Không được tăng chỉ tiêu khi tỷ lệ thôi học trên 15% giúp ngăn chặn tuyển ồ ạt

Không được tăng chỉ tiêu khi tỷ lệ thôi học trên 15% giúp ngăn chặn tuyển ồ ạt
21 giờ trướcBài gốc
Dự thảo Thông tư quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh giáo dục đại học và chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục mầm non đang nhận được nhiều ý kiến góp từ các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước.
Trong đó, nhiều ý kiến đặc biệt quan tâm đến 2 điều kiện mới là nếu tỷ lệ thôi học năm đầu cao hơn 15%; tỷ lệ người tốt nghiệp có việc làm thấp hơn 70%, cơ sở giáo dục đại học sẽ không được tăng chỉ tiêu tuyển sinh so với chỉ tiêu và số thực tuyển của năm trước liền kề.
Trong khi quy định hiện hành không đặt ra nội dung về tỷ lệ thôi học mà chỉ có quy định không tăng chỉ tiêu nếu tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng kể từ khi được công nhận tốt nghiệp của lĩnh vực đó đạt dưới 80%, hoặc tỷ lệ thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh của lĩnh vực đó ở năm tuyển sinh liền kề trước năm tuyển sinh đạt dưới 80% (trừ trường hợp ngành đào tạo ở trình độ đại học có chương trình đào tạo được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng).
Tạo thuận lợi hơn cho các trường đại học trong công tác tuyển sinh
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Xuân Trường – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ, việc đưa 2 điều kiện này song hành với nhau nếu cơ sở giáo dục đại học muốn tăng chỉ tiêu tuyển sinh là khá tích cực.
Sinh viên Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: Website Nhà trường).
Trước hết, theo thầy Trường, mặc dù việc giảm tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm từ 80% xuống 70%, tức giảm 10% không phải quá nhiều nhưng đã thể hiện sự khách quan, sát với thực tế hơn.
Bởi, trên thực tế, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm chịu ảnh hưởng nhiều bởi tình hình biến động kinh tế - xã hội. Có những ngành lúc sinh viên vào trường đang hot nhưng 4-5 năm sau tốt nghiệp ra trường lại bão hòa. Không những vậy, có những ngành xã hội rất cần nhưng xã hội không nhìn nhận được một cách toàn diện nên không nhiều người học lựa chọn.
Hơn nữa, vấn đề thống kê việc làm của người học sau khi ra trường cũng khó chính xác như có việc làm hay không, việc làm đúng nghề, việc làm gần đúng nghề,… Vị trí việc làm, ngành nghề hiện nay cũng có tính tương đối. Nhiều em có việc làm nhưng để chắc chắn việc làm có phù hợp với em đó hay không là khó đánh giá chính xác được.
Như vậy, có thể thấy rằng, nếu vẫn giữ điều kiện tỷ lệ người tốt nghiệp có việc làm là 80% có phần hơi cao so với nhiều ngành tại một số thời điểm và không mang lại giá trị tích cực như 70%.
Trong khi đó, theo Thạc sĩ Nguyễn Minh Tùng – Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên, Học viện Hàng không Việt Nam, dự thảo Thông tư quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh giáo dục đại học và chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục mầm non gắn kết khá chặt chẽ với Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chuẩn cơ sở giáo dục đại học.
Bên cạnh đó, việc hạ 10% tỷ lệ người học tốt nghiệp có việc làm xuống còn 70% sẽ tạo thuận lợi hơn cho các trường đại học trong công tác tuyển sinh. Đồng thời, điểm mới này cũng phù hợp hơn với thực tế hiện nay. Bởi, sau khi tốt nghiệp ra trường, nhiều em còn lựa chọn tiếp tục đi học, học nâng cao trình độ thay vì đi làm ngay.
Sinh viên Học viện Hàng không Việt Nam (Ảnh: Website Nhà trường).
Đồng tình với quan điểm trên, Tiến sĩ Thái Doãn Thanh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, việc hạ điều kiện về tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm từ 80% xuống còn 70% chắc hẳn đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo căn cứ vào tình hình, báo cáo của các cơ sở giáo dục đại học cũng như từ những khảo sát thực tế.
Theo thầy Thanh, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 1 năm ra trường với con số 80% là khá lớn, có phần “quá” so với thực tiễn. Trong khi đó, tỷ lệ 70% sẽ phù hợp và thực chất hơn, nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học
Thầy Thanh bày tỏ, tất nhiên các trường đại học đều mong muốn, cố gắng nỗ lực để làm sao đào tạo cho sinh viên có việc làm với tỷ lệ cao nhất có thể. Thế nhưng hiện nay, do sự biến động của thị trường lao động cũng như sự phân bố về ngành nghề chưa được đồng đều khi ngành thiếu, ngành dư nhân lực, khá khó để thống kê một cách chính xác đầy đủ tình hình sinh viên tốt nghiệp có việc làm ra sao.
Tỷ lệ thôi học không được quá 15%, cơ sở đào tạo phải làm gì để giữ chân sinh viên?
Quy định về tỷ lệ thôi học năm đầu không được cao hơn 15% nếu muốn tăng chỉ tiêu tuyển sinh theo thầy Trường đây là điều kiện khó khăn đối với một số cơ sở giáo dục đại học hiện nay. Bởi, hiện nay số ngành có tỷ lệ sinh viên năm đầu bỏ học cao hơn 15% không phải ít. Nếu trường nào tuyển sinh “cố” với đầu vào thấp, sau năm nhất, sẽ có nhiều em thấy học không nổi hoặc không phù hợp, dẫn đến tình trạng bỏ học.
Thầy Trường cho hay, trên thực tế, hầu như tình trạng sinh viên nghỉ học diễn ra cũng chủ yếu nằm ở thời điểm năm nhất đến đầu năm hai đại học với nhiều nguyên nhân đa dạng. Mặc dù một năm học cũng không thể đánh giá hết được chất lượng của một chương trình đào tạo, tuy nhiên, theo thầy Trường, sau một năm, sinh viên cũng nhìn nhận được năng lực học tập của mình có phù hợp với chương trình cũng như mong muốn, mục tiêu của mình hay không…
Hiện nay, bên cạnh các học phần đại cương, ngay từ năm nhất một số cơ sở giáo dục đại học đã đưa vào chương trình đào tạo một số học phần liên quan đến ngành/chuyên ngành của người học.
Chính vì vậy, có thể nói rằng, điều kiện này được đưa ra cho thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo đang muốn “siết” chặt hơn các trường đại học để làm sao cho đầu vào và chương trình đào tạo của mỗi ngành học đều được hài hòa, hạn chế tối đa việc sinh viên bỏ học.
Sinh viên Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: Website Nhà trường).
Không những vậy, việc chú trọng về tỷ lệ thôi học ngay từ năm nhất cũng nhằm giúp mỗi nhà trường có trách nhiệm với người học hơn. Mỗi cơ sở đào tạo từ đó sẽ chú trọng hơn trong việc “giữ chân” người học với những giải pháp tích cực, đồng thời quan tâm hơn về những dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc người học. Từ đó, tiếp tục nâng cao chất lượng đầu vào và cải tiến chương trình sao cho phù hợp để không lãng phí nguồn lực của nhà trường, xã hội và của người học. Khi tuyển sinh cũng phải xác định nhu cầu của xã hội
Cùng bàn về điểm mới này, theo thầy Tùng, việc ràng buộc điều kiện nếu tỷ lệ thôi học năm đầu cao hơn 15% thì cơ sở giáo dục đại học không được tăng chỉ tiêu tuyển sinh như vậy là phù hợp để tránh tình trạng các trường tuyển sinh ồ ạt mà không đảm bảo chất lượng. Hơn nữa, việc năm nhất có nhiều sinh viên bỏ học cũng thể hiện cơ sở đào tạo đó có vấn đề trong công tác tuyển sinh và đào tạo.
Tuy nhiên, thầy Tùng bày tỏ, điểm mới này nếu được thực thi chắc chắn sẽ khó khăn hơn cho các trường so với quy định hiện hành. Tuy nhiên, điều này cũng góp phần giúp các trường đẩy mạnh việc thu hút và làm hài lòng với người học, tránh làm tốn thời gian và chi phí của các em.
Còn theo thầy Thanh, việc đặt ra quy định về tỷ lệ thôi học nhằm thúc đẩy các cơ sở giáo dục đại học quan tâm hơn đến việc đảm bảo chất lượng tuyển sinh đầu vào cũng như chất lượng đào tạo; sự quan tâm, chăm sóc mọi đối tượng sinh viên. Từ đó hạn chế nguy cơ cao sinh viên bỏ học.
Mặt khác, quy định về tỷ lệ sinh viên thôi học năm nhất không được quá 15% cũng liên quan đến việc đạt chuẩn của các trường theo Chuẩn cơ sở giáo dục đại học.
Để giảm thiểu được tỷ lệ bỏ học, thầy Thanh cho rằng, các trường đại học cần phải chú trọng vào công tác hướng nghiệp và chọn lọc đầu vào tốt hơn. Bởi trên thực tế, đa phần sinh viên nghỉ học năm nhất thường do chọn ngành không phù hợp nên không có động lực học tập, có trường hợp một số em vào rồi nghỉ luôn. Sau khi các em vào trường phải tiếp tục hướng nghiệp chi tiết, cụ thể hơn để các em hiểu rõ hơn về ngành mình đã lựa chọn vì hiện vẫn còn tỷ lệ rất lớn các em học sinh phổ thông không hiểu rõ về ngành mình lựa chọn bậc đại học.
Tường San
Nguồn Giáo Dục VN : https://giaoduc.net.vn/khong-duoc-tang-chi-tieu-khi-ty-le-thoi-hoc-tren-15-giup-ngan-chan-tuyen-o-at-post246928.gd