Không gian công cộng - bản sắc văn hóa Thủ đô Hà Nội

Không gian công cộng - bản sắc văn hóa Thủ đô Hà Nội
4 giờ trướcBài gốc
Trong những năm gần đây, Hà Nội đã xây dựng được nhiều KGCC tiện ích, thực sự là môi trường văn hóa của đô thị, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các đô thị trên cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng, phần lớn các KGCC chưa được quản lý, khai thác đúng mức. Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay, KGCC cần gắn với thúc đẩy văn hóa sáng tạo, kết nối cộng đồng và phát triển bền vững.
Bài 1: Điểm hẹn văn hóa giữa lòng đô thị
Các KGCC không những để nghỉ ngơi, thư giãn, mà còn trở thành điểm hẹn văn hóa cộng đồng, nơi người dân tụ họp, tham gia các hoạt động văn hóa dân gian, là không gian để kết nối, duy trì sự bền vững xã hội.
Mối liên hệ chặt chẽ với lịch sử
Với bề dày nghìn năm văn hiến, sự hiện diện của KGCC có mối liên hệ chặt chẽ với lịch sử, văn hóa của Hà Nội. Thời Pháp thuộc, ban đầu, các kiến trúc sư người Pháp mới chỉ thiết kế các công trình đơn giản phục vụ cho mục đích quân sự, đặc biệt là trong phạm vi không gian Thành Hà Nội.
Cuối thế kỷ XIX, sau khi ổn định được tình hình trong giai đoạn đầu chiếm đóng, chính quyền thuộc địa một mặt đã dựa vào việc xây dựng các công trình công cộng để bảo đảm dịch vụ thiết yếu, mặt khác đã kiến tạo những KGCC nhằm thúc đẩy giao lưu xã hội và hình thành lối sống thành thị đúng chất điển hình của các TP ở Pháp.
Một số dự án tiêu biểu trong thời kỳ này là tuyến phố Paul Bert (nay là trục Tràng Tiền - Tràng Thi) hoặc quy hoạch tuyến đường dạo cảnh quan quanh hồ Hoàn Kiếm. Theo đại diện Vùng Ile-de-France tại Hà Nội, Giám đốc Cơ quan Hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam (PRX-Vietnam) Emmanuel Cerise, thời điểm đó, đường phố, đại lộ và quảng trường của Hà Nội không theo hướng thể hiện sự hiện diện của Pháp một cách áp đặt mà là một xã hội hướng đến sự hòa nhập, hiện đại và thể hiện một lối sống đô thị đang dần phổ biến tại phương Tây.
Trong giai đoạn từ năm 1902 đến giữa những năm 1920, Hà Nội đã trải qua một thời kỳ kiến thiết và mở rộng đô thị đáng kinh ngạc. Mạng lưới đường bộ của TP phần lớn đã được hoàn thiện. Chính quyền ưu tiên xây dựng các công trình công cộng quy mô lớn như Nhà hát Lớn (1911), chợ Đồng Xuân (1906), các trường tiểu học và trung học (1905 - 1907), trường trung học bảo hộ (1908), trường trung học Albert Sarraut (1919), trường đại học (1919), tòa nhà bưu điện (1919), tòa án (1906 )...
Khu nội đô lịch sử của Hà Nội đều được hình thành từ những KGCC có thiết kế tương đối gần với các TP của Pháp gồm những con phố rộng rợp bóng cây, vỉa hè rộng, quảng trường công cộng đôi khi được điểm xuyết những đài phun nước hoặc tượng danh nhân, công viên, vườn hoa công cộng.
iểu diễn nghệ thuật trên không gian phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Động lực cho phát triển
Theo TS Bùi Văn Tuấn - Viện Hà Nội học và Đào tạo quốc tế, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, dưới góc nhìn văn hóa, KGCC đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa đô thị của Hà Nội. KGCC là nơi thể hiện rõ nét nhất các hoạt động chung, giao tiếp với nhau và có những vai trò chính như việc tạo môi trường sinh thái, tạo môi trường văn hóa đô thị, là nơi tổ chức các sự kiện chính trị, xã hội; đồng thời tạo động lực cho phát triển và hỗ trợ nền kinh tế sáng tạo, là nơi kết nối cộng đồng, làm nên bản sắc đô thị, hướng tới Thành phố sáng tạo, đa dạng văn hóa…
TS Bùi Văn Tuấn đưa ra một số dẫn chứng như, hồ Hoàn Kiếm và phố đi bộ là KGCC vừa mang giá trị văn hóa, lịch sử, vừa là nơi diễn ra các hoạt động cộng đồng. Nơi đây thường xuyên tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật như biểu diễn nhạc dân gian, múa truyền thống, hay các hoạt động vui chơi, giải trí hiện đại.
Tương tự, từ những vòm cầu nham nhở phủ đầy rêu mốc, phố bích họa Phùng Hưng đã được hình thành. Dưới bàn tay của các nhà thiết kế, những bức bích họa về không gian kiến trúc Hà Nội xưa như Bách hóa tổng hợp, hình ảnh những người phụ nữ gánh hàng hoa, tàu điện, món quà ngày Tết... đã được tái hiện sinh động, làm nổi bật nét xưa Hà Nội.
KGCC đặc biệt quan trọng đối với đời sống văn hóa, nhất là với những đô thị chật chội và ngột ngạt, địa điểm này có vai trò như “chữa lành” cho sức khỏe tinh thần. Chính vì vậy, dù có diện tích nhỏ hẹp hay quy mô rộng lớn, những không gian này cần được kiến tạo để trở thành những không gian văn hóa thực thụ, một trường văn hóa nuôi dưỡng tâm hồn cộng đồng, góp phần tạo nên một TP sống tốt và nhân văn; trong đó có vai trò không nhỏ của nghệ thuật công cộng.
PGS.TS Phạm Quỳnh Phương - Đại học Quốc gia Hà Nội
Người Hà Nội háo hức xen lẫn tò mò với diện mạo mới của con phố Phùng Hưng ngay từ khi có đề xuất dự án, khi có những nét vẽ đầu tiên và cho đến khi hoàn thành. Nhưng khi dự án hoàn thành, nhiều người ngỡ ngàng vì những đổi thay tích cực khi bộ mặt phố phường đổi khác, khang trang, lộng lẫy hơn.
Công viên Thống Nhất, Công viên Lênin, Công viên Bách Thảo… không chỉ là nơi người dân tập thể dục, nghỉ ngơi mà còn là nơi tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, lễ hội. Vào các dịp đặc biệt như Tết Nguyên đán hay lễ hội, các công viên này thường trở thành điểm hẹn văn hóa cộng đồng, nơi người dân tụ họp, tham gia các hoạt động văn hóa dân gian.
Đồng thời, Hà Nội có rất nhiều KGCC xưa cũ gắn với hồ nước, đền, chùa, phố cổ... đã tạo nhiều nét văn hóa, ấn tượng về mặt thẩm mỹ và tiện ích trong sử dụng. Đơn cử, Văn Miếu - Quốc Tử Giám là không gian không chỉ có ý nghĩa lịch sử mà còn là biểu tượng của tri thức, văn hóa giáo dục truyền thống, có thể trở thành nơi học tập và nâng cao nhận thức về lịch sử, văn hóa cũng như môi trường.
Ngoài ra, chợ Đồng Xuân, chợ hoa Quảng Bá không chỉ là nơi buôn bán, trao đổi hàng hóa mà còn là những không gian phản ánh đậm nét văn hóa sống của người Hà Nội. Những câu chuyện văn hóa, tập quán, lối sống của người dân Thủ đô đều hiện diện rõ nét trong những khu chợ này.
Hay các con phố cổ như Hàng Ngang, Hàng Đào, nơi diễn ra các hoạt động buôn bán suốt nhiều thế kỷ, cũng là KGCC sống động với văn hóa kinh doanh truyền thống của người dân Hà Nội. Các khu vực này không chỉ giúp thúc đẩy kinh tế mà còn góp phần bảo tồn và phát triển văn hóa địa phương thông qua các sản phẩm và dịch vụ đặc trưng.
Mặt khác, theo các chuyên gia, hiện nay, Hà Nội đang tiến tới việc trở thành một thành phố thông minh, nơi công nghệ và dữ liệu được sử dụng để cải thiện quản lý đô thị, nâng cao chất lượng sống của cư dân. Các KGCC trong TP sẽ ngày càng được tích hợp các công nghệ thông minh để tối ưu hóa việc sử dụng, bảo trì và phát triển; sử dụng dữ liệu và phân tích để dự đoán nhu cầu, xu hướng trong các KGCC.
Điều này giúp các nhà quản lý đô thị lên kế hoạch hiệu quả hơn, từ việc tối ưu hóa bố trí không gian đến việc dự đoán nhu cầu và xử lý các vấn đề phát sinh. Các KGCC cũng là nơi thể hiện và tôn vinh sự đa dạng văn hóa của cộng đồng.
Các sự kiện văn hóa, lễ hội, hoạt động cộng đồng tổ chức tại đây có thể giúp tăng cường sự hiểu biết và tôn trọng giữa các nhóm văn hóa khác nhau, góp phần xây dựng một xã hội hòa nhập, đoàn kết hơn. KGCC trong Thành phố sáng tạo nên trở thành nơi tôn vinh và hỗ trợ các sáng tạo địa phương.
Điều này có thể thực hiện thông qua các hội chợ văn hóa, phiên chợ nghệ thuật hoặc các chương trình hỗ trợ nghệ sĩ và nhà thiết kế địa phương phát triển sản phẩm. KGCC trở thành nơi hội tụ các sản phẩm sáng tạo, không chỉ là điểm đến văn hóa mà còn là động lực cho phát triển kinh tế sáng tạo.
KGCC ngày càng trở thành một bộ phận cố hữu, quan trọng của Hà Nội - nhất là sau khi Hà Nội gia nhập vào Mạng lưới các Thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO (2019). KGCC không chỉ phản ánh trình độ văn minh của Hà Nội, mà còn đóng vai trò quan trọng thúc đẩy các mục tiêu tăng trưởng về kinh tế - văn hóa - xã hội.
TS Đặng Hoài Giang - Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội
(Còn nữa)
Lại Tấn
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/khong-gian-cong-cong-ban-sac-van-hoa-thu-do-ha-noi.html