Tiến trình sắp xếp, tổ chức vận hành chính quyền địa phương 2 cấp (cấp tỉnh, cấp xã) tại Bình Phước đang diễn ra khẩn trương và đồng bộ. Cùng với đó là bảo đảm cho các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, hoạt động giải quyết TTHC thông suốt, liên tục, đóng vai trò then chốt, là “mạch máu” đảm bảo sự vận hành trơn tru của toàn hệ thống chính quyền.
Cấp xã cải cách mạnh mẽ sau sáp nhập
Trong cuộc họp giữa lãnh đạo các xã Đức Liễu, Nghĩa Bình, Nghĩa Trung, huyện Bù Đăng, bên cạnh những nội dung quan trọng về sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự khi sáp nhập xã, cũng nhấn mạnh đến việc sau khi chọn đặt trung tâm hành chính tại xã Đức Liễu phải tạo điều kiện tốt nhất cho nhân dân 3 xã đi lại giải quyết TTHC, tránh sự ách tắc hay gián đoạn. Việc sắp xếp cán bộ, công chức tại bộ phận một cửa cũng đang được lựa chọn kỹ.
Người dân xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa UBND xã
Anh Trần Văn Cần, công chức địa chính - xây dựng - nông nghiệp - môi trường xã Đức Liễu chia sẻ: “Sau sáp nhập xã, diện tích, dân số tăng, kéo theo nhu cầu giải quyết TTHC cũng tăng. Lĩnh vực đất đai khối lượng công việc bình thường đã nhiều, nay sẽ phải tăng việc, tăng thêm áp lực. Để bảo đảm TTHC được giải quyết thông suốt, cán bộ, công chức bộ phận một cửa ngoài thực hiện nhiệm vụ chuyên môn còn hướng dẫn, hỗ trợ và tuyên truyền người dân khi đến thực hiện các thủ tục tại trụ sở, không làm xáo trộn và ảnh hưởng cuộc sống của người dân”.
Khi sáp nhập tỉnh, người dân ít nhiều có những tâm tư, lo lắng về quyền lợi, công việc, giấy tờ TTHC… bị ảnh hưởng. Song, nhìn nhận rõ được ý nghĩa to lớn từ cuộc cách mạng sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đa số người dân bày tỏ đồng tình, đồng thời gửi gắm nhiều kỳ vọng vào sự phát triển bền vững của địa phương sau sáp nhập. Ông Đường Văn Nghĩa ở xã Bom Bo, huyện Bù Đăng mong muốn: Sau sáp nhập đơn vị hành chính sẽ loại bỏ được những TTHC rườm rà, tình trạng phong bì, lót tay; lựa chọn cán bộ ở bộ phận một cửa phải tận tâm, nhiệt tình; quy trình giải quyết nhanh gọn hơn để người dân không phải đi lại nhiều lần.
Người dân huyện Bù Đăng được hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong các giao dịch hành chính để tiết kiệm thời gian, hạn chế đi lại sau sắp xếp đơn vị hành chính
Khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, mục tiêu lớn kỳ vọng sẽ đạt được là mở ra không gian phát triển mới, xây dựng bộ máy tinh gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, tạo thuận lợi tối đa cho người dân. Ưu tiên hàng đầu của các địa phương sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã là phải đổi mới lề lối, tác phong làm việc của cán bộ, công chức. Xã cũng khuyến khích người dân sử dụng hệ thống dịch vụ công trực tuyến trong các giao dịch hành chính để hạn chế đi lại khi địa bàn rộng, dân số đông.
Ông Trần Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND xã Đức Liễu nhấn mạnh: Sau sáp nhập, dân số của đơn vị hành chính mới sẽ tăng. Để người dân không lo ngại vì phải di chuyển xa hoặc làm lại một số giấy tờ cá nhân khi mang tên đơn vị hành chính mới, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân tích hợp giấy tờ trên ứng dụng VNeID, chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong giao dịch hành chính, nộp TTHC trên dịch vụ công để hạn chế phải đi lại.
Cán bộ, công chức tăng cường ứng dụng công nghệ
Cùng với các tỉnh, thành phố trong cả nước, Bình Phước đang tích cực rà soát, sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức các đơn vị hành chính cấp xã sau khi thực hiện sáp nhập theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương dựa trên nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo. Trong quá trình sắp xếp bộ máy phải đảm bảo giải quyết TTHC cho người dân được thông suốt, không gián đoạn.
Tại thành phố Đồng Xoài, sau khi sắp xếp đơn vị hành chính thì còn 2 phường. Do đó, sau khi sáp nhập và đi vào hoạt động từ ngày 1-7, số lượng người dân đến thực hiện giao dịch TTHC tại 2 phường mới sẽ rất đông. Vì ngoài các lĩnh vực trước nay cấp xã đang thực hiện tại bộ phận một cửa, sau khi sáp nhập bộ phận này sẽ phải tiếp nhận và giải quyết tất cả hồ sơ thuộc các lĩnh vực cấp huyện đang thực hiện.
Cán bộ, công chức phường Tiến Thành, thành phố Đồng Xoài chủ động ứng dụng công nghệ, đơn giản hóa quy trình thủ tục để có thể giải quyết công việc nhanh nhất
Ông Lê Thanh Hoàn, Chủ tịch UBND phường Tiến Thành, thành phố Đồng Xoài cho biết: Sau sáp nhập phường Tiến Thành và xã Tân Thành lấy tên là phường Đồng Xoài có diện tích hơn 80 ngàn km2, dân số trên 30 ngàn người. Nhu cầu giải quyết TTHC, đặc biệt lĩnh vực đất đai sẽ rất lớn. Vì vậy, sau sáp nhập phường bố trí, nâng cấp trụ sở làm việc, mua sắm bổ sung trang thiết bị của bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả, đảm bảo phù hợp, để khi đi vào hoạt động việc giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp được liên tục, không bị gián đoạn.
Sau khi giải thể cấp huyện, chính quyền địa phương cấp xã sẽ đảm nhiệm thêm nhiệm vụ, quyền hạn của cấp huyện. Theo đó, chính quyền địa phương cấp xã sẽ được trao nhiều quyền hơn; tổ chức bộ máy và chế độ công chức, công vụ sẽ được đổi mới, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Về các TTHC trước đây được thực hiện ở cấp huyện sẽ do cấp xã trực tiếp thực hiện. Vì vậy, phải chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đơn giản hóa quy trình thủ tục để có thể giải quyết công việc nhanh nhất.
Trong bối cảnh tinh gọn bộ máy, sắp xếp lại đơn vị hành chính, khối lượng công việc của cán bộ, công chức, đặc biệt ở cấp tỉnh và cấp xã sẽ tăng lên rất nhiều. Diện tích, quy mô công việc, mật độ dân số và số lượng người cần phục vụ sẽ gấp nhiều lần so với hiện tại. Vì vậy, tỉnh đang đẩy mạnh đào tạo cán bộ, công chức, đặc biệt là trang bị kiến thức và kỹ năng chủ động ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo vào giải quyết công việc. Mục tiêu là nâng cao chất lượng công việc, cải thiện năng suất lao động và tiết kiệm thời gian.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ
NGUYỄN MINH QUANG
Từ ngày 1-7-2025, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp sẽ chính thức được triển khai thực hiện trên toàn quốc. Nhân dân kỳ vọng điều này sẽ mang lại những thay đổi tích cực trong việc giải quyết TTHC phục vụ nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu từ thực tế đặt ra.
Ngân Hà