Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên: 'Yếu tố nội sinh' phát triển du lịch

Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên: 'Yếu tố nội sinh' phát triển du lịch
10 giờ trướcBài gốc
Các chàng trai và sơn nữ K’Ho trong tiếng chiêng ngân điệu múa
Tỉnh Lâm Đồng mới với không gian địa lý mở rộng trở thành vùng đất sinh sống của hơn 3,8 triệu dân, nơi hội tụ 54 dân trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam sinh sống. Sự hội tụ ấy tạo ra sự đa dạng, phong phú về phong tục tập quán, sắc thái văn hóa trên dải đất Lâm Đồng. Đặc biệt, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên chiếm tỷ lệ lớn trong cộng đồng dân tộc thiểu số mà nổi trội đó là các dân tộc K’Ho, Mạ, Ê đê, M’nông... sinh sống chủ yếu ở Tây Nam và Nam Tây Nguyên, tạo nên hệ giá trị mang đặc trưng văn hóa Tây Nguyên đặc sắc.
“Làng nghệ sĩ”
Nổi bật trên “bản đồ du lịch” Tây Nguyên mà điểm đến thưởng thức văn hóa cồng chiêng phải kể đến phường Lang Biang - Đà Lạt, nằm dưới chân núi Lang Biang hùng vĩ. Tiếng chiêng, điệu múa của các chàng trai cô giái K’Ho bao năm nay đã làm đắm say hàng triệu lượt du khách. Điều ấy khiến cho nơi đây được nhiều du khách gọi bằng cái tên thân thương “Làng nghệ sĩ” và trở thành một trong những địa phương có nhiều đội nhóm biểu diễn cồng chiêng hàng đầu của tỉnh Lâm Đồng. Trong không gian diễn xướng văn hóa cồng chiêng này, du khách như được hòa mình vào phong cảnh thiên nhiên của núi rừng, nhịp nhàng theo điệu múa xoang cùng các sơn nữ trong tiếng chiêng ngân trầm hùng, rộn rã tựa bản giao hưởng linh thiêng của trời đất, núi rừng, suối, sông miền sơn cước, tái hiện sinh động đời sống lao động, sinh hoạt văn hóa cũng như những lễ hội của buôn làng.
Hướng dẫn làm du lịch cộng đồng cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số xã Đam Rông 1
Bên cạnh những bài hát dân ca, các ca khúc mang âm hưởng nồng nàn Tây Nguyên cũng được cất lên qua lời ca tiếng hát của các chàng trai, sơn nữ trong trang phục truyền thống của người K’Ho. Tiếng tù và, hình ảnh cây nêu, thưởng thức các món ăn thịt nướng, cơm lam, hơi men rượu cần, hòa cùng nhịp xoang trong tiếng chiêng xoay quanh bếp lửa bập bùng thực sự tạo ra một bữa tiệc mang đậm bản sắc dân tộc mà “Không gian văn hóa Cồng chiêng” tại đây mang lại cho du khách những trải nghiệm khó quên.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, có trên 1,5 triệu lượt khách du lịch đến tham quan tại phường Lang Biang - Đà Lạt, trong đó phần đông du khách đến thưởng thức văn hóa cồng chiêng tại các đội nhóm trong “Làng nghệ sĩ”.
Động lực phát triển du lịch
Theo đánh giá của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng, trong nhiều năm qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc gốc Tây Nguyên có bước phát triển đáng ghi nhận. Chính vì thế, hiện nay, rất nhiều bon, buôn làng trong tỉnh vẫn còn lưu giữ những giá trị văn hóa làm nên căn tính của dân tộc mình, đóng góp lớn đối với “Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên” ngày càng thêm đặc sắc. Với lợi thế riêng có của Lâm Đồng, cùng với những nỗ lực từ tỉnh đến các địa phương, các sắc tộc thiểu số gốc Tây Nguyên đã đưa “Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên” trở thành một sản phẩm du lịch thu hút du khách trong và ngoài nước tìm đến thưởng thức mỗi khi đặt chân đến Lâm Đồng.
Được biết, Lâm Đồng đã thực hiện kiểm kê di sản văn hóa cồng chiêng tại địa bàn các huyện, thành phố; đồng thời tổ chức tôn vinh các nghệ nhân, nghệ nhân ưu tú; mở các lớp truyền dạy cồng chiêng cho hàng ngàn thanh thiếu niên là người dân tộc thiểu số. Một thống kê chưa đầy đủ, hiện nay toàn tỉnh có trên 400 bộ cồng chiêng của các sắc tộc M’nông, Mạ, Ê đê, K’Ho… còn lưu giữ, trong đó, nhiều bộ cồng chiêng đang được sử dụng phục vụ du lịch. Cùng với hàng trăm câu lạc bộ cồng chiêng, hàng ngàn nghệ nhân biết truyền dạy cồng chiêng cũng như dệt thổ cẩm và biết chế tác, sử dụng nhạc cụ dân tộc... là tài sản quý giá, góp phần vào bảo tồn, phát huy, khai thác “Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên” phục vụ du lịch.
Chỉ tính riêng người dân tộc K’Ho dưới chân núi Lang Biang đã có 12 đội cồng chiêng thường xuyên tổ chức các hoạt động biểu diễn phục vụ nhu cầu tìm hiểu, giao lưu văn hóa của người dân và du khách khi đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Lâm Đồng.
Việc xác định và xây dựng thương hiệu du lịch từ di sản văn hóa đã thật sự tạo nên sự khác biệt, hấp dẫn đối với vùng đất Lâm Đồng. Văn hóa không những biểu hiện bản sắc của dân tộc mà còn là “yếu tố nội sinh” và là động lực để thực hiện thành công sự phát triển của địa phương mà trong đó “Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên” cần được bảo tồn, phát huy, khai thác hiệu quả để tạo ra những giá trị mới, góp phần phát triển du lịch trên vùng đất tỉnh Lâm Đồng này.
“Khai thác hiệu quả Không gian văn hóa Cồng chiêng Lâm Đồng không chỉ là bảo tồn một di sản văn hóa, mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nâng cao đời sống tinh thần người dân bản địa, và quảng bá hình ảnh Lâm Đồng - Tây Nguyên ra thế giới. Nhưng tất cả phải bắt đầu từ sự tôn trọng bản sắc văn hóa và sự tham gia thực chất của cộng đồng”
Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Trần Thanh Hoài
“Làm sao để khai thác hiệu quả Không gian văn hóa Cồng chiêng của tỉnh Lâm Đồng mới? Đó là một câu hỏi khó cho cá nhân và cho cả cộng đồng. Trước hết phải giữ gìn đã thì mới có cái để mà khai thác, mà việc khai thác cũng cốt để giữ gìn lâu dài một di sản văn hóa. Tiếng chiêng ngân, bài chiêng vang lên gắn với lễ thức trong lễ hội mới làm nên giá trị của nó. Bảo tồn tiếng chiêng, bài chiêng, không gian cồng chiêng mới là mục đích mà UNESCO công nhận di sản này. Các đội chiêng dân lập đã và đang phục vụ du khách như một loại hình du lịch văn hóa cần một sự ghi nhận, động viên, khích lệ”
TS. Lê Hồng Phong - Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Lâm Đồng
“Không gian văn hóa Cồng chiêng của đồng bào các dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại hợp cùng các di tích cấp tỉnh và quốc gia đã và đang là nguồn tài nguyên vô giá tạo đà cho Lâm Đồng trở thành một trung tâm văn hóa sáng tạo, lấy Đà Lạt là “vùng lõi sáng tạo”. Từ đó thu hút du khách với các loại hình du lịch đa dạng, phong phú và tạo ra những sản phẩm văn hóa có giá trị, mang đậm bản sắc Tây Nguyên”
PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam
Hồ Xuân Trung
Nguồn Lâm Đồng : https://baolamdong.vn/khong-gian-van-hoa-cong-chieng-tay-nguyen-yeu-to-noi-sinh-phat-trien-du-lich-382187.html