Không để xảy ra sự cố trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025

Không để xảy ra sự cố trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025
8 giờ trướcBài gốc
Phó Thủ tướng Lê Thành Long phát biểu tại cuộc làm việc
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 là kỳ thi lớn với sự tham gia của hơn 1,1 triệu thí sinh trên khắp 63 tỉnh thành; đồng thời, tổ chức thi theo hai chương trình giáo dục phổ thông. Theo đó, sẽ điều động khoảng 200.000 cán bộ tham gia công tác tổ chức thi.
Đây là kỳ thi đầu tiên được tổ chức theo chương trình GDPT 2018. Ngay từ năm 2024, Bộ GD-ĐT chuẩn bị từ sớm, từ xa các hệ thống văn bản, các quy trình tổ chức để chỉ đạo chung, các tỉnh thành phố chuẩn bị công tác tổ chức thi tại địa phương. Do tính chất kỳ thi năm nay đặc biệt quan trọng, Bộ GD-ĐT sẽ nỗ lực bảo đảm kỳ thi an toàn, nghiêm túc, khách quan, đúng quy chế, hiệu quả.
Năm nay dự kiến có 2.500 điểm thi (tăng 177 điểm thi so với năm 2024) và 50.000 phòng thi (tăng 4.851 phòng). Bộ GD-ĐT sẽ cố gắng xét tốt nghiệp và cấp bằng trước ngày 30-9.
Bộ GD-ĐT cho biết, một điểm đáng chú ý của kỳ thi năm nay là thời điểm tổ chức kỳ thi, cả nước đang thực hiện việc sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Do đó cần đặc biệt quan tâm, tập huấn kỹ càng cho những người tham gia tổ chức thi, bao gồm cả nhân sự dự phòng; kịp thời thay đổi công tác nhân sự khi có sự điều động, luân chuyển do việc sáp nhập.
Về đảm bảo an ninh, trật tự cho kỳ thi, đại diện Bộ Công an cho biết, hiện tình hình sử dụng công nghệ cao để gian lận thi cử diễn biến rất phức tạp. Những năm gần đây, Bộ Công an đã triệt phá nhiều đường dây mua bán thiết bị nghe siêu nhỏ gắn trong tai để thực hiện gian lận.
Gần đây trên thế giới cũng đã phát hiện trường hợp sử dụng AI để gian lận thi cử. Vì vậy, lực lượng công an đã tập trung các giải pháp để tăng cường đảm bảo an ninh, trật tự cho kỳ thi. Bên cạnh đó làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến với thí sinh và phụ huynh, nhất là về vấn đề thí sinh làm lộ lọt đề thi ra ngoài.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đề nghị tuyệt đối không được chủ quan vì đây là tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho thí sinh học theo chương trình GDPT 2006 và 2018. Kỳ thi được tổ chức đúng thời điểm "giao thời" của công tác tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính…
Năm nay, số lượng thí sinh nhiều hơn. Công nghệ gian lận ngày càng tinh vi. “Yêu cầu đặt ra là phải tổ chức kỳ thi thành công, an toàn, đạt mục tiêu đề ra, không để xảy ra sự cố. Chỉ một chút không an toàn thì hậu quả khôn lường”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Phó Thủ tướng yêu cầu cần phải tiếp tục có các văn bản chỉ đạo và các hoạt động cụ thể đối với tổ chức kỳ thi này theo hướng "cầm tay chỉ việc", bám sát tình hình sắp xếp, tổ chức bộ máy, có sự phân công lại nhiệm vụ, chứ không nêu chung chung.
Bộ Công an, Bộ Y tế cần có kế hoạch riêng về tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trong mọi trường hợp phải bảo đảm sự nhất quán, thông suốt từ Trung ương đến địa phương.
Phó Thủ tướng đề nghị tổ chức một hội nghị trực tuyến toàn quốc về kỳ thi tốt nghiệp vào thời điểm thích hợp.
LÂM NGUYÊN
Nguồn SGGP : https://sggp.org.vn/khong-de-xay-ra-su-co-trong-ky-thi-tot-nghiep-thpt-nam-2025-post793155.html