Một trường hợp vi phạm lỗi không chấp hành đèn tín hiệu giao thông bị lực lượng cán bộ, chiến sĩ đội CSGT số 7 (Công an TP Hà Nội) dừng xe, kiểm tra và xử lý. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Tác động rõ nhất là ý thức của người tham gia giao thông đã có sự chuyển biến tích cực. Các hành vi vi phạm giao thông khá phổ biến trước đây (đặc biệt là ở các đô thị lớn) như đi trên vỉa hè, đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển mô tô, xe máy… đã giảm rõ rệt, nhất là lỗi vi phạm vượt đèn đỏ.
Theo thống kê từ Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), từ ngày 1 - 6/1/2025, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử lý 71.680 trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông, nộp Kho bạc Nhà nước trên 187 tỷ đồng; tạm giữ 560 xe ô tô, trên 23.600 xe mô tô, 1579 phương tiện khác, tước gần 9.200 giấy phép lái xe.
Nhìn vào số lượng các phương tiện và người điều khiển phương tiện bị xử phạt những ngày qua cho thấy, số vụ vi phạm đã giảm theo chiều hướng tích cực. Việc tăng mức xử phạt không chỉ tạo sự răn đe, ngăn ngừa từ sớm, từ xa, mà còn làm thay đổi suy nghĩ, ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông; từ đó góp phần giảm thiểu và hạn chế tai nạn giao thông.
Kết quả trên cũng cho thấy, Nghị định số 168/2024/NĐ-CP đang dần đi vào cuộc sống, góp phần xây dựng văn hóa, môi trường giao thông văn minh, lành mạnh.
Tuy nhiên, dư luận vẫn băn khoăn, thậm chí lo lắng khi hạ tầng giao thông hiện chưa phát triển tương ứng với yêu cầu thực tế, công tác tổ chức giao thông thiếu đồng bộ, hệ thống đèn báo tín hiệu giao thông ở nhiều địa phương còn nhiều bất cập, thường xuyên xảy ra lỗi.
Trên các phương tiện thông tin thời gian gần đây liên tục phản ánh tại nhiều nút giao thông ở một số đô thị lớn, hay các tuyến quốc lộ vẫn còn tình trạng đèn tín hiệu thiết kế không đúng quy chuẩn, lúc mờ lúc tỏ, chênh lệch quá ít về thời gian chờ giữa đèn xanh và đèn đỏ, khiến tài xế gặp khó khăn khi phán đoán. Tại một số tỉnh lộ, vạch kẻ đường thiếu rõ ràng, gây bất tiện và rủi ro cho người đi đường.
Bên cạnh đó, ở nhiều tuyến quốc lộ hệ thống biển báo rối rắm, thậm chí, tại một nút giao có tới ba biển báo khác nhau về tốc độ; vạch kẻ đường bị mờ nhòe… khiến người điều khiển phương tiện lúng túng, dễ bị phạm lỗi do nguyên nhân khách quan.
Dù được Cục Cảnh sát giao thông thông tin, tại các nút giao đèn tín hiệu có lỗi kỹ thuật, lực lượng chức năng sẽ không xử phạt. Khi lập biên bản xử lý vi phạm, cảnh sát giao thông sẽ phối hợp với bộ phận phụ trách đèn tín hiệu trích xuất camera, đối chiếu hành vi vi phạm và tín hiệu đèn tại thời điểm xử lý vi phạm. Nhưng điều khiến nhiều người băn khoăn, với xử phạt trực tiếp có thể như vậy, còn với phạt nguội thì sao? Khi đó, người tham gia giao thông lấy gì để chứng minh họ không mắc lỗi.
Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, để Nghị định 168 thực sự phát huy hiệu quả, thì cần khẩn trương khắc phục những bất cập nảy sinh. Cùng với xử lý nghiêm vi phạm, cần tăng cường giáo dục ý thức chấp hành luật đối với người tham gia giao thông; xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ. Hơn nữa, khi xử lý vi phạm, lực lượng chức năng cần có những đánh giá, phân biệt giữa hành vi vô ý hay cố ý sai phạm để xử lý công bằng, nhân văn, thay vì áp dụng xử phạt một cách rập khuôn, máy móc.
Xuất phát từ thực tế trên, tại phiên họp chuyên đề về pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 6/1, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Bộ Công an phối hợp với Bộ Giao thông vận tải cùng các địa phương tiến hành kiểm tra lại toàn bộ hệ thống đèn tín hiệu giao thông trên cả nước. Chỉ khi đảm bảo hệ thống đèn báo giao thông vận hành không sai sót thì người tham gia giao thông mới yên tâm và nghiêm túc tuân thủ quy định pháp luật. Bởi không ai muốn vượt đèn đỏ để rồi vi phạm; cũng không ai muốn phải chịu phạt oan, hoặc “được vạ thì má sưng” khi vi phạm do nguyên nhân khách quan.
Đích đến của việc tăng mức xử phạt vi phạm là nhằm giảm thiểu tai nạn, bảo đảm an toàn cho mọi người khi tham gia giao thông. Nhưng nếu hạ tầng giao thông không hoàn thiện, thì người tham gia giao thông vẫn có nguy cơ bị phạt oan, hoặc rơi vào tình trạng dở khóc dở cười, chờ “được vạ thì má đã sưng”.
Bởi vậy, cùng với tăng mức xử phạt, thì việc thường xuyên bảo trì, nâng cấp hệ thống đường sá, tín hiệu giao thông, biển báo, camera giám sát, ứng dụng công nghệ trong điều hành, xử lý vi phạm,… là hết sức cần thiết khi thực hiện Nghị định 168. Có như vậy mới bảo đảm tính công bằng, minh bạch và đem lại lợi ích to lớn cho xã hội trong việc lập lại trật tự an toàn giao thông.
Yến Nhi