Không để ngắt quãng công việc

Không để ngắt quãng công việc
21 giờ trướcBài gốc
Quá trình xây dựng và thông qua các dự án luật lần này đã thể hiện rõ tư duy đổi mới theo hướng: vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển. Luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc, đúng tầm và trao quyền cho Chính phủ ban hành các quy định chi tiết nhằm bảo đảm linh hoạt trong điều hành, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Cũng vì vậy, sau quá trình tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện, số lượng các chương, điều, khoản trong các dự thảo luật đã giảm đáng kể so với dự thảo ban đầu do Chính phủ trình. Ví dụ, dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) giảm 2 chương, 3 điều và 5 khoản; dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) giảm 49 điều; dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) giảm 36 điều; dự thảo Luật Nhà giáo giảm 21 điều; dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) giảm 9 điều; dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn giảm 6 điều; dự thảo Luật Dữ liệu giảm 5 điều…
Nguồn: ITN
Ban hành "luật khung" dù có nhiều lợi ích song cũng đặt ra gánh nặng cho Chính phủ và các bộ, ngành trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành. Không khó để thấy rằng, khối lượng văn bản cần ban hành để hướng dẫn thực thi 18 luật được thông qua tại Kỳ họp thứ Tám là rất lớn, đòi hỏi nguồn lực và thời gian đáng kể của Chính phủ cũng như các bộ, ngành. Trong khi đó, thực tế đã chỉ ra rằng, không ít lần tiến độ ban hành văn bản hướng dẫn không theo kịp yêu cầu triển khai của luật, dẫn đến tình trạng "luật chờ nghị định", gây khó khăn cho các cơ quan thực thi, người dân, doanh nghiệp và làm giảm hiệu quả của chính sách.
Cùng thời điểm này, các cấp, các ngành từ Trung ương tới cơ sở đang dồn lực triển khai cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy - nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Một số bộ, ngành sẽ cấu trúc lại tổ chức hoặc chuyển giao chức năng, nhiệm vụ. Điều này có thể gây gián đoạn trong việc ban hành văn bản hướng dẫn các luật mới. Bên cạnh đó, sự thay đổi nhân sự có thể khiến việc tiếp nhận và triển khai nhiệm vụ mới gặp khó khăn, đặc biệt khi khối lượng công việc hiện tại đã rất lớn. Nếu không chuẩn bị kỹ lưỡng và điều phối hợp lý, nguy cơ "ngắt quãng công việc" là hoàn toàn có thể xảy ra.
Tuy nhiên, với công cuộc tinh gọn tổ chức bộ máy, Tổng Bí thư Tô Lâm đã yêu cầu: “bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay; không để ngắt quãng công việc, không để khoảng trống về thời gian, không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực; không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, của người dân...”. Tuân thủ chỉ đạo này, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần bảo đảm quá trình tinh gọn bộ máy không ảnh hưởng đến các nhiệm vụ đang triển khai, đặc biệt là việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành các luật vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Tám.
Hệ thống pháp luật không chỉ là công cụ điều chỉnh xã hội mà còn là động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Và chỉ khi các luật mới ban hành được triển khai hiệu quả thì mới tạo ra những thay đổi tích cực trong đời sống kinh tế - xã hội. Do đó, sự phối hợp chặt chẽ, quyết tâm và tinh thần đổi mới để đưa các luật vào cuộc sống là đòi hỏi, là nhiệm vụ cấp bách để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.
Hà Lan
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/khong-de-ngat-quang-cong-viec-post398093.html