VN-Index phiên 22/7 lấy lại "phong độ" sau phiên điều chỉnh giảm mạnh trước đó, chốt phiên vượt thành công ngưỡng 1.500 điểm.
Cơ hội về lại đỉnh cũ
Tính riêng trong một tháng qua, sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là nhóm ngân hàng, chứng khoán hay "họ Vingroup" đã giúp chỉ số chính tăng hơn 12%, đánh dấu một trong những thị trường chứng khoán (TTCK) tăng tốt nhất trên thế giới.
Sự khởi sắc này đến trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp lần lượt công bố kết quả kinh doanh quý II/2025, thu hút sự chú ý của dòng tiền đầu cơ lẫn đầu tư.
VN-Index vượt 1.500 điểm, việc gồng lãi của nhà đầu tư đang trở nên khó khăn.
Theo giới phân tích, TTCK Việt Nam đang trải qua giai đoạn có nhiều điểm tương đồng với năm 2020 - 2021, khi tốc độ tăng trưởng cung tiền rất mạnh, chỉ thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021. Đây là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy sóng tăng của thị trường.
“Dòng tiền đang chạy rất là mạnh. Ví dụ như một trong những chỉ số mà chúng ta có thể nhìn thấy một cách khá rõ ràng và là một trọng số lớn, đó là tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2025 đạt đến hơn 9%. Đấy là một con số tăng trưởng kỷ lục. Và với tốc độ tăng như hiện tại thì đến cuối năm có thể đạt con số 18% - một con số rất lớn, trong khi đầu năm chúng ta vẫn chỉ kỳ vọng là 15, 16%", ông Nguyễn Minh Hoàng, Giám đốc phân tích Chứng khoán Nhất Việt nêu.
Dưới góc nhìn của ông Nguyễn Nhật Tân, chuyên viên tư vấn đầu tư, Chứng khoán Mirae Asset (MAS), VN-Index đang tiến sát vùng đỉnh lịch sử thiết lập đầu năm 2022, thanh khoản toàn thị trường duy trì ở mức cao.
Thị trường đang hưởng lợi từ những tín hiệu tích cực như: GDP quý II tăng 7,5-8% - mức cao nhất 20 năm; Thủ tướng và Ủy ban Chứng khoán đẩy mạnh cải cách giao dịch, triển khai hệ thống Cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (CCP), nâng cấp để hướng tới việc ngang tầm khu vực, đạt mục tiêu nâng hạng thị trường; KRX cùng dự án phái sinh được kỳ vọng phát triển, đặc biệt hỗ trợ thanh khoản và thu hút cổ phiếu từ các nhà đầu tư chuyên nghiệp.
“Những cải cách vĩ mô hỗ trợ dài hạn đang giúp cải thiện cơ sở cấu trúc, niềm tin và việc tiếp cận vốn”, ông Tân nhấn mạnh.
Mặc dù vẫn có một số rủi ro như: dòng vốn ngoại dồn vào một số cổ phiếu lớn gây xáo trộn ngắn hạn, thanh khoản thấp ở các ngành khác; rủi ro từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, diễn biến phức tạp của Fed (Cục Dự trữ Liên bang Mỹ) và đồng USD nhưng các chuyên gia vẫn chung nhận định kỳ vọng xu hướng tăng sẽ tiếp diễn trong phần còn lại của quý III/2025 với mục tiêu chinh phục vùng đỉnh lịch sử 1.550 điểm. Trong đó, các nhịp điều chỉnh trong ngắn hạn vẫn được xem là yếu tố cần thiết giúp thị trường hạ nhiệt và thiết lập điểm cân bằng mới cho các xu hướng tăng trong trung và dài hạn.
Khó khăn nhất là... gồng lãi
Trong xu hướng tăng hiện nay, đặc biệt với mức độ đồng thuận cao từ chính sách bơm tiền, sự trở lại của nhà đầu tư nước ngoài, các chính sách hỗ trợ như thuế quan và triển vọng nâng hạng thị trường, việc "gồng lãi" của nhà đầu tư đang trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Theo ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, Chứng khoán VPBank (VPBankS), do tăng "nóng" nên thị trường có thể chạm đến bất cứ mốc nào. Nhà đầu tư không nên vội đoán đâu là vùng điều chỉnh ngắn hạn và nên chờ tín hiệu kỹ thuật để xác nhận góc nhìn.
Chuyên gia VPBankS cho rằng rất khó đoán cổ phiếu đã tăng hết đà hay chưa. Để tránh việc bán ở lưng sóng, mất lãi của cả giai đoạn lớn sau đó, nhà đầu tư nên chịu đựng, bỏ qua những pha “bear trap” (bẫy giảm giá) nhỏ. Do đó, nhà đầu tư đang nắm giữ những nhóm ngành lớn như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, bán lẻ, hàng tiêu dùng… với giá vốn tốt, nên tiếp tục nắm giữ và để lãi tiếp tục chạy. Bởi từ nay đến cuối năm vẫn có rất nhiều câu chuyện hỗ trợ.
“Trong giai đoạn thị trường vào uptrend, việc khó khăn nhất là gồng lãi, chứ không phải lỗ. Yếu tố gồng lãi trong một xu hướng tăng dài hạn là rất khó. Một số nhà đầu tư mua đỉnh, chịu lỗ 10 – 20% không cắt, nhưng lãi chỉ 5 – 10% đã cắt rồi. Trong năm nay, uptrend khá dài và mạnh. Bởi vậy, câu chuyện khoe lãi rất vui, nhưng gồng được lãi mới quan trọng”, chuyên gia VPBankS nhấn mạnh.
Với nhà đầu tư chưa tham gia thị trường, các chuyên gia cho rằng cần chờ đợi những nhịp điều chỉnh để có điểm vào tốt.
Tóm lại, một số khuyến nghị chiến lược các chuyên gia dành cho nhà đầu tư như sau: Giữ tỷ trọng cổ phiếu cao, ưu tiên nhóm có kết quả kinh doanh quý II tích cực như Ngân hàng, Chứng khoán; tránh đu đỉnh cổ phiếu với những mã tăng trên 30% trong 2 tuần gần nhất; tận dụng nhịp điều chỉnh để mua tích lũy cổ phiếu cơ bản; theo dõi yếu tố vĩ mô như quan sát Fed, tỷ giá USD/VND, chính sách của Trung Quốc.
Ngoài ra, theo dõi tài khoản cũng là một yếu tố rất quan trọng. Sau giai đoạn tăng nóng, nếu đang lãi 40% và sau đó bị bớt lãi từ 5 - 7%, nhà đầu tư cần chú ý. Bên cạnh đó, biết quản trị được cảm xúc - quản trị được kỳ vọng và phân bổ vốn thật hợp lý, đặc biệt phải biết "chốt lời".
Hải Giang