Không Hải Đại sư và truyền thừa Phật giáo Mật tông tại Nhật Bản

Không Hải Đại sư và truyền thừa Phật giáo Mật tông tại Nhật Bản
10 giờ trướcBài gốc
Tác giả: Anh Vũ La Sơn Phúc Cường dịch, tổng hợp
Giới thiệu
Bài tham luận này đã được tác giả Barbara Morrison trình bày tại “Hội nghị quốc tế về truyền thống và cách tân trong Phật giáo Kim Cương thừa: Một Mandala của tư tưởng thế kỷ 21” tại Bhutan vào tháng 7 năm 2016.
Tác giả tham luận giới thiệu về Phật giáo Mật tông tại Nhật Bản, cụ thể là truyền thống Chân Ngôn tông Shingon.
Nội dung tham luận viết về những cách tân của Tổ Không Hải (Kukai) khi ông đưa những giáo lý Phật giáo Mật Tông tu học được từ Trung Quốc tới Nhật Bản vào thế kỷ thứ 9. Thời điểm này cách khoảng trên dưới một trăm năm so với thời kỳ đức Liên Hoa Sinh truyền bá Phật giáo Mật tông ở các nước trên dãy Himalaya.
Không Hải đại sư là tổ sáng lập Phật giáo Mật tông ở Nhật Bản. Vùng núi Koya là trung tâm của dòng tu này. Giáo lý căn bản của tông phái này dựa trên quan niệm cho rằng sự giác ngộ có thể đạt được ngay trong một đời và ngay trong thân người này thông qua phương pháp hành trì tam mật tương ưng. Những luận giải sâu sắc của tổ về chữ chủng tử tự, các biểu tượng, ngôn ngữ, âm thanh trong pháp giới cùng các phương pháp hành trì siêu việt đã tạo nên những nét đặc sắc trong Phật giáo Nhật Bản nói chung.
Có ba nội dung chính:
Thứ nhất là quan niệm của Không Hải đại sư về biểu tượng và ngôn ngữ trong vũ trụ, để tiêu trừ cái nhìn phàm tình về con người và từ đó “thánh hóa” mọi hiện tượng trong vũ trụ.
Thứ hai là quan niệm của Không Hải đại sư về tâm thức là một trong sáu yếu tố quan trọng cấu thành nên pháp giới, bên cạnh đất, nước, lửa gió và không gian.
Thứ ba là hợp nhất thần chú và mô hình mandala được Không Hải đại sư hệ thống trong phương pháp hành trì thiền quán chữ chủng tử tự.
Bối cảnh lịch sử Phật giáo Mật tông được truyền thừa đến Nhật Bản từ Trung Quốc vào thế kỷ thứ 9, chủ yếu nhờ nỗ lực của Không Hải Đại sư, hiệu là Hoằng Pháp Đại Sư (Kôbô Daishi - 774-835). Một bậc Đại sư Mật tông khác là Tối Trừng (Saichô), hiệu là Hoằng pháp Đại sư (DengyIo Daishi: 767-822) cũng tu học Mật tông tại Trung Quốc và đã thành lập tông Phật giáo Tendai trên Núi Hiei (nay là tỉnh Shiga) tại Nhật Bản.
Không Hải Đại sư: Kinh văn và bậc thầy
Không Hải thụ giới Sa di ở tuổi 20 và gia nhập Tăng đoàn ở tuổi 24, trước đó ông đã có nhân duyên được tiếp xúc với những giáo pháp Mật truyền ngay khi rời bỏ việc theo học Đại học Nho giáo. Ông theo học Đại học với mong muốn trở thành một vị quan triều đình. Vào đầu những năm 20 tuổi, ông trở thành một du sĩ vân du khắp nơi và gia nhập tín ngưỡng Trí tuệ Tự nhiên (Jinnenchi-shû), cùng các thành viên giành hết tâm sức thực hành các giáo pháp Mật truyền, du hành khắp nơi và khất thực đồng thời hòa thân tâm mình vào mối quan hệ sâu sắc với thiên nhiên.
Chính trong thời gian này, Không Hải đã chiêm nghiệm về các hiện tướng của tự nhiên với các yếu tố trong thân tâm mình, kiến lập mối liên hệ sâu sắc với tự nhiên và góp phần trở thành nền tảng cho những phương pháp thiền quán Mật truyền sau này.
Ngay khi còn nhỏ tuổi, Không Hải đã lớn lên và thấm nhuần tín ngưỡng bản địa Thần đạo (Shintô), với sự chú trọng yếu tố thiên nhiên.Trong thời gian tham học tại Truyền thống tín ngưỡng Trí tuệ Tự nhiên, Không Hải đã có những trải nghiệm và sự thức tỉnh sâu sắc khi thiền định và trì tụng thần chú Hư Không Tạng Bồ Tát (Âkâsagarbha) (Kokûzô).
Như học giả Hakeda đã chỉ ra, điều quan trọng trong hành trình tìm cầu giáo pháp Phật giáo Mật tông của Không Hải bắt nguồn từ những trải nghiệm ban đầu này với những chiêm nghiệm sâu sắc khi hòa nhập thân mình với thiên nhiên.
Hai học giả Shingen Takagi và Thomas Eijô Dreitlein đã lưu ý, trải nghiệm sâu sắc này đã giúp Không Hải vượt ra khỏi thế giới ngôn từ của những diễn giải trong các trang kinh văn, để bước vào cõi hư không rộng lớn vĩ đại không bờ mé, nơi chốn mà ông có thể suy tư thiền quán để “giải mã” các hiện tướng trong tự nhiên và các trung tâm năng lượng là tinh túy của pháp giới hội tụ trong những chữ chủng tự tự “được viết ngay trên những trang kinh văn của thế giới tự nhiên.”
Sau những thành tựu ban đầu, Không Hải dường như đã được tiếp cận và nghiên cứu Kinh Đại Nhật (Mahâvairocana Sutra) nhưng ông đã không thể hiểu được những lý nghĩa vi diệu ẩn sau các trang kinh văn. Cuộc gặp gỡ với những trang kinh văn đầy trí tuệ, linh thiêng của Phật giáo Mật tông đã là động lực cho tâm nguyện của ông tới Trung Quốc để cầu đạo. Ông đã phát nguyện sẽ tìm cầu bậc thày và dự định ở lại Trung Quốc trong 20 năm để chuyên tâm tu học Phật giáo Mật tông.
Tuy nhiên Không Hải chỉ tu học tại Trung Quốc trong 2 năm. Trong thời gian đó ông được bậc thầy Huệ Quả (Hui-kuo, 746-805), thu nhận và trực tiếp truyền trao các giáo pháp Mật tông. Huệ Quả là một bậc Thành tựu giả Phật giáo Mật tông và đệ tử chân truyền của tổ Bất Không Kim Cương (Amoghavajra, 705-74), một trong những dịch giả được kính ngưỡng và có đóng góp nhiều nhất trong các bản kinh văn Mật truyền tại Trung Quốc. Bất Không Kim Cương (Amoghavajra) là đệ tử chân truyền thừa của tổ Kim Cương Trí (Vajrabodhi, viên tịch năm 741), một bậc thầy thành tựu và được kính ngưỡng.
Không Hải học tiếng Phạn và chữ Tất-đàm (Siddham) với nhà sư Ấn Độ Prajna (733 0r 734 -?). Như vậy những giáo pháp Không Hải thụ nhận có hệ truyền thừa nghiêm mật và được truyền trao qua nhiều thế hệ các tổ Mật tông Trung Quốc. Không Hải đã trở thành Tổ thứ tám của Phật giáo Mật tông ở Trung Quốc.
Khi trở về Nhật Bản vào năm 806, Không Hải đã mang theo các bản kinh văn và mandala của dòng truyền thừa Kinh Đại Nhật (Mahâvairocâna-sûtra Dainichi-kyô) cũng như Kinh Kim Cương Đỉnh (Vajrasekharasutrâ Kongochô-kyô). Ông đã kết hợp những tinh túy của hai dòng truyền thừa này, tạo thành nền tảng của thực hành Chân ngôn tông Nhật Bản. Ngoài những giáo pháp từ hai dòng truyền thừa này, Không Hải cũng mang về Nhật Bản các pháp khí, nghi thức, tri thức hành trì các pháp Du già Bản tôn cũng như truyền thừa chư Tổ Mật tông.
Chuyển hóa khu vực núi Kôya thành đàn tràng của chư Phật
Khu vực Núi Kôya đã được Không Hải biết đến trước khi ông khởi hành đến học đạo tại Trung Quốc vì ông đã đến địa điểm này trong khi đang thực hành khổ hạnh, du hành qua khung cảnh thiên nhiên (Hakeda 47).
Năm 816, Không Hải chính thức xin triều đình cho phép mở một tự viện trên Núi Kôya, lúc đó nằm giữa khu rừng hoang vu nơi chỉ có những thợ săn lão luyện mới có thể tiếp cận được. Với chiều dài khoảng 3,5 dặm và chiều rộng 1,5 dặm, cao nguyên trên Núi Kôya, nơi có các điện thờ và lưu trú được một số người hiện đang sống trên Núi Koya cho rằng là kết quả của một vụ va chạm thiên thạch. Núi Kôya cũng được bao quanh bởi tám đỉnh núi, một đỉnh cao tới 3.230 feet so với mực nước biển, nên đặc điểm địa lý này tạo nên hình tượng hoa sen tám cánh và được sử dụng đặc biệt thành các biểu tượng thiền quán trong Chân ngôn tông. Điều đáng chú ý là Núi Kôya vẫn lưu giữ những ảnh hưởng đồng bộ ban đầu của tín ngưỡng Thần đạo (Shintô) với quan niệm tôn kính các hiện tướng trong thiên nhiên và kết hợp với các quan niệm Phật giáo Mật tông.
Cho đến ngày nay, các hình ảnh tượng trưng của chư Phật, Bồ tát và các Thần linh hòa quyện hoàn hảo trong các nghi thức tu trì hàng ngày trên Núi Kôya. Những huyền thoại liên quan đến việc Kûkai thành lập Núi Kôya cũng chứng thực sự tôn trọng lâu dài của Không Hải đối với các vị nam và nữ thần (kami) trong Thần đạo cũng như rất coi trọng các lực lượng tự nhiên.
Tư tưởng của Không Hải: Ngôn ngữ của pháp giới
Ngày nay nhiều học giả và hành giả Phật giáo đã nghiên cứu và luận giải các quan niệm của Không Hải về âm thanh, ngôn ngữ và lý nghĩa thâm diệu ẩn sau các hiện tướng trong vũ trụ. Với những quan niệm này, Không Hải đại sư đã thực hiện những cách tân sâu rộng của mình đối với nhiều phương pháp tu trì trong Mật tông, đóng góp to lớn vào những tư tưởng trong Phật giáo.
Tư tưởng Phật giáo Mật tông dựa trên thuyết Tam thân Phật, trong đó giáo lý Mật tông được truyền trao trực tiếp từ Pháp thân Phật tức là đức Đại Nhật Như Lai (Mahâvairocana). Đức Phật lịch sử Thích Ca Mau Ni Tất Đạt Đa (Shakyamuni Gotama) thị hiện trong hình thức Hóa thân Phật. Tổ Không Hải luận giải thêm rằng bản thân tâm thức là một tồn tại vốn có phổ quát trong pháp giới. Tâm thức vũ trụ vẫn không ngừng “thuyết giảng” phật pháp trong ngôn ngữ của Pháp thân Phật hay nói cách khác, đức Phật trên thực tế vẫn đang chuyển bánh xe Pháp trong vô số các hình thức, biểu tượng, ký hiệu, ngôn ngữ khác nhau trong khắp pháp giới.
Quan niệm của Không Hải được gọi là Hosshin Seppô, “Đức Phật vũ trụ” với tư cách là Pháp thân Phật với vô số các biểu tượng, ký hiệu, ngôn ngữ hiện diện trong pháp giới; mỗi vật thể trong pháp giới đều hàm chứa những lý nghĩa hay đều là biểu thị các ngôn ngữ đa dạng trong “sự thuyết giảng của Pháp thân Phật” (Rambelli 8).
Như vậy, trong “tầm nhìn phổ quát” này, mỗi đơn vị ngôn ngữ hay các ký tự được biểu trưng bằng chữ chủng tử tiếng Phạn chính là một mandala thu nhỏ cho phép hành giả có thể “giao tiếp trực tiếp” với các thế giới tuyệt đối hay với chư Phật, chư Bồ tát nơi các cõi tịnh độ bởi vì các chữ chủng tử tự bằng tiếng Phạn này bao gồm các thần chú hay tinh túy của mandala đều hàm chứa tâm thức giác ngộ.
Âm thanh vũ trụ này hay chính xác là khẩu giác ngộ của chư Phật được tuyên thuyết và hiển lộ thông qua tâm tỉnh giác của người hành giả tu trì. Như vậy, Giác ngộ không phải là một trải nghiệm thần bí, xa vời chỉ có ở những hàng thánh cao quý như nhiều người quan niệm, mà là một trạng thái nhận thức trong đó người ta nhận ra một sự hiểu ngôn ngữ của ý nghĩa tuyệt đối. Tổ Không Hải đã xây dựng một phương thức rèn luyện thông qua thân, ngôn từ và tâm cho phép những hành giả đã thành tựu trong thực hành Chân ngôn tông nhận ra sự tồn tại của họ trong sự đồng nhất với đức Phật bản tôn Đại Nhật Như Lai (Dainichi - Mahâvairocana), chính là Pháp thân Phật.
Thông qua phương pháp Du già đồng nhất thân-khẩu-ý bản thân tương ưng với thân-khẩu-ý của một đức Phật, các hành giả Mật tông nhận ra bản tâm Phật của mình để từ đó mang nguồn năng lượng này làm lợi ích giải thoát, cứu độ chúng sinh. Không chỉ suy tư lý nghĩa, thiền quán sắc thân Phật, trì tụng mật chú, mà hành giả Mật tông còn hòa nhập với mandala cõi tịnh độ chư Phật thông qua việc cử hành các nghi lễ đàn tràng.
Tư tưởng của Không Hải về Đại thứ sáu
Thức (Tâm) là một trong những Đại cấu thành nên toàn bộ pháp giới. Trong tác phẩm Sokushin jôbutsu Gi (Thành tựu Phật quả tức thời ngay trong Thân Này - Buddhanood Immediately and in This Body), Không Hải đã cho rằng Thức là Đại thứ sáu khi ông viết: Các chủng tử tự cấu thành-thần-chú (bija-mantras) [của sáu yếu tố vĩ đại là: A Vi Ra Hûm Kham Hûm. Chữ chủng tử tự A về cơ bản có nghĩa là bản chất vô sinh của vạn pháp (âdyanutpâda), và là biểu trưng của Địa Đại. Chữ chủng tử tự Va [có trong chữ Vi] có nghĩa siêu vượt mọi ngôn ngữ, âm thanh (vâc), và là biểu trưng của Thủy đại. Sự thanh tịnh không tì vết (rajas) là chữ chủng tử tự Ra, biểu trưng của Hỏa Đại.
Bản chất không có khởi đầu, không có kết thúc (hetu) có trong chữ chủng tử tự Ha [tinh túy của chữ chủng tử tự Hûm], biểu trưng cho Phong đại. Đồng nhất với khoảng không gian rộng lớn vô bờ mé có trong chữ chủng tử tự Kham và biểu trưng cho Không đại.
“Ta là bậc tỉnh giác” – lời khẳng định thành tựu Pháp này được thể hiện trong chữ chủng tự Hum, biểu trưng cho Thức đại (Takagi và Dreitlein 40). Chư Phật là những bậc “tỉnh giác” và bất kỳ ai trong chúng ta cũng có khả năng chia sẻ trạng thái giác ngộ này bởi trạng thái này vốn là bản chất của tự nhiên.
Theo Không Hải, vũ trụ (Dharmakayâ) được cấu thành bởi sáu Đại (đất, nước, lửa, gió, không gian và tâm thức) và những Đại này có mối liên hệ hữu cơ gắn bó chặt chẽ với nhau. Với tư cách là con người, chúng ta được cấu thành bởi sáu Đại và do đó hoàn toàn hòa nhập với các yếu tố cấu thành vũ trụ bao gồm cả ‘tâm thức’ vũ trụ. Những yếu tố này cấu thành nên con người và chúng ta chính là sự hợp nhất của sáu đại. Đây là thực tại mà Không Hải mô tả. Thức tỉnh và thể nhập trạng thái chân lý cơ bản này là tông chỉ của giáo lý Mật tông dòng tu Shingon. Động cơ tu trì, chân ngôn, thần chú, đàn pháp trong dòng tu Shingon đều hướng tới tỉnh thức những yếu tố cấu thành con người chúng ta cùng mọi chúng sinh trong mọi nơi, mọi lúc trên khắp pháp giới.
Khi viếng thăm Núi Kôya và khi kinh hành trên con đường đến bảo tháp của Kobo Daishi, du khách hành hương có thể đọc được hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng nghìn bảo tháp luận giải tông chỉ tu trì như trên của dòng tu.
Các chữ chủng tử tự bằng tiếng Phạn hiện rõ trên mặt đá và biểu trưng cho những Đại tương ứng từ dưới lên: Hình vuông tương ứng với Địa đại và chữ chủng tự tự A, hình tiếp theo hình tròn tương ứng với Thủy đại và chữ chủng tự tự Bi v.v... Bản thân Thức đại không được mô tả theo phương thức như trên mà được hiển lộ trong tâm của chư Phật, hành giả hoặc khách hành hương. Với bản chất và sự vận hành như vậy, toàn bộ pháp giới bao gồm vô số các loại ký hiệu, biểu tượng khác nhau và đều là các Pháp được chư Phật hiển lộ và thuyết giảng trong trạng thái pháp thân. Không Hải đặc biệt quan tâm tới âm thanh trong pháp giới và bản chất của âm thanh hay sự rung động cũng như cách thức các âm thanh hiển lộ bản chất của chư Phật và năng lực hay diệu dụng của các loại âm thanh khác nhau để đối trị các loại phiền não đa dạng của chúng sinh, để mang lại lợi ích giải thoát cho vô số chúng sinh đang bị dày vò bởi vô số những loại phiền não, khổ đau khác nhau.
Dựa trên giáo lý dòng truyền thừa thụ nhận từ các tổ Mật tông Trung Quốc, Không Hải quan niệm mỗi vị Phật bản tôn là một phần của Mandala Thai tạng giới biểu trưng cho tâm từ bi và lan tỏa khắp thế giới hiện tượng, duyên sinh hay thuật ngữ thường gọi thế giới hữu vi, hoặc là một phần của Mandala Kim cương giới biểu trưng cho trí tuệ và lan tỏa trong bản thể của thế giới hay trong mọi pháp vô vi. Mỗi vị Phật bản tôn có một một chữ chủng tử tự bằng tiếng Phạn là tinh túy trạng thái giác ngộ của mình. Ba hình ảnh của Mandala Kim cương giới với hình ảnh đầu tiên chính là mandala, tiếp theo là danh hiệu của vị Phật bản tôn và cuối cùng là hình ảnh chủng tử tự của ngài.
Lấy từ Vũ trụ Mandalas thiền quán và tụng trì những chủng tự tự này đã kiến lập một ‘cánh cổng’ (monji) để hành giả có thể kết nối với thân, khẩu, ý của chư Phật, trải nghiệp hòa nhập tâm tỉnh giác của đức Phật. Việc thiền quán sắc thân của đức Phật trong Mandala cùng với trì tụng các âm chủng tử tự làm rung động các nguồn năng lượng ẩn tàng nơi tế bào của mỗi người.
Nhiều học giả mô tả đây là phương thức tu trì “thánh hóa” mọi hiện tướng bên ngoài cũng như bên trong thân tâm mỗi người. Không Hải đã chỉ ra những hạn hẹp của ngôn ngữ mà con người sử dụng thường ngày, đồng thời khẳng định các biểu tượng, ký hiệu trong vũ trụ, mà tinh túy là các chữ chủng tử tự cùng các âm thanh mỗi chủng tử, cần được thức tỉnh, trì tụng để mỗi hành giả có thể hòa nhập một cách trọn vẹn với bản thể chân thực của mình. Đây chính là một trong những lý do tông phái mà ông xiển dương được gọi là Chân ngôn tông.
Thiền quán về chữ chủng tử tự A (Aji-kan meditation)
Thiền quán trên chữ chủng tử tự A (phát âm là Ah) là một phương pháp thiền của Chân ngôn tông đã được nhiều thế hệ học giả, hành giả nghiên cứu và luận giảng, nhưng lý nghĩa thâm sâu nhất của phương pháp này được đặt trong bối cảnh kinh nghiệm toàn diện và suy tư sâu sắc của Không Hải về bản chất của vũ trụ và “Lời nói từ Chân như hay Âm thanh giác ngộ”; (T&D 103). Chữ Phạn A là âm thanh chủng tử của Đức Phật Đại Nhật Như Lai (Mahâvairocana Buddha) và do đó thể hiện bản chất bất sinh, bất diệt, phi nhị nguyên, mang lại cho các hành giả cơ hội trải nghiệm sự hợp nhất thân-khẩu-ý giác ngộ của chư Phật nơi chính thân-khẩu-ý của mình. Trong cách luận giải của mình, Không Hải cũng gọi chữ chủng tử “A” là “âm thanh khởi nguyên” mang hàm ý bất sinh, bất diệt của pháp giới. (T&D 136).
Ở mức độ bên ngoài, những người sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh ngày nay đều thống nhất chữ A là chữ cái đầu tiên trong bảng chữ cái. Không Hải đã gọi chữ chủng tử tự A là “mẹ của mọi chữ cái, bản chất của mọi âm thanh, và là nguồn gốc của mọi phương diện trong pháp giới” (130-131). Hơn nữa, trong tác phẩm Ý nghĩa của Âm thanh,Chữ cái và Thực tại (The Meanings of Sound, Letter and Reality), Không Hải cho rằng: Âm gốc của bảng chữ cái tiếng Phạn là âm của chữ A. Nó hiện diện trong mọi âm thanh, ngay từ thời điểm chúng ta mở miệng phát ra âm thanh. Âm thanh của chữ A hiển lộ bản chất của Pháp thân (Dharmakâya).
Từ sự luận giải như trên, chúng ta có thể thấy bản chất vạn pháp được chứa đựng trong ý nghĩa tuyệt đối của chữ A. Việc phát âm thanh Ah ngay khi bắt đầu trì tụng mật chứ đã chứa đựng đầy đủ năm Đại trong vũ trụ gồm: Đất, nước, gió, lửa và không gian trong đó âm A tương ứng với Địa đại, âm Va/Bi tương ứng với Thủy đại, âm Ra tương ứng với Hỏa đại, âm Ha/Un tương ứng với Phong đại và Âm Kha/khen tương ứng với Không đại. Cuối cùng, thời điểm khi hành giả ngậm miệng, kết thúc trong âm trì tụng cuối cùng là Hum, tương ứng với Thức đại.
Vì chữ chủng tử tự A là nguồn gốc và bản chất của vũ trụ, trong đó chứa đựng tất cả các yếu tố (đất, nước, lửa, không gian gió và tâm trí) và được thiền quán qua sáu âm tiết trì tụng rung động liên tục tương ứng với sáu đại: A-va-ra-ha-kha-hum.
Trong thực hành Chân ngôn tông Shingon, phương pháp thiền quán và trì tụng chữ chủng tử tự A được hành trì rộng rãi và bảo trì qua nhiều thế hệ. Sau khi được thiền quán và trì tụng như trên, chữ chủng tử tự A được thiền quán hòa tan vào khắp thân tâm hành giả, rồi lan tỏa tới khắp pháp giới. Các chi tiết khác của thiền quán cần phải được luận giải trực tiếp của bậc thầy tới người đệ tử.
Phần kết luận
Hệ thống chữ Phạn và chữ Tất-đàm (Siddham) là trung tâm trong tư tưởng của Không Hải Đại sư. Trong luận giải của ông về ‘ngôn ngữ chân như hay âm thanh của chư Phật’, Không Hải cuối cùng đã thâu nhiếp toàn bộ lý nghĩa của thần chú và mạn đà la thành sự tỉnh thức của toàn bộ các giác quan. Trong khi diễn giải của mình, bằng kinh nghiệm tu trì, ông đưa âm thanh, chữ cái và biểu tượng trở thành một thực thể thống nhất và hệ thống hóa thành những phương pháp tu trì cho hàng hậu học.
Phương pháp tu trì của Mật tông sử dụng Pháp Du già đồng nhất với thực tại tối thượng thông qua: Thiền quán hợp nhất với thân Phật; trì tụng thần chú hợp nhất với khẩu chư Phật và quán tưởng các mô hình mandala để hợp nhất với tâm giác ngộ của chư Phật. Như vậy toàn bộ thân-khẩu-ý của hành giả trở nên tràn đầy những năng lượng giác ngộ.
Tác giả: Anh Vũ La Sơn Phúc Cường dịch, tổng hợp
***
Nguồn: Barbara Morrison, Kukai’s Innovations and Efforts in Introducing Vajrayâna Buddhism in Japan, Bhutan Vajrayana conference, 2016.
Tài liệu tham khảo
Abe, Ryuichi. The Weaving of Mantra: Kûkai and the Construction of Esoteric Buddhist Discourse. Columbia UP: NY, 1999.Print.
Grotenhuis, Elizabeth ten. Japanese Mandalas: Representations of Sacred Geography. University of Hawaii Press: Honolulu, 1999. Print.
Kukai on the Philosophy of Language. trans. Shingen Takagi and Thomas Dreitlein. Keio University Press: Tokyo, 2010. Print.
Universe of Mandalas: Buddhist Divinities in Shingon Esoteric Buddhism. Museum of Tôji Temple: Kyoto. 1995. Print.
Nicoloff, Philip L. Sacred Kôyasan: A Pilgrimage to the Mountain Temple of Saint Kôbô Daishi and the Great Sun Buddha. State University of New York Press: Albany. 2008 Print.
Rambelli, Fabio. A Buddhist Theory of Semiotics: Signs, Ontology and Salvation in Japanese Esoteric Buddhism. Bloomsbury: London. 2013. Print.
Winfield, Pamela, D. Icons and Iconoclasm in Japanese Buddhism: Kûkai and Dôgen on the Art of Enlightenment. OxfordUP: NYC, 2013. Print.
Yamasaki, Taikô. Shingon: Japanese Esoteric Buddhism. Trans. Richard and Cynthia Peterson. Shambala: Fresno, 1996. Print.
Nguồn Tạp chí Phật học : https://tapchinghiencuuphathoc.vn/khong-ha-i-dai-su-va-truyen-thua-phat-giao-mat-tong-tai-nhat-ban.html