Nhiều phố đi bộ ở Hà Nội vắng vẻ người dân qua lại.
Phố đi bộ hồ Ngọc Khánh chính thức mở cửa từ tháng 10/2024, với tổng mức đầu tư gần 30 tỷ đồng từ quận Ba Đình để cải tạo hạ tầng, chỉnh trang đô thị và tổ chức các hoạt động.
Dù được đầu tư bài bản, nhưng vào những ngày cuối tuần, nơi đây vẫn rơi vào cảnh đìu hiu. Không có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao hay giải trí, phố đi bộ chỉ lác đác vài người tập thể dục hay đi dạo trên vỉa hè, không tạo được sức hút đối với người dân và du khách.
Ông Đỗ Văn Hiếu (Quận Ba Đình) cho biết: “So với trước chỗ này giờ cũng khang trang, đẹp hơn. Không biết tới đây thế nào chứ hiện tại số người đi bộ ở đây vào thứ 7, chủ nhật rất ít”.
Bạn Cẩm Anh (Quận Ba Đình) nhận định chia sẻ: “Em thấy phố đi bộ hồ Ngọc Khánh không bằng phố đi bộ hồ Gươm đâu, bởi vì ở đây rất ít người qua lại hơn trên đấy. Trên đấy có rất nhiều thứ có thể chụp ảnh, ăn uống…nó như một hội chợ lớn. Em mong nếu như thành phố quyết tâm làm phố đi bộ ở đây thì nên cải tạo nhiều một chút cho đặc sắc hơn”.
Theo ghi nhận của PV, vào thứ 7, chủ nhật rất ít người qua lại, chỉ có một vài người dân đi bộ tập thể dục.
Một không gian tương tự là phố đi bộ Đảo Ngọc – Ngũ Xã cũng trong tình trạng tương tự. Dù được kết hợp với phố ẩm thực nhưng khu vực này vẫn khá ảm đạm vào những ngày cuối tuần, chỉ có một số ít khách đến thưởng thức cà phê và ẩm thực, trong khi hầu như không có khách đi bộ tham quan.
Tương tự, phố đi bộ Trịnh Công Sơn (Quận Tây Hồ) từng được kỳ vọng trở thành điểm nhấn du lịch, không gian biểu diễn nghệ thuật và ẩm thực đường phố của quận Tây Hồ. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động kém hiệu quả, đến cuối năm 2023, quận Tây Hồ đã phải thu gọn quy mô và chuyển đổi không gian này thành không gian văn hóa sáng tạo.
Có thể thấy, người bán còn nhiều hơn người đến vui chơi, ăn uống.
Trong khi Hà Nội đang thiếu các không gian công cộng phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân, nhiều không gian phố đi bộ lại không phát huy được hết tiềm năng của mình.
Tiến sĩ Trương văn Quảng – Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam phân tích: “Nếu chúng ta vẫn chứ duy trì tư duy cũ, cứ lập ra thế xong không có gì đổi mới cả, vẫn cứ nhang nhác đâu đó giống nhau thì chắc chắn sẽ không tạo ra một khu vực mang tính hấp dẫn. Đồng thời, có thể nhận thấy sức sống ở khu vực đó cũng không có”.
“Tôi nghĩ chắc chắn Hà Nội phải rút kinh nghiệm. Thành phố cần phải có những tiêu chí, điều kiện cụ thể để xây dựng một không gian đi bộ, tuyến phố văn hóa ẩm thực. Bên cạnh những cái đặc điểm chung thì những khu vực đó cần phải có những cái thuộc về riêng biệt, mang tính đặc sắc hơn so với những khu khác”, ông Quảng chia sẻ thêm.
Để các phố đi bộ thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn, cần có những giải pháp đồng bộ như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao đường phố, xây dựng các chương trình giao lưu cộng đồng, tăng cường kết nối với hệ thống ẩm thực và dịch vụ vui chơi giải trí. Ngoài ra, cần nghiên cứu kỹ về vị trí, quy hoạch và nhu cầu thực tế của người dân trước khi triển khai các không gian đi bộ mới.