Hình ảnh cô gái áo trắng bị hành hung tại công viên ở Bắc Ninh. Ảnh cắt từ clip
Những vụ việc điển hình
Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra nhiều vụ hành hung gây thương tích nơi công cộng mà nguyên nhân xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ như: va quệt khi tham gia giao thông; một câu nói; một cái nhìn không thuận mắt..., thay vì nói chuyện với nhau thì xông vào “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”. Báo chí, truyền thông đăng tải dày đặc thông tin liên quan, thế nhưng tình trạng này không giảm mà có chiều hướng gia tăng, hành vi ngày càng manh động, liều lĩnh hơn.
Điển hình như mới đây, khi bị nhắc nhở về hành vi lạng lách, đánh võng, Chu Quang Đức, SN 1997, trú tại phường Bắc Giang, tỉnh Bắc Ninh, cùng nhóm bạn đuổi theo chặn xe máy của hai cô gái. Đức đã túm cổ, quật ngã cô gái mặc áo trắng. Mặc dù những người xung quanh can ngăn, đối tượng liên tục chỉ tay chửi mắng các nạn nhân. Chưa dừng lại, Đức tiếp tục hành hung khiến cô gái còn lại ngã ra nền gạch, Đức đánh liên tiếp vào đầu, vào người các nạn nhân trước khi bỏ đi. Tại cơ quan công an, Chu Quang Đức khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội.
Trước đó, ngày 17/6, cũng tại phường Bắc Giang, tỉnh Bắc Ninh, xuất hiện đoạn video ghi lại vụ xô xát giữa ba người đàn ông. Theo nội dung đoạn clip và chia sẻ từ người đăng tải, sự việc bắt nguồn từ mâu thuẫn trong quá trình tham gia giao thông, một nam thanh niên đã bị hai bố con khống chế. Người bố đã sử dụng mũ bảo hiểm đánh vào vùng đầu nạn nhân gây thương tích. Lực lượng chức năng đã tiến hành xử lý vụ việc theo quy định.
Trước đó, ngày 28/6, mạng xã hội lan truyền clip ghi lại cảnh cô gái mặc áo trắng, ngắn tay bị một nữ giới mặc áo đen hành hung nơi công cộng, giữa ban ngày tại công viên Lãm Làng, phường Nam Sơn, tỉnh Bắc Ninh (trước là phường Vân Dương, TP Bắc Ninh). Đến ngày 1/7, Công an phường Nam Sơn, tỉnh Bắc Ninh đã triệu tập những người liên quan và mời cô gái bị hành hung tại công viên Lãm Làng đến trụ sở làm việc, lập biên bản. Sau đó, cơ quan chức năng hoàn thiện hồ sơ, chuyển CA tỉnh Bắc Ninh tiếp tục xử lý.
Nâng cao ý thức cộng đồng
Luận bàn về vấn đề này, luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Minh Nguyên Legalsun, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, những vụ việc liên tiếp xảy ra thời gian qua với tính chất, mức độ và hậu quả khác nhau không chỉ là hồi chuông cảnh tỉnh mà đã là “báo động đỏ” về chuẩn mực đạo đức cũng như cách ứng xử trong xã hội. Va chạm, mâu thuẫn trong đời sống là việc khó tránh khỏi, song việc “thổi bùng” những xung đột nhỏ thành ngọn lửa hận thù bằng những lời nói, hành động phi đạo đức, dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng là hành động cần hết sức lên án và phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
“Việc xử lý nghiêm giúp ngăn chặn, răn đe, làm giảm bớt rõ rệt các hành vi bạo lực, phá hoại, xâm phạm quyền lợi của người khác, giúp người dân yên tâm sinh hoạt, góp phần hình thành một xã hội có trật tự, văn minh, tiến bộ, xây dựng hình ảnh về một xã hội, an toàn, thân thiện” - luật sư Đinh Thị Nguyên nhấn mạnh.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đinh Thị Nguyên cho biết, hành vi gây rối trật tự công cộng còn gây khó khăn trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, xã hội, tạo ra những hình ảnh tiêu cực, ảnh hưởng đến du lịch, kinh tế, làm tổn hại đến các giá trị đạo đức, chuẩn mực xã hội văn minh được cộng đồng công nhận, tuân thủ. Ngoài ra, đối với các vụ việc có tính chất bạo lực, xảy ra tại nơi công cộng, ngoài sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của người khác, những vụ việc như trên còn xâm phạm tới một khách thể khác được pháp luật bảo vệ đó là an ninh trật tự xã hội. Do đó, ngoài các tội danh như: “Cố ý gây thương tích” hay “Làm nhục người khác”, cơ quan điều tra sẽ đồng thời xem xét hành vi có dấu hiệu tội “Gây rối trật tự công cộng”.
Trường hợp có dấu hiệu của hành vi cố ý gây thương tích theo Điều 134, Bộ luật Hình sự năm 2015 sẽ được cơ quan điều tra được tập trung làm rõ. Theo đó, trong trường hợp nạn nhân có mức độ thương tật từ 11% trở lên hoặc dưới 11% nhưng thuộc các tình tiết quy định tại khoản 1 Điều này, cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án hình sự về tội “Cố ý gây thương tích” để điều tra theo quy định pháp luật. Trường hợp việc hành hung kết hợp các hành vi khác xâm phạm tới danh dự, nhân phẩm người khác như nhổ nước bọt, hành hạ, lột quần áo, cắt tóc... tại nơi đông người, có thể xem xét thêm trách nhiệm về tội “Làm nhục người khác” theo Điều 155, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Đối với hành vi rối trật tự công cộng, luật sư Đinh Thị Nguyên viện dẫn, theo Điều 318, Bộ luật Hình sự năm 2015, người nào gây rối trật tự công cộng mà gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị xử lý hình sự về tội “Gây rối trật tự công cộng”, bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm
Trên thực tế, không ít vụ việc đánh nhau, hỗn chiến, loạn đả nơi công cộng đã được cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng đồng thời 2 tội danh là “Cố ý gây thương tích” và “Gây rối trật tự công cộng” để xử lý những người vi phạm. Thậm chí trong nhiều vụ việc, những người là bị hại của hành vi cố ý gây thương tích đã phải đồng thời trở thành bị can, bị cáo đối với hành vi gây rối trật tự công cộng. Việc xử lý một cách toàn diện, triệt để như vậy thể hiện sự khách quan, công bằng và nghiêm minh của pháp luật, đảm bảo sự răn đe và tránh bỏ lọt tội phạm.
Theo luật sư Đinh Thị Nguyên, gây rối trật tự công cộng có thể gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người khác khiến người dân, cộng đồng hoang mang, phẫn nộ. Vì vậy, sự vào cuộc quyết liệt, nhanh chóng của cơ quan công an đã thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, kéo giảm tội phạm và nâng cao sự hiểu biết, chấp hành, tuân thủ pháp luật của người dân.
Ngoài ra, tùy vào tính chất, mức độ, động cơ, mục đích, hậu quả của người phạm tội gây ra mà quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định nhiều tội danh khác, dựa trên những quy định của Bộ luật Hình sự và một số bộ luật khác liên quan.
Trong bối cảnh xã hội ngày càng hiện đại và hội nhập sâu rộng, mọi hành vi bạo lực, phản cảm cần bị loại trừ, xử lý nghiêm khắc để bảo vệ môi trường sống an toàn cho cộng đồng, giữ gìn hình ảnh thân thiện, hòa bình, nghiêm minh và kỷ cương.
Luật sư Đinh Thị Nguyên, Đoàn Luật sư TP Hà Nội
Thái An