Không hình sự hóa, doanh nghiệp tư nhân tự tin vươn mình

Không hình sự hóa, doanh nghiệp tư nhân tự tin vươn mình
3 giờ trướcBài gốc
Từ lâu, doanh nghiệp tư nhân đã được xác định là một động lực quan trọng trong nền kinh tế. Tuy nhiên để đưa khu vực kinh tế tư nhân trở thành ngọn cờ đầu trên mặt trận kinh tế, không chỉ cần thay đổi tư duy và chính sách, mà còn cần cải cách mạnh mẽ về thể chế, cơ chế thực thi và một hệ sinh thái kinh doanh minh bạch, hiệu quả, đồng hành cùng doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp tư nhân lo ngại khi ranh giới giữa hành vi vi phạm dân sự và bị truy cứu trách nhiệm hình sự vẫn còn mập mờ. Nhưng Nghị quyết 68 mới đây đã khẳng định không hình sự hóa quan hệ kinh tế - dân sự.
Với chủ trương tạo điều kiện đột phá cho kinh tế tư nhân, Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị đã đặt ra nhiều quy định mới, cụ thể hơn nhằm thể hiện sự cân bằng giữa yêu cầu bảo vệ pháp luật và thúc đẩy môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch. Nhiều chuyên gia bày tỏ sự lạc quan Nghị quyết 68 sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển bền vững.
Hiện trong 940.000 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động, 5 triệu hộ kinh doanh cá thể và hàng chục triệu lao động, khu vực này đã đóng góp khoảng 50% GDP, 30% thu ngân sách và hơn 80% việc làm cho toàn xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản khiến khu vực này chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, trong đó có trở ngại về pháp lý. Nhiều doanh nghiệp hoạt động luôn nơm nớp nỗi lo bị xử lý hình sự, thậm chí ngần ngại mở rộng vì sợ “lớn nhanh sẽ gặp rủi ro pháp lý”.
TS Trần Minh Sơn, chuyên viên cao cấp Bộ Tư pháp, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Trung tâm Trọng tài thương mại Quốc tế Pacc cho biết: “Quy định pháp luật của chúng ta lâu nay chưa rõ ràng ở những yếu tố xác định đâu là tội phạm hình sự, đâu là dân sự kinh tế. Điều đó dẫn đến nhập nhằng giữa vi phạm pháp luật hình sự và vi phạm về nghĩa vụ của các chủ thể quan hệ pháp luật kinh tế với nhau”.
Nghị quyết 68 đã yêu cầu sửa đổi các quy định pháp luật để bảo đảm nguyên tắc khi xử lý các sai phạm, vụ việc về dân sự kinh tế, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước; cho phép các doanh nghiệp, doanh nhân được chủ động khắc phục sai phạm, thiệt hại.
Trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì kiên quyết không áp dụng xử lý hình sự. Trường hợp đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế trước và là căn cứ quan trọng để xem xét các biện pháp xử lý tiếp theo.
Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhìn nhận: "Nghị quyết 68 quy định rất rõ những biện pháp quyết liệt về việc không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, đồng thời với đó là hạn chế yêu cầu phải phối hợp thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp. Nghị quyết cũng nêu rõ, đối với doanh nghiệp chỉ bị thanh tra một lần trong mỗi năm, trừ những trường hợp có dấu hiệu vi phạm. Tôi cho rằng đây là giải pháp gỡ khó cho hạn chế doanh nghiệp không muốn lớn vì càng lớn nhiều, càng mở rộng kinh doanh thì rủi ro pháp lý gặp phải càng nhiều".
Luật sư Nguyễn Văn Chiến - Đại biểu Quốc hội khóa XIV phân tích: “Khi doanh nghiệp hay cá nhân có sai phạm phải tách biệt sai phạm của ai để xử lý cá nhân đó. Không phải vì một cá nhân mà đến tịch thu toàn bộ tài liệu, giấy tờ khiến cả doanh nghiệp đình trệ. Khi đó, doanh nghiệp hàng nghìn người sẽ bị ảnh hưởng lớn”.
Sự minh bạch về pháp lý tại Nghị quyết 68 chính là điểm tựa để doanh nghiệp phát triển bền vững thay vì đầu tư ngắn hạn, chụp giật, tận dụng kẽ hở.
Ông Thân Đức Việt, Phó Chủ tịch HANOISME, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết: "Nghị quyết 68 đã đưa ra những quy định bảo vệ quyền sở hữu, quyền kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp và không hình sự hóa các mối quan hệ không phạm pháp. Ở đây, chúng ta thấy được sự thay đổi rất lớn trong nhận thức, tư tưởng, những định kiến đối với doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt khi Đảng, Nhà nước cũng nhận thức được kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế".
Không hình sự hóa quan hệ kinh tế không chỉ là tinh thần pháp lý, mà là niềm tin để doanh nhân bước tiếp, để doanh nghiệp dám lớn, dám đổi mới. Khi niềm tin trở lại, sẽ có những cánh chim đầu đàn dẫn dắt, tạo sức bật cho toàn khu vực kinh tế tư nhân.
Kim Oanh
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/khong-hinh-su-hoa-doanh-nghiep-tu-nhan-tu-tin-vuon-minh-331604.htm