Nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng và giúp bà con sớm ổn định cuộc sống, bên cạnh việc huy động các nguồn hỗ trợ, chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong thực hiện các thủ tục về đất đai. Tuy nhiên, tại một số nơi, do bà con chưa hiểu rõ các quy định pháp luật đã xảy ra tình trạng dựng nhà trên đất không phù hợp quy hoạch.
Gia đình anh Lý A M. ở xã Bản Hồ, thị xã Sa Pa, thuộc diện có nguy cơ sạt lở do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 (Yagi). Sau khi được UBND thị xã phê duyệt, gia đình anh đã tiến hành xây dựng nhà ở theo đúng quy định.
Tuy nhiên, anh M. lại tự ý xây thêm một căn nhà cấp 4 bên cạnh thửa đất được phê duyệt. Khi công trình vi phạm bị phát hiện, Đội Quản lý trật tự xây dựng nông thôn thôn La Ve và UBND xã Bản Hồ đã tuyên truyền, giải thích về quy định pháp luật liên quan đến đất đai và xây dựng. Sau đó, gia đình anh đã đồng ý tự tháo dỡ công trình vi phạm.
Tại thôn Hàng Lao Chải, xã Hoàng Liên, mới đây, UBND xã phát hiện bà Lồ Thị L. dựng một căn nhà gỗ 3 gian, diện tích gần 80 m2 trên đất nông nghiệp. Đáng chú ý, bà L. đã lợi dụng thời điểm rạng sáng, ngoài giờ làm việc của cơ quan chức năng để xây dựng công trình tại vị trí không phù hợp quy hoạch. Sau khi được chính quyền địa phương và cơ quan chức năng tuyên truyền, giải thích, bà L. đã nhận thức rõ việc làm sai trái và tự giác tháo dỡ căn nhà.
Theo UBND thị xã Sa Pa, từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương đã phát hiện, xử lý nhiều trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, đặc biệt là xây dựng nhà trên đất không phù hợp quy hoạch. Một số trường hợp dù đã được nhắc nhở nhưng vẫn tái phạm.
Đáng chú ý, trong những tháng cuối năm, khi thị xã triển khai chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát và xây dựng nhà mới cho người dân bị thiệt hại do mưa lũ, một số cá nhân đã lợi dụng chính sách để xây dựng và lắp đặt các công trình trái phép. Với phương châm tuyên truyền, vận động để người dân tự giác tháo dỡ các công trình vi phạm, kết hợp với việc kiên quyết xử lý những trường hợp không chấp hành, tình hình vi phạm tại thị xã đã giảm rõ rệt.
Đồng chí Cao Bá Quý, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa cho biết, để đảm bảo đúng đối tượng được hưởng chính sách, sau khi các xã, phường tiến hành thống kê và báo cáo, thị xã đã thành lập các đoàn liên ngành để kiểm tra, rà soát, đánh giá cụ thể về mức độ thiệt hại, xác định chính xác chủ hộ sử dụng đất cũng như hiện trạng nhà đất, từ đó xem xét các điều kiện để tái thiết.
Theo báo cáo ban đầu từ các xã, phường, đợt mưa lũ vừa qua, trên địa bàn thị xã có hơn 200 hộ bị thiệt hại, trong đó 38 hộ có nhà bị hư hỏng trên 70% cần xây dựng lại. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, chỉ có 25/38 hộ đủ điều kiện tái thiết. Thị xã đã phân loại các trường hợp đủ điều kiện tái thiết thành 3 nhóm: các hộ có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp; các hộ không có giấy chứng nhận nhưng nhà ở phù hợp với quy hoạch; các hộ không có giấy chứng nhận, không phù hợp quy hoạch nhưng đã sinh sống ổn định tại vị trí đó trước ngày 1/7/2014.
Trong quá trình tái thiết nhà sau lũ và thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát, thị xã Sa Pa luôn hỗ trợ tối đa để người dân có vị trí đất ở phù hợp nhất. Với những trường hợp người dân tìm được đất tái thiết tại chỗ, thị xã sẽ chỉ đạo cán bộ chuyên môn rà soát quy hoạch. Nếu khu vực chưa có quy hoạch, thị xã sẽ nghiên cứu điều chỉnh và phê duyệt để người dân có thể xây dựng nhà mới. Đối với các hộ không tìm được đất, chính quyền sẽ tư vấn vị trí đất phù hợp quy hoạch, hỗ trợ chuyển đổi mục đích sử dụng đất và hoàn thiện các thủ tục cần thiết để việc xây nhà tuân thủ pháp luật.
“Một trong những khó khăn lớn là trước đây, tại các xã chủ yếu quản lý theo mô hình nông thôn, số lượng công trình được cấp phép xây dựng chưa nhiều. Sau khi thành lập thị xã, nhiều khu vực nông thôn quản lý theo mô hình đô thị, qua rà soát cho thấy còn nhiều thiếu sót”
- Đồng chí Cao Bá Quý, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa
Để tránh tình trạng người dân lợi dụng chính sách hoặc vi phạm do chưa hiểu hết quy định pháp luật, thị xã Sa Pa đã yêu cầu cơ quan chức năng và UBND các xã, phường tăng cường giám sát, quản lý từ cơ sở. Trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và các ban, ngành liên quan được gắn chặt khi xảy ra vi phạm trên địa bàn.
Đồng chí Cao Bá Quý nhấn mạnh: Quan điểm xuyên suốt của thị xã vẫn là lấy tuyên truyền, vận động là chính, công tác này đóng vai trò quan trọng trong việc giúp người dân hiểu rõ quy định pháp luật, nhận thức được hành vi vi phạm và tự giác chấp hành. Trường hợp buộc phải tiến hành cưỡng chế, người vi phạm cũng sẽ hiểu rõ quy trình xử lý, không chống đối hay tái phạm, tránh gây mất an ninh, trật tự trên địa bàn.
Mạnh Dũng