Không để xảy ra tai nạn đau lòng liên quan đến xe đạp điện

Không để xảy ra tai nạn đau lòng liên quan đến xe đạp điện
7 giờ trướcBài gốc
Lực lượng cảnh sát giao thông dừng kiểm tra một học sinh đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm trên đường Nguyễn Ái Quốc (phường Hóa An, thành phố Biên Hòa). Ảnh: M.Thành
Nguy cơ tai nạn luôn rình rập
Sáng 18-11, nhiều người không khỏi xót xa khi chứng kiến tại ngã ba Trảng Dài (đường Đồng Khởi giao với đường Bùi Trọng Nghĩa, đoạn qua phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa) xảy ra vụ tai nạn giao thông thương tâm giữa xe tải biển số 50H-167.33 và xe đạp điện khiến em N.H.A.K. (13 tuổi, học sinh lớp 8/12, Trường trung học cơ sở Tân Phong, thành phố Biên Hòa) tử vong tại chỗ. Thời điểm xảy ra tai nạn giao thông, em K. điều khiển xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm đã chạy từ làn bên trong (gần vỉa hè) “cắt” ngang đầu xe tải đi thẳng dẫn tới tai nạn giao thông.
Từ đầu năm 2024 đến nay, trên toàn tỉnh đã xảy ra không ít vụ tai nạn giao thông chết người có liên quan đến học sinh điều khiển xe đạp điện. Như vào sáng 16-4, trên đường Trần Hưng Đạo (thị trấn Định Quán, huyện Định Quán), xe tải biển số 70C-096.78 va chạm với xe đạp điện do em N.N.T. (nữ sinh lớp 9/6, Trường trung học cơ sở Ngô Thời Nhiệm) điều khiển khiến em N.N.T. tử vong tại chỗ.
Thực tế, xe đạp điện là loại phương tiện thông dụng được nhiều phụ huynh sắm cho con em mình để tham gia giao thông. Tuy nhiên, nhiều học sinh điều khiển xe đạp điện nhưng thiếu kỹ năng điều khiển xe an toàn, không nắm các quy định cơ bản của pháp luật về giao thông nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông rất cao.
Ông Nguyễn Hữu Thành (ngụ phường Tân Phong) cho biết, nhiều người điều khiển xe đạp điện không gắn gương chiếu hậu, mà đèn xi nhan và còi thì phát ra tín hiệu khá yếu nên khi chuyển hướng khiến người đi bên cạnh khó nhận biết. Nhiều em chạy xe rất liều lĩnh, thiếu quan sát khi chuyển hướng, vượt ẩu, thậm chí “tạt đầu” cả xe ô tô rất nguy hiểm.
Không chỉ vậy, hiện nay còn tình trạng một số học sinh điều khiển xe đạp điện đi dàn hàng 2, hàng 3, chạy ngược chiều một cách vô tư. Thậm chí, có trường hợp chạy xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm (dù mũ đang treo trên xe), đến khi bị lực lượng cảnh sát giao thông yêu cầu dừng xe, thông báo vi phạm thì “ngơ ngác” vì không biết bản thân vi phạm lỗi gì.
Theo điểm e, khoản 1, Điều 3, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, thì xe đạp máy là xe thô sơ hai bánh có lắp động cơ, vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 25km/h và khi tắt máy thì đạp xe đi được (kể cả xe đạp điện). Cùng với đó, theo khoản 2, Điều 31, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì người điều khiển, người ngồi trên xe đạp máy phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách.
Đổi mới cách “kiểm soát”
Hiện tại, các ngành chức năng đang tìm mọi cách kiểm soát chặt (cả với phụ huynh) tình trạng học sinh điều khiển xe máy khi chưa đủ điều kiện (độ tuổi và giấy phép lái xe). Tuy nhiên, với xe đạp điện (không đòi hỏi giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe cũng như độ tuổi quy định) thì việc kiểm soát loại phương tiện này cần có sự quan tâm và giáo dục từ phía phụ huynh, nhà trường.
Không ít phụ huynh còn chủ quan nghĩ đi xe đạp điện đơn giản nên mua xe đạp điện cho con tự đi học nhưng thiếu kiểm soát, không hướng dẫn cặn kẽ cho con kỹ năng điều khiển xe an toàn; ý thức tuân thủ pháp luật về giao thông, cách phòng, tránh các nguy cơ tai nạn giao thông.
Do đó, giải pháp căn cơ của việc đảm bảo an toàn cho học sinh khi đi xe đạp điện phải đến từ sự chung tay của nhà trường và gia đình trong việc quản lý, giáo dục các em về an toàn giao thông (ATGT).
Theo Sở Giáo dục và đào tạo, công tác giáo dục ATGT trong trường học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để bảo vệ các em trước hiểm họa tai nạn giao thông. Học sinh vừa là nạn nhân, vừa là nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông do một số em có ý thức và kỹ năng khi tham gia giao thông hạn chế, vi phạm quy định ATGT như: không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy, xe đạp điện...
Phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Đỗ Huy Khánh đề nghị các trường học phải nghiên cứu đổi mới công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về ATGT theo hướng tăng tính chủ động, sáng tạo của học sinh. Đồng thời phải tăng cường giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng thoát hiểm, kỹ năng tự bảo vệ bản thân... để các em học sinh nâng cao khả năng tự giải quyết các vấn đề, tăng sự an toàn khi tham gia giao thông. Cùng với đó, các trường phải đề nghị phụ huynh học sinh nghiêm túc thực hiện theo bản cam kết đã ký về việc không giao xe máy cho học sinh khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe và đội mũ bảo hiểm cho học sinh khi ngồi trên xe máy và xe đạp điện khi tham gia giao thông.
Minh Thành
Nguồn Đồng Nai : https://baodongnai.com.vn/tin-moi/202411/khong-de-xay-ra-tai-nan-dau-long-lien-quan-den-xe-dap-dien-4ba5e86/