTHC cho người dân không bị gián đoạn khi xã mới đi vào hoạt động, Chủ tịch UBND tỉnh có văn bản yêu cầu các địa phương khẩn trương đánh giá thực trạng bộ phận một cửa của các xã dự kiến thành lập trung tâm hành chính công cấp xã. Trong đó, yêu cầu UBND cấp huyện rà soát, báo cáo vị trí dự kiến đặt trụ sở các trung tâm phục vụ hành chính công cấp xã phải đảm bảo ưu tiên vị trí thuận lợi, dễ tiếp cận và diện tích cơ bản đảm bảo phục vụ cho người dân và doanh nghiệp đến thực hiện TTHC. Cùng với đó, cần tính toán dự kiến số lượng hồ sơ, giao dịch TTHC phát sinh của các đơn vị sáp nhập với nhau; số lượng hồ sơ, giao dịch TTHC do chuyển giao từ chính quyền cấp huyện cho cấp xã. Từ đó, dự tính quy mô tổ chức các quầy giao dịch tùy thuộc vào mức độ phát sinh hồ sơ, giao dịch trên các lĩnh vực quản lý nhà nước như đất đai, tư pháp - hộ tịch, chứng thực, xây dựng, bảo trợ xã hội, người có công..., bao gồm quầy tra cứu thông tin phục vụ người dân, quầy làm việc của cơ quan liên quan như chi nhánh đất đai, cơ quan ngành dọc như bảo hiểm xã hội, công an... Đồng thời, cần đánh giá thực trạng trang thiết bị làm việc hiện nay của bộ phận một cửa các xã, phường, thị trấn được sáp nhập lại với nhau dự kiến bố trí chuyển tiếp cho trung tâm phục vụ hành chính công sử dụng; dự kiến điều chuyển trang thiết bị của cấp huyện sau khi kết thúc hoạt động về cho trung tâm phục vụ hành chính công sử dụng (nếu có). Trường hợp dự kiến thiếu trang thiết bị cho trung tâm phục vụ hành chính công thì cần đề nghị bố trí, bổ sung số lượng cụ thể.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở KH&CN chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh (qua Trung tâm Phục vụ - Kiểm soát TTHC tỉnh) và các đơn vị, địa phương chủ động tham mưu, đề xuất các nội dung liên quan về việc thiết lập phần mềm, bố trí hạ tầng, trang thiết bị làm việc để đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về chuyển đổi số trong giải quyết TTHC. Giao Sở Tài chính theo dõi, chủ trì tham mưu hướng dẫn các địa phương trong việc sử dụng trụ sở làm việc và các vấn đề liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản công của trung tâm Phục vụ hành chính công cấp xã.
Ngày 14/4/2025, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 759/QĐ-TTg phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Theo đó, Chính phủ dự kiến tổ chức tối đa 4 phòng chuyên môn và tương đương thuộc UBND cấp xã. Trong đó, trung tâm phục vụ hành chính công là tổ chức tham mưu, giúp UBND cấp xã về xây dựng chính quyền điện tử, cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết các TTHC và cung ứng các dịch vụ công trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp trên địa bàn, Đơn vị này phối hợp với các cơ quan nhà nước ở trung ương tổ chức theo ngành dọc trên địa bàn để tiếp nhận và trả kết quả TTHC của người dân, doanh nghiệp.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các cơ quan liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương chủ động đánh giá trước tình hình, các công tác liên quan đến việc tổ chức, bố trí hoạt động của trung tâm phục vụ hành chính công thuộc UBND cấp xã để đảm bảo thực hiện tốt nhất chủ trương của trung ương, của Tỉnh ủy về tổ chức đơn vị hành chính cấp xã gần dân, sát dân, phục vụ người dân, doanh nghiệp thực hiện TTHC được thuận lợi, thông suốt, tránh bị động, lúng túng sau khi kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện và sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã kể từ ngày 1/7/2025.
Giám đốc Trung tâm Phục vụ - Kiểm soát TTHC tỉnh Nguyễn Thanh Hoài cho biết, trên cơ sở báo cáo của các địa phương, trong thời gian chờ trung ương hướng dẫn, quy định về mô hình tổ chức của trung tâm phục vụ hành chính công cấp xã, Trung tâm sẽ tham mưu cho Văn phòng UBND tỉnh thành lập các đoàn khảo sát đánh giá thực trạng tất cả địa điểm dự kiến thành lập trung tâm phục vụ hành chính công ở các địa phương để tham mưu, đề xuất cho Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, giải quyết; hướng dẫn tổ chức, hoạt động của trung tâm phục vụ hành chính công cấp xã.
X.THIÊN