Đa số doanh nghiệp đều bố trí nguồn thưởng Tết để khích lệ, động viên và giữ chân người lao động. Ảnh: Quang Vinh.
Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may thêu đan TPHCM cho biết, qua khảo sát, đa phần doanh nghiệp (DN) đã có kế hoạch và giữ mức thưởng Tết Ất Tỵ 2025 như năm trước. Theo đó, phổ biến nhất là ở mức 1 tháng lương thực lãnh.
Thưởng Tết để tri ân
So với năm trước, các DN đều khẳng định có thưởng Tết và khởi sắc hơn năm trước. Đặc biệt, các DN sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực dệt may, da giày, lắp ráp điện tử sẽ thưởng Tết cao hơn. Theo ông Lưu Kim Hồng - Chủ tịch Công đoàn công ty TNHH Nidec Việt Nam (TP Thủ Đức), gần Tết, DN mới thông báo thưởng do sợ tâm lý so sánh giữa người lao động, ảnh hưởng sản xuất kinh doanh hoặc cân đối kết quả sản xuất kinh doanh theo kế hoạch. Tuy nhiên, công ty vẫn đảm bảo thưởng Tết bằng 1 tháng lương cơ bản. Hiện nay, lương cơ bản trung bình của người lao động dao động từ 5 - 6 triệu đồng/tháng, nhưng nếu cộng phụ cấp, thâm niên, thưởng thì bình quân thu nhập tăng thành 7,5 - 8 triệu đồng/tháng.
Nói về thưởng Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 cho công nhân, ông Nguyễn Quang Anh - Giám đốc Công ty May mặc Dony (huyện Bình Chánh) cho hay, đối với cấp quản lý mức thưởng quý cuối năm cộng với thưởng Tết giao động từ 16 – 18 triệu đồng/người, người lao động thì được 1 tháng lương là khoảng 6 triệu đồng, tùy vào mức lương. “Nếu chỉ tính mức thưởng cuối năm cho người lao động thì không nhiều nhưng tính mức thưởng cả năm của DN lại khá cao. Chúng tôi không thực hiện thưởng chỉ một dịp cuối năm mà chia đều tiền thưởng vào các quý trong năm” - ông Quang Anh nói và cho rằng hình thức chi thưởng này không phải đợi chờ quá lâu, đồng thời vừa có khoản tiền thưởng nhỏ để trang trải thêm, vừa là động lực khích lệ người lao động phấn đấu làm việc. Đây là xu hướng chi thưởng mới mà đơn vị này áp dụng trong năm nay.
Việc có thưởng Tết cho người lao động hay không là quyền của người sử dụng lao động. Dù không bắt buộc thưởng Tết nhưng đa số DN vẫn bố trí nguồn thưởng để khích lệ, giữ chân người lao động gắn bó cống hiến cho DN.
Năm 2024 nhìn chung vẫn là năm khó khăn với DN, nhất là các ngành dịch vụ, du lịch, bất động sản. Tình trạng hàng hóa dư thừa ở một số ngành sản xuất cũng làm cho hoạt động kinh doanh của một số ngành nghề bị trì trệ, do vậy các DN khó khăn, không thể trả lương thưởng Tết cao cho người lao động.
Tuy nhiên, không phải ngành nghề nào cũng khó khăn. Một số lĩnh vực như thương mại điện tử, công nghệ, trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ổn định. Các DN trong lĩnh vực này dự kiến sẽ có chính sách thưởng tương đối hấp dẫn, dù không bằng các năm trước.
Thông tin về tình hình thưởng Tết Ất Tỵ 2025, ông Nguyễn Bảo Cường - Trưởng phòng Lao động tiền lương và Bảo hiểm xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM cho biết, qua khảo sát ghi nhận về tiền thưởng Tết Nguyên đán Ất Tỵ, bình quân được khoảng 12,7 triệu đồng/người, cao hơn so với năm trước (12,3 triệu đồng/người). Mức thưởng cao nhất thuộc về một DN FDI, với 1,908 tỷ đồng. Mức thưởng thấp nhất (bình quân) 5,9 triệu đồng. Ghi nhận của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, mức thưởng cao nhất thuộc DN ngành điện tử - công nghệ thông tin, chế biến thực phẩm, phát triển phần mềm, thương mại…. Các DN sản xuất quy mô nhỏ, các DN sử dụng lao động giản đơn có mức thưởng thấp hơn.
Người lao động đang được doanh nghiệp chăm lo cả vật chất lẫn tinh thần. Ảnh: Quang Vinh.
Giám sát lương, thưởng Tết
Dựa trên thực tế chi thưởng Tết cho người lao động, ông Phùng Thái Quang - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM cho biết, hiện nay các DN đã công khai các chính sách về lương, thưởng, phúc lợi. Việc này tạo sự đồng thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động; khuyến khích DN đầu tư vào các chương trình phúc lợi dài hạn, tạo niềm tin và động lực làm việc cho người lao động. Bên cạnh đó, các đơn vị công đoàn cơ sở cũng có kế hoạch giám sát, nắm bắt tình hình thực hiện pháp luật lao động, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, áp dụng lương tối thiểu vùng, tình hình trả lương, trả thưởng tại các DN. Việc này cũng nhằm phát hiện, ngăn ngừa, không để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật lao động, nợ đọng tiền lương, tiền thưởng của người lao động.
Về việc giám sát trả lương thưởng cuối năm cho người lao động, bà Lượng Thị Tới - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM chia sẻ, dịp này Sở cùng với khu chế xuất - khu công nghiệp và các quận, huyện tổ chức các đoàn giám sát trực tiếp tại một số DN. Trong đó, ưu tiên chọn DN gặp khó khăn trong việc trả lương, thưởng Tết; DN cắt giảm lao động; DN có nguy cơ nợ lương, nợ thưởng, nợ bảo hiểm xã hội hoặc đã xảy ra tranh chấp lao động tập thể, đình công trong năm 2024. Theo bà Tới, qua công tác nắm bắt tình hình tiền lương, tiền thưởng, một số DN hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, xây dựng, kinh doanh bất động sản còn nhiều khó khăn, dẫn đến tình trạng chậm trả lương người lao động.
Đối với DN đang nợ, chậm trả lương trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, sẽ tiếp xúc trực tiếp nhằm khuyến nghị các giải pháp cắt giảm chi phí, tập trung sản xuất, kinh doanh để chi trả tiền lương, tiền thưởng cho người lao động. Tăng cường thực hiện các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong các DN.
Song song đó, Sở cũng đề nghị Liên đoàn Lao động thành phố cập nhật danh sách người lao động tại các DN nợ, chậm trả lương để được tham gia các chương trình chăm lo đoàn viên, người lao động nhân dịp Tết Ất Tỵ năm 2025 của các cấp Liên đoàn Lao động thành phố…
Theo lãnh đạo Bộ LĐTBXH, tinh thần là các bộ, ngành, địa phương, DN thực hiện tốt đường lối, chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị là "không ai bị bỏ lại phía sau" và tất cả người dân có Tết vui tươi, ấm áp; Tạo thuận lợi cho người lao động nghỉ Tết và trở lại làm việc sau Tết; Theo dõi, tình hình để bảo đảm người lao động được chi trả đầy đủ tiền lương, thưởng...
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM, bên cạnh việc thưởng Tết cho người lao động, có 737 DN (chiếm 47%) tặng quà Tết, phiếu mua hàng, lì xì, tổ chức xe đưa đón về quê ăn Tết, tổ chức đón Tết cho người lao động chưa có điều kiện về quê trong dịp này.
Nhiều địa phương công bố thưởng Tết
Thời điểm này, hầu hết các địa phương đã có thông tin về tình hình thưởng Tết. Theo đó, thưởng Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 bình quân là 7,72 triệu đồng, tăng 13% so với thưởng Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Tại Hải Phòng, mức thưởng Tết Ất Tỵ cho cá nhân cao nhất thuộc về một DN kinh doanh cảng biển, với số tiền gần 500 triệu đồng.
Cụ thể, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hải Phòng c ho biết, tới thời điểm này, mức thưởng bình quân đối với lao động trong DN dịp Tết là hơn 8,6 triệu đồng, tăng 120.000 đồng so với Tết năm 2024.
Cá nhân được thưởng cao nhất là người lao động thuộc DN kinh doanh cảng biển, với mức 487,5 triệu đồng. Ngoài tiền thưởng Tết, năm nay công đoàn các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố cũng sẽ tặng quà và hỗ trợ vé xe cho 17.000 người lao động có hoàn cảnh khó khăn ở tỉnh xa về quê.
Tại Quảng Ninh, mức thưởng cao nhất cho cá nhân dịp Tết Ất Tỵ thuộc về một DN FDI với 270 triệu đồng. Ở khối DN này, trung bình mỗi người lao động được thưởng gần 10 triệu đồng dịp Tết.
Tại Hải Dương, mức thưởng Tết Ất Tỵ bình quân 6,6 triệu đồng, tăng 25% so với năm 2024. Trong đó, cá nhân được thưởng cao nhất 150 triệu đồng thuộc về một DN FDI ở khu công nghiệp Nam Sách.
Còn theo số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lạng Sơn, dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2025, số DN trên địa bàn tỉnh có kế hoạch thưởng Tết cho người lao động và gửi báo cáo đến cơ quan quản lý nhà nước tăng, số tiền dự kiến thưởng Tết cũng tăng so với Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2024.
Cụ thể, mức thưởng Tết Dương lịch năm 2025 của các DN ở Lạng Sơn cao nhất là 3 triệu đồng/người và thấp nhất là 100 nghìn đồng/người (năm 2024 cao nhất là 500 nghìn đồng/người và thấp nhất là 200 nghìn đồng/người. Đối với thưởng Tết Nguyên đán năm 2025 của doanh nghiệp Lạng Sơn, mức thưởng cao nhất là 19,9 triệu đồng/người, mức thấp nhất là 200 nghìn đồng/người (năm 2024, mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất cho người lao động là 3 triệu đồng/người, thấp nhất là 500 nghìn đồng/người).
Số DN có kế hoạch thưởng Tết Dương lịch năm 2025 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn là 128 DN, tổng số người lao động được thưởng tết là 4.207 người. Đối với Tết Nguyên đán năm 2025, có 126 DN trên địa bàn tỉnh có kế hoạch thưởng Tết với tổng số lao động được thưởng là 3.466 người (năm 2024 có 75 DN có kế hoạch thưởng Tết Nguyên đán với tổng số lao động được thưởng Tết là 2.383 người).
T.Xuân
THANH GIANG