Không để phát sinh thêm thủ tục hành chính khi chuyển tuyến, đăng ký khám chữa bệnh ban đầu

Không để phát sinh thêm thủ tục hành chính khi chuyển tuyến, đăng ký khám chữa bệnh ban đầu
8 giờ trướcBài gốc
Bộ Y tế vừa ban hành Văn bản số 2909/BYT-BH gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc, nhằm triển khai thực hiện việc đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) ban đầu, chuyển tuyến và sử dụng phiếu hẹn khám lại theo quy định tại Thông tư số 01/2025/TT-BYT.
Ảnh minh họa.
Văn bản nhấn mạnh yêu cầu không để phát sinh thêm thủ tục hành chính gây phiền hà cho người bệnh, đồng thời đảm bảo sự thuận tiện trong tiếp nhận, điều trị và chuyển tuyến giữa các cơ sở khám chữa bệnh.
Thông tư số 01/2025/TT-BYT do Bộ Y tế ban hành có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT. Sau một thời gian triển khai, Bộ đã tiếp nhận một số phản ánh liên quan đến quá trình thực hiện, trong đó có các vướng mắc về thủ tục chuyển tuyến và đăng ký khám chữa bệnh ban đầu.
Trước tình hình đó, Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các địa phương và lãnh đạo các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước cần khẩn trương rà soát, triển khai các nội dung theo đúng quy định tại Thông tư, đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT và tính thống nhất trong thực hiện.
Cụ thể, Sở Y tế các tỉnh, thành phố cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn việc đăng ký khám chữa bệnh ban đầu và chuyển tuyến giữa các cơ sở y tế, phù hợp với năng lực chuyên môn của từng đơn vị trên địa bàn.
Hướng dẫn cần nêu rõ quy trình chuyển bệnh nhân giữa các cơ sở y tế, bao gồm cả các đơn vị thuộc các bộ, ngành và theo phân cấp chuyên môn kỹ thuật. Việc điều phối phải đảm bảo hợp lý, tránh tình trạng quá tải cục bộ, đồng thời phát huy hiệu quả hệ thống y tế hiện có, đặc biệt là các đơn vị chuyên khoa đầu ngành và chuyên sâu kỹ thuật cao.
Bộ Y tế yêu cầu các địa phương có địa bàn giáp ranh cần phối hợp chặt chẽ để thống nhất quy trình tiếp nhận, chuyển bệnh giữa các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn liên tỉnh.
Việc tổ chức chuyển tuyến giữa các cơ sở khám chữa bệnh đa khoa, chuyên khoa và giữa các cấp chuyên môn kỹ thuật phải phù hợp với năng lực thực tế của từng đơn vị.
Đồng thời, các cơ sở khám chữa bệnh có trách nhiệm chủ động phối hợp, trao đổi chuyên môn khi thường xuyên phải chuyển người bệnh, nhằm nâng cao năng lực khám chữa bệnh, đáp ứng tốt hơn yêu cầu điều trị.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị y tế tổ chức giao ban định kỳ về công tác chuyển tuyến BHYT để kịp thời rút kinh nghiệm, điều chỉnh phù hợp với thực tiễn tại địa phương.
Đặc biệt, các cơ sở khám chữa bệnh BHYT cần chủ động phối hợp, chia sẻ chuyên môn khi thường xuyên chuyển bệnh nhân do lý do chuyên môn, đảm bảo chất lượng điều trị và quyền lợi người bệnh.
Đối với trách nhiệm cụ thể của các cơ sở khám chữa bệnh, Bộ Y tế yêu cầu khẩn trương tổ chức tập huấn cho nhân viên y tế về các quy định mới trong Thông tư 01/2025/TT-BYT, đặc biệt là các thủ tục liên quan đến quy trình khám chữa bệnh, phiếu hẹn khám lại và phiếu chuyển tuyến.
Cơ sở khám chữa bệnh cần nghiên cứu kỹ nội dung của Thông tư cùng các phụ lục kèm theo (số I, II, III, IV) để triển khai đúng quy định và đảm bảo quyền lợi cho người bệnh.
Đồng thời, các đơn vị phải có trách nhiệm hướng dẫn và tư vấn đầy đủ cho người bệnh về quy trình chuyển tuyến, sử dụng giấy hẹn khám lại, giấy chuyển cơ sở khám chữa bệnh.
Trường hợp cơ sở khám chữa bệnh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ việc hướng dẫn, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia BHYT, thì sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định.
Theo khoản 1 Điều 12 Thông tư 01/2025/TT-BYT, phiếu chuyển tuyến có giá trị sử dụng trong 10 ngày làm việc kể từ ngày ký. Tuy nhiên, đối với người bệnh mắc các bệnh mạn hiếm, bệnh hiểm nghèo theo danh mục, phiếu chuyển tuyến có thể có giá trị sử dụng trong 1 năm kể từ ngày ký, nhằm phục vụ nhu cầu điều trị dài hạn và liên tục tại các cơ sở chuyên khoa phù hợp.
Ngoài ra, về tổ chức đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu tại các cơ sở chuyên sâu, Bộ Y tế dẫn chiếu điểm c khoản 3 Điều 6 Thông tư 01/2025/TT-BYT, trong đó quy định các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có bộ phận chuyên môn dưới dạng khoa, trung tâm hoặc viện, bao gồm chuyên khoa nội và ít nhất một trong các chuyên khoa như ngoại, nhi, sản có thể được đăng ký làm nơi khám chữa bệnh BHYT ban đầu nếu đáp ứng đủ điều kiện. Tuy nhiên, các đơn vị này cần có văn bản gửi Bộ Y tế để được xem xét, phê duyệt theo đúng quy định.
Căn cứ vào khoản 10 Điều 2 Nghị định 96/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Khám bệnh, chữa bệnh, các bộ phận chuyên môn của cơ sở khám chữa bệnh như viện, trung tâm, khoa, đơn nguyên đều được xác định là đơn vị chuyên môn thuộc cơ cấu tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Do đó, các bệnh viện chuyên sâu đáp ứng yêu cầu nêu trên có thể đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu theo quy định mới nếu được Bộ Y tế chấp thuận.
Việc triển khai đồng bộ các quy định mới không chỉ góp phần đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT, mà còn nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân trong quá trình khám chữa bệnh.
D.Ngân
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/khong-de-phat-sinh-them-thu-tuc-hanh-chinh-khi-chuyen-tuyen-dang-ky-kham-chua-benh-ban-dau-d284395.html