Ngày 18/4, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc về diễn biến giá vàng trong nước. Theo đó, trước diễn biến giá vàng tăng bất thường, Phó Thủ tướng Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan theo dõi sát tình hình và diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ, ngoại hối, thị trường vàng trong nước và quốc tế để khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp theo quy định nhằm ổn định thị trường vàng. Đồng thời, yêu cầu tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định, không để xảy ra tình trạng trục lợi, thao túng, làm giá, đầu cơ… trên thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng được giao chủ động thực hiện ngay các biện pháp thông tin, truyền thông để ổn định tâm lý xã hội.
Trong quý I/2025, giá vàng thế giới liên tục phá vỡ kỷ lục, tăng từ mức 2.635 USD/ounce (ngày 2/1) lên mức cao nhất tại 3.047 USD/ounce vào ngày 19/3. Tại các cửa hàng vàng, người dân xếp thành hàng dài để mua vàng, dù số lượng bán ra rất giới hạn.
Để bình ổn thị trường vàng cần có những biện pháp lâu dài hơn. (Ảnh minh họa: KT)
“Giá vàng tăng “chóng mặt”, tôi nghĩ những người bình thường khó có thể mua vàng được, bản thân tôi mua vàng để tiết kiệm trong tương lai nên cũng cố gắng xếp hàng để mua”, chị Xuân Hương, một người dân đi mua vàng tại Tp Hà Nội cho biết.
NHNN cũng chỉ ra 3 nguyên nhân khiến giá vàng quốc tế tăng trong thời gian qua. Thứ nhất, bất ổn chính trị, xung đột quân sự, cạnh tranh chiến lược gia tăng trên phạm vi toàn cầu như: xung đột quân sự Nga-Ukraine kéo dài, xung đột quân sự giữa Israel và các quốc gia, lực lượng Hồi giáo tại Trung Đông, kéo theo đó là các biện pháp trừng phạt, trả đũa lẫn nhau về kinh tế, chính trị của một số quốc gia và đồng minh… Thứ hai, nhiều ngân hàng trung ương và quỹ đầu tư đẩy mạnh mua vào vàng để bổ sung dự trữ ngoại hối. Thứ ba, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế đối ứng cao với các quốc gia trên thế giới đã tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư và tăng trưởng kinh tế thế giới, khiến dòng tiền của nhà đầu tư có xu hướng đổ vào vàng…
“Giá vàng đã tăng lên dữ dội, vượt qua tất cả mọi dự đoán. Một mặt nào đó ảnh hưởng đến thị trường tài chính vì người dân sẽ rút tiền tiết kiệm, chứng khoán ra mua vàng, dòng tiền không thể vào sản xuất kinh doanh, mua vàng hiện nay là vàng vật chất, mang về nhà, lãng phí nguồn lực về tài chính. NHNN nên rút lại vị trí nhập khẩu vàng, đưa chức năng nhập khẩu vàng cho các nhà kinh doanh có uy tín, có nguồn lực, NHNN ở vị trí quản lý thị trường. Chỉ khi nào nguồn cung dồi dào hơn mới đáp ứng được thị trường vàng. Thứ 2, đây là lúc xem lại thương hiệu vàng quốc gia SJC, để các sản phẩm vàng được cạnh tranh bình đẳng trên thị trường”, Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, giá vàng thế giới trong thời gian tới sẽ diễn biến khá phức tạp, điều nay tạo ra sự bất ổn trên thị trường kinh tế cũng như là môi trường cho nhiều đối tượng trục lợi, bán vàng giả, vàng kém chất lượng, rất cần sự vào cuộc mạnh tay của Chính phủ, các cơ quan chức năng.
“Xu hướng hành động của các ngân hàng Trung ương đang mua vàng vào, thị trường vàng trang sức, hay thị trường chúng ta đang mua bán rất nhỏ, còn khi ngân hàng trung ương mua vàng vào thì sẽ đẩy giá lên cao, Việt Nam trong chu kỳ mới, chúng ta rất cần nguồn lực để sản xuất từ thị trường vốn, chứng khoán…, với đà này sẽ không tốt trên góc độ dài hạn”, ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO nhận định.
Theo đánh giá của NHNN, giá vàng tăng cao là diễn biến chung của cả thị trường quốc tế lẫn trong nước, tuy nhiên, chênh lệch giữa trung bình giá mua, bán vàng trong nước và giá thế giới đã giảm đáng kể so với thời điểm năm 2024.
Về quản lý thị trường vàng, NHNN cho biết, sẽ tiếp tục triển khai quản lý thị trường vàng trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các quy định của pháp luật; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Đồng thời, sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động quản lý kinh doanh vàng, trong đó trọng tâm là tổng kết Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng để đề xuất, sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn.
Bảo Ngọc/VOV1