Không dễ nhạt phai...

Không dễ nhạt phai...
6 giờ trướcBài gốc
Lao xao là phải, bởi giữa trập trùng biến tấu, dập dìu giao lưu hội nhập văn hóa, người Hà Nội vẫn thao thức: Giữ hương sắc ẩm thực Hà thành thế nào giữa guồng quay hối hả của cuộc sống đô thị hóa?
Có phải đã nhạt phai?
Người Hà thành bao lâu nay vẫn yên tâm và tự hào khi giữ trong tay “báu vật” là kho ẩm thực truyền đời với những nét riêng hào hoa, tinh tế của vùng đất văn hiến nghìn năm. Hà Nội hôm nay vẫn vang danh năm châu với phở, bún thang, bún chả, cốm Vòng, chả cá Lã Vọng, bánh tôm Hồ Tây… Bạn bè muôn phương cứ đến Hà Nội là nhất định phải thưởng thức bằng được phở Thìn, bún ốc Bà Sáu…; phải mua bằng được về làm quà bánh cốm Hàng Than, trà sen Tây Hồ, ô mai Hàng Đường…
Còn người Hà thành, khi cái lạnh đầu mùa lao xao phố cũ như hôm nay, lòng không thôi nhớ để lục đục tìm về ngõ ẩm thực chợ Đồng Xuân - con ngõ chỉ chừng 200m nhưng tụ hội hàng chục quán bán các món đặc sản của đất Hà Nội.
Người ta bảo nhau, đến đây thưởng thức các món ngon như thấy cả hương vị của một Hà Nội xưa vẫn còn nguyên ở đó giữa nhịp rộn rã, xô bồ của chợ Đồng Xuân tấp nập kẻ mua, người bán. Nào là bún chả que tre, bún ốc, hủ tíu, miến lươn... nào là bánh tôm, bánh gối, phở cuốn, bánh bột lọc... chẳng thiếu món ngon nào của Hà Nội. Chả thế mà ngày mưa cũng như ngày nắng, mùa Đông se sắt cũng như mùa Hè đổ lửa, ngõ ẩm thực chợ Đồng Xuân lúc nào cũng tấp nập.
Người dân xếp hàng chờ thưởng thức phở Lý Quốc Sư trên phố cổ Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Chả thế mà dù bàn ghế tuềnh toàng, trời mưa có khi vừa ăn vừa tránh ướt áo… nhưng ngõ ẩm thực chẳng mấy khi vắng vẻ. Chả thế mà nơi ấy được giới trẻ mệnh danh “siêu ngõ ẩm thực”, hấp dẫn không chỉ các “khách ruột”, mà còn cả khách nước ngoài ghé đến trải nghiệm “food tour”. Y như phố ẩm thực Tống Duy Tân, phố Tạ Hiện… cũng thế.
Rõ là món ngon Hà thành và nỗi nhớ thương ẩm thực Hà Nội phố vẫn hiện hữu giữa đời sống đô hội tấp nập. Vậy nhưng thẳm sâu trong lòng người yêu mảnh đất này vẫn cứ thấp thoáng nỗi đắn đo: cùng với sự hội nhập kinh tế, những món ăn cầu kỳ và cách thưởng thức tinh tế đang dần phai nhạt khi bị pha trộn với những nét mới vốn xuất thân từ những vùng miền khác. N
gười ta nhìn thấy những đổi thay từ món ăn, những biến tấu trong nguyên liệu chế biến. Ví như bát bún riêu thanh mát ngày xưa, giờ có thêm nào giò tai, đậu rán, tóp mỡ, nào thịt bò, trứng vịt lộn, chả lá lốt...; món bún đậu mắm tôm thì có cả chả cốm, nem rán, thịt chân giò, giả cầy, dồi sụn…; bát bún thang thanh cảnh thuở nào giờ “tải” thêm cả trong vị nước dùng ngọt vị tôm khô cả thịt, gan, trứng…
Ẩm thực trên phố Hà thành nay có sự hiện diện của cả Pizza, Spaghetti, Beefsteak… - những món ăn từ trời Tây xa xôi; có cả bánh mì que, bánh đa cua Hải Phòng, bún bò, nem lụi Huế, nem nướng Nha Trang… - những đặc sản địa phương mang đậm dấu ấn con người vùng đất ấy.
Vậy có phải hương sắc tinh tế của ẩm thực Hà thành đã phai nhạt trong cuộc sống hiện đại? Hay là người Hà Nội đã chấp nhận những nét văn hóa ẩm thực của các vùng miền khác, như văn hóa Hà Nội nghìn năm nay vẫn thế, luôn trong hành trình hội tụ - dung hòa - kết tinh - lan tỏa.
Chuyển đổi số ngành ẩm thực
Thế mới thấy, không phải ngẫu nhiên mà Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội năm nay chọn chủ đề “Hà Nội kết nối năm châu” để mở ra không gian giao lưu văn hóa ẩm thực quốc tế. Các khu trưng bày không chỉ giới thiệu những món ăn đặc trưng của nhiều quốc gia, mà còn tái hiện văn hóa ẩm thực độc đáo của mỗi nước. Trong đó dành hẳn một không gian cho ẩm thực tiêu biểu của các làng nghề truyền thống Hà Nội, đủ cả phở, bánh tôm Hồ Tây, cốm Vòng, giò chả Ước Lễ, bánh chưng Tranh Khúc…
Thế mới hiểu vì sao người Hà thành cứ lao xao với điểm nhấn “Phở số Hà thành” trong lễ hội. Bởi ở đó, bên cạnh không gian phở truyền thống với các thương hiệu nổi tiếng như phở Thìn Bờ Hồ, phở gà 37 Hùng Vương, phở cuốn… là không gian phở cùng robot thông minh. Robot tham gia chế biến và phục vụ phở, từ khâu chan nước dùng, sắp đặt bát phở của người đầu bếp, đến khâu bưng bê như một “bồi bàn”… Những người làm lễ hội nói rằng, đây bước tiến trong việc ứng dụng công nghệ, mở ra hướng đi mới trong chuyển đổi số ngành ẩm thực.
Cũng phải thôi, trong buổi giao lưu và hội nhập văn hóa, công nghệ phát triển không ngừng nghỉ, đến con ngõ ẩm thực chợ Đồng Xuân còn “chuyển mình” để bắt nhịp với cuộc sống đô thị hối hả. Các quầy hàng không máy lạnh, bàn ghế đơn sơ, quạt máy giản dị, nhưng đều triển khai QR code để khách hành dễ bề thanh toán. Cùng với đó là dịch vụ ship hàng, bán hàng trực tuyến trên các trang thương mại điện tử chuyên mục đồ ăn để mở rộng các đối tượng khách hàng…
Thế thì phở, hay nói rộng hơn là ẩm thực Hà thành, cũng phải chọn lối đi thích ứng với thời cuộc để bảo tồn và phát huy giá trị riêng có của mình. Tọa đàm “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể - Phở Hà Nội” được mở ra trong khuôn khổ lễ hội để các chuyên gia, nghệ nhân và nhà quản lý bàn thảo việc gìn giữ bản sắc phở Hà Nội trong bối cảnh hiện đại hóa và toàn cầu hóa cũng vì lẽ đó.
Còn nhớ, trong khá nhiều cuộc bàn tròn về ẩm thực Hà thành, các chuyên gia văn hóa đã nhận định, để ẩm thực là một thành tố văn hóa vật chất và tinh thần quan trọng trong sự giao thoa giữa văn hóa và kinh tế, Hà Nội cần quy hoạch, đầu tư xây dựng các food tour, sản phẩm văn hóa ẩm thực có trọng tâm, trọng điểm. Hà Nội cần xây dựng chiến lược, kế hoạch phát huy tinh hoa văn hóa ẩm thực gắn với phát triển công nghiệp văn hóa và sáng tạo; đồng thời, quảng bá điểm đến Hà Nội nói chung, văn hóa ẩm thực nói riêng hướng tới các thị trường mục tiêu.
Cũng cần tổ chức các sự kiện, hoạt động giao lưu, hợp tác trong nước và quốc tế về văn hóa ẩm thực; hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực ẩm thực, đặc biệt là hỗ trợ đào tạo đội ngũ nhân lực trong lĩnh vực ẩm thực.
Còn nhớ, rất nhiều chuyên gia tâm đắc với việc khai thác di sản ẩm thực Hà thành thành sản phẩm du lịch. Vậy thì nhất định phải xây dựng chương trình du lịch, tuyến du lịch di sản ẩm thực, căn cứ trên bộ tiêu chí đánh giá khả năng cung ứng dịch vụ của các điểm di sản, từ đó tiến hành đánh giá, lựa chọn các điểm di sản ẩm thực phù hợp để đưa vào xây dựng chương trình.
Thực tiễn nghiên cứu từ các quốc gia trên thế giới cho thấy, để các di sản ẩm thực chính thức được khai thác cho phát triển du lịch, trước tiên việc trải nghiệm di sản đó cần được đưa vào xây dựng thành sản phẩm du lịch và trở thành một phần trong hành trình khám phá văn hóa, con người của khách du lịch khi đến với Hà Nội và Việt Nam…
Ẩm thực Hà Nội không chỉ là tinh hoa trong dòng chảy văn hóa Việt, mà còn là cầu nối đưa hình ảnh đất nước đến với bạn bè quốc tế. Thế nên ẩm thực Hà thành không dễ phôi phai, nét duyên còn đó, tinh tế còn đây, chỉ có khác là người đô thị hiện đại đang dung hòa nó cho phù hợp với đời sống đương đại và lan tỏa nó cho tiếng thơm vang xa.
Nhật Anh
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/khong-de-nhat-phai.html