Không gian mới mở ra động lực phát triển du lịch sinh thái tại Ninh Bình

Không gian mới mở ra động lực phát triển du lịch sinh thái tại Ninh Bình
14 giờ trướcBài gốc
Khu du lịch sinh thái Thung Nham, Ninh Bình.
Tại tọa đàm “Định hướng phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình trong không gian mới” diễn ra chiều 9/7/2025, các chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp đã cùng phân tích tiềm năng, góp ý chiến lược phát triển, hướng tới xây dựng một Ninh Bình trở thành cực tăng trưởng du lịch hàng đầu cả nước và khu vực.
Đây là một trong những hoạt động chào mừng kỷ niệm 65 năm thành lập ngành Du lịch Việt Nam, đồng thời là diễn đàn trao đổi, góp ý quan trọng nhằm xây dựng sản phẩm du lịch mới, khai thác tối đa tiềm năng biển, đồng bằng, đồi núi, tâm linh, sinh thái và đô thị. Từ đó, từng bước đưa Ninh Bình trở thành cực tăng trưởng du lịch hàng đầu khu vực phía Bắc và cả nước trong thời gian tới.
XÂY DỰNG TRUNG TÂM DU LỊCH TỔNG HỢP QUỐC GIA VÀ QUỐC TẾ
Phát biểu tại tọa đàm, ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình, nhấn mạnh: Việc hợp nhất ba tỉnh Ninh Bình, Hà Nam và Nam Định không chỉ là thay đổi địa giới hành chính mà còn mở ra một không gian phát triển rộng lớn, là cơ hội để tái định vị du lịch Ninh Bình trên quy mô và tầm vóc mới.
“Ninh Bình đang hội tụ đầy đủ yếu tố "thiên thời - địa lợi - nhân hòa" để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, có năng lực cạnh tranh quốc tế, hướng đến vị thế là trung tâm du lịch văn hóa - sinh thái - tôn giáo hàng đầu khu vực Đông Nam Á,” ông Mạnh cho biết.
Ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình, phát biểu khai mạc tọa đàm.
Tuy nhiên, theo ông, du lịch Ninh Bình cũng đang phải đối diện với nhiều thách thức lớn, điển hình là sự khác biệt trong định hướng phát triển du lịch giữa ba địa phương trước đây, hạ tầng giao thông kết nối chưa hoàn thiện, nguồn nhân lực chưa đồng đều.
Do đó, ngành Du lịch tỉnh mong muốn thông qua tọa đàm này, có thể tiếp nhận thêm ý kiến từ các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp để tiếp tục hoàn thiện Đề án phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Dự thảo Đề án phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình giai đoạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đã xác định mục tiêu đến năm 2030, Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch lớn cấp quốc gia và quốc tế, là cực tăng trưởng du lịch của vùng Đồng bằng sông Hồng. Tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh sẽ trở thành trung tâm du lịch tầm cỡ quốc tế, dẫn dắt mô hình du lịch xanh – thông minh – văn minh.
Toàn cảnh buổi tọa đàm
Đề án xác định 4 trục giá trị cốt lõi trong chiến lược phát triển gồm: Trục di sản văn hóa – tôn giáo – lịch sử, với các điểm nhấn như cố đô Hoa Lư, chùa Bái Đính. Trục di sản thiên nhiên – sinh thái – bảo tồn, tập trung tại khu danh thắng Tràng An, rừng Cúc Phương, Vân Long. Trục du lịch nông thôn – cộng đồng – ven biển, khai thác các làng nghề, vùng ven biển Kim Sơn. Trục du lịch sáng tạo – văn hóa đương đại – công nghệ cao, phát triển các trung tâm trải nghiệm, công nghệ du lịch số…
Ngoài ra, Ninh Bình đặt mục tiêu duy trì và nâng cao thương hiệu du lịch gắn với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Tỉnh phấn đấu đến năm 2030 đón khoảng 25 triệu lượt khách du lịch, doanh thu đạt 25.700 tỷ đồng. Trong đó, số lượng khách quốc tế, lưu trú dài ngày và chi tiêu cao sẽ được tập trung phát triển. Tỉnh cũng dự kiến xây dựng từ 15 đến 20 khách sạn đạt tiêu chuẩn 4-5 sao để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng.
CÁC GỢI Ý CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN TRONG GIAI ĐOẠN MỚI
Đánh giá về Đề án, các chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp tham dự tọa đàm đều khẳng định tính cấp thiết, tầm nhìn dài hạn cũng như sự chuẩn bị bài bản, khoa học từ phía ngành Du lịch Ninh Bình. Nhiều ý kiến cũng góp ý sâu sắc để Đề án hoàn thiện hơn, đáp ứng được yêu cầu phát triển trong bối cảnh mới.
Các chuyên gia đề xuất cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, có trình độ ngoại ngữ và kỹ năng dịch vụ tốt; xây dựng hệ sinh thái công nghiệp văn hóa gắn với các giá trị di sản; phát triển công nghệ số trong số hóa di sản và trải nghiệm du lịch thông minh; tăng cường loại hình du lịch giáo dục – nghiên cứu – khảo cổ; khai thác thêm sản phẩm du lịch ban đêm và văn hóa ẩm thực đặc trưng của vùng.
Tọa đàm cũng ghi nhận nhiều ý kiến về việc cần sớm hình thành các liên kết vùng trong quảng bá và tổ chức tour du lịch; nghiên cứu mô hình quản trị du lịch hiệu quả, đặc biệt là đối với các khu di sản và điểm đến trọng điểm.
Sở Du lịch Ninh Bình cam kết sẽ tiếp thu toàn bộ các ý kiến đóng góp để tiếp tục hoàn thiện Đề án, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt, qua đó tạo nền tảng vững chắc cho ngành du lịch phát triển bền vững, trở thành động lực tăng trưởng mới trong cơ cấu kinh tế của tỉnh trong tương lai.
Nguyễn Thuấn
Nguồn VnEconomy : https://vneconomy.vn/khong-gian-moi-mo-ra-dong-luc-phat-trien-du-lich-sinh-thai-tai-ninh-binh.htm