Không gian mới, cơ hội phát triển mới

Không gian mới, cơ hội phát triển mới
8 giờ trướcBài gốc
Hôm nay (1/7/2025), tỉnh mới Tuyên Quang chính thức đi vào hoạt động. Tỉnh mới có diện tích rộng, dân số đông, không gian phát triển mới… đang mở ra những cơ hội mới để bứt phá, vươn mình cùng cả nước.
Thời khắc lịch sử
Sáng 12/6/2025, đồng chí Triệu Đức Thanh, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang (cũ) thức dậy từ rất sớm. Là người con của dân tộc Dao, sinh ra, lớn lên tại xã Hồ Thầu, ông được Đảng, Nhà nước quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, khi trưởng thành được cử đi làm cán bộ. Cả cuộc đời hoạt động cách mạng, công tác của ông gắn bó chặt chẽ với quá trình hình thành, phát triển mảnh đất Hà Giang. Ngày Quốc hội biểu quyết việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp tỉnh, ông dành nhiều thời gian, lặng im theo dõi trước màn hình vô tuyến. Đúng thời khắc Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh với tỷ lệ đồng thuận rất cao, ông bùi ngùi xúc động nói “Quyết định của Quốc hội đã thực sự kiến tạo con đường mới, mở ra tương lai tươi sáng cho dân tộc ta, đất nước ta”. Hà Giang - Tuyên Quang từ nay “về chung một nhà”, sự hợp sức này sẽ tạo xung lực mạnh mẽ để Tuyên Quang chủ động, tự tin sánh vai cùng 33 tỉnh, thành trong cả nước.
Sản xuất ván ép xuất khẩu tại Khu công nghiệp Bình Vàng, xã vị xuyên.
Còn đồng chí Hạng Mí De, nguyên ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch ủy ban MTTQ tỉnh Hà Giang (cũ), bồi hồi nói: Thực tế lịch sử cho thấy, đây không phải lần đầu tiên 2 tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang “về chung một nhà”. Trước đó, ngày 27/12/1975, Quốc hội khóa V đã quyết nghị hợp nhất 2 tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang thành tỉnh Hà Tuyên. Sau 15 năm hợp nhất, vượt lên những khó khăn, thử thách, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc Hà Tuyên đã đoàn kết một lòng, phát huy truyền thống quê hương cách mạng, gắn bó, chung sức, đồng lòng, từng bước phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc. Căn cứ tình hình thực tiễn và yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, ngày 12/8/1991, Quốc hội khóa VIII, Kỳ họp thứ 9 quyết nghị chia tỉnh Hà Tuyên thành 2 tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang.
Sau khi chia tách, 2 tỉnh Tuyên Quang - Hà Giang cùng nỗ lực vươn lên xây dựng cuộc sống mới. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, song tỉnh Tuyên Quang đã chủ động, linh hoạt, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Năm 2024, kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì đà phát triển, tốc độ tăng tổng sản phẩm đạt 9,04%; thu ngân sách vượt dự toán Trung ương giao; lần đầu tiên tỉnh có 7 sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu sang thị trường Anh; giá trị sản xuất công nghiệp và sản lượng một số sản phẩm công nghiệp, hoạt động thương mại, dịch vụ, bán lẻ hàng hóa tăng cao so với cùng kỳ...
Cùng với Tuyên Quang, mảnh đất địa đầu Tổ quốc Hà Giang đã trỗi dậy mạnh mẽ từ tinh thần đoàn kết, từ quyết tâm biến khó khăn thành cơ hội phát triển. Đặc biệt, với hướng đi đúng, có trọng tâm, trọng điểm trong khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh, Hà Giang đã xây dựng và khẳng định được thương hiệu trên bản đồ du lịch thế giới. Năm 2024, tốc độ tăng tổng sản phẩm của tỉnh đạt 6,05%; tổng sản phẩm bình quân đầu người 39,3 triệu đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội 14.369,9 tỷ đồng; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 2.494,0 tỷ đồng; thu hút khách du lịch đạt 3,286 triệu lượt người.
Theo Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, việc sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh, cấp xã là sự kiện hội tụ sức mạnh của lịch sử, hiện tại và tương lai. Đây là vấn đề hệ trọng, mang tính thời đại. Cuộc tái cấu trúc bộ máy nhà nước và ĐVHC lần này mang tính toàn diện, đồng bộ, triệt để và đột phá. Chính phủ không chỉ tái cấu trúc không gian tổ chức lãnh thổ mà còn cả thể chế, văn hóa, kinh tế nhằm phát triển bền vững. Việc sắp xếp được cân nhắc kỹ lưỡng, đa chiều từ diện tích tự nhiên, quy mô dân số đến yếu tố lịch sử, văn hóa, dân tộc, tín ngưỡng, tầm nhìn phát triển và tâm lý xã hội.
“Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay”
Theo Bí thư Tỉnh ủy Hầu A Lềnh, việc hợp nhất tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang tạo nên một thực thể hành chính mới với quy mô rộng gần 13.800 km2 và dân số gần 1,9 triệu người. Tỉnh mới sau sáp nhập có 124 ĐVHC cấp xã (117 xã và 7 phường) không chỉ quy tụ hơn 30 dân tộc cùng sinh sống, tạo nên bức tranh văn hóa đa dạng, phong phú mà còn sở hữu diện tích lớn thứ 6 toàn quốc. Đặc biệt, đây là địa phương duy nhất cả nước có đường biên giới tiếp giáp 2 tỉnh Vân Nam và Quảng Tây của Trung Quốc, với tổng chiều dài hơn 277 km. Với địa thế chiến lược, tài nguyên thiên nhiên phong phú, tỉnh Tuyên Quang hội tụ đầy đủ các yếu tố để trở thành “mảnh đất vàng” cho phát triển kinh tế xanh, du lịch, nông - lâm nghiệp và năng lượng tái tạo.
Bà con nông dân xã Phù Lưu thu hoạch cam sành. Ảnh: Quốc Việt
Bên cạnh những thuận lợi, quá trình vận hành tỉnh mới cũng đặt ra nhiều thách thức, theo đại biểu Quốc hội Vương Thị Hương: Việc sáp nhập tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang là chủ trương lớn, có ý nghĩa chiến lược, thể hiện quyết tâm chính trị trong việc tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy hành chính nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững của đất nước và thực tiễn phát triển, quản lý lãnh thổ hiện nay.
Tuy nhiên, đại biểu cũng chia sẻ những khó khăn, thách thức đặt ra đối với tỉnh Tuyên Quang mới: Sau khi hợp nhất, tỉnh mới là một ĐVHC vùng cao, biên giới, có địa bàn rộng, dân số đông, đường biên giới dài tiếp giáp với Trung Quốc. Địa hình chia cắt, dân cư phân tán và trình độ phát triển chưa đồng đều là những yếu tố khiến việc tổ chức bộ máy, thực hiện chức năng quản lý nhà nước gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi có những chính sách đặc thù, linh hoạt và kịp thời.
Tỉnh mới Tuyên Quang chính thức đi vào hoạt động tạo ra không gian phát triển rộng lớn, đòi hỏi tầm nhìn, tư duy quản trị lớn hơn nên cùng với việc chuẩn bị chu đáo các điều kiện nhằm hoạt động nhịp nhàng, thông suốt, không gián đoạn công việc, không bỏ trống địa bàn, không ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp... công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ tỉnh đang gấp rút được triển khai. Theo dự kiến, chủ đề Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang nhiệm kỳ 2025 - 2030 là “Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, sức mạnh đại đoàn kết; nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng; chung sức, đồng lòng quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2030 là tỉnh phát triển khá, thu nhập trung bình cao của vùng Trung du và miền núi Bắc bộ; vững bước cùng cả nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Đối với công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ tỉnh, các đồng chí lãnh đạo tỉnh nhiều lần nhấn mạnh: Mục tiêu tổng quát trong giai đoạn mới là tiếp tục xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; tập trung phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại và kết nối; đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, kinh tế tuần hoàn, cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân; nâng cao chất lượng các lĩnh vực văn hóa - xã hội, chất lượng nguồn nhân lực; phát triển văn hóa, con người. Đồng thời, đảm bảo quốc phòng, an ninh và đẩy mạnh hoạt động đối ngoại…
Với tầm nhìn mới, tư duy mới, với những con người mới, với sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, thận trọng từ hôm nay, Tuyên Quang cùng với 33 tỉnh, thành phố của cả nước sẵn sàng bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thiên Thanh
Nguồn Hà Giang : http://baohagiang.vn/kinh-te/thuong-mai-dich-vu/202507/khong-gian-moico-hoi-phat-trien-moi-8002b52/