Phải làm thế nào? Phụ huynh lo lắng vì con không còn được học thêm
Ngày 11/2, Bộ Giáo dục và Đào tạo có Công văn số 545/BGDĐT-GDTrH gửi ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường chỉ đạo đối với giáo dục phổ thông. Trước đó, dư luận đặc biệt quan tâm tới quy định tại Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ ngày 14/2/2025.
Theo Thông tư mới ban hành, các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm gồm: Không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.
Thực tế, về phía cơ quan quản lý, đây là hành động kịp thời, thể hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 10/CĐ-TTg ngày 07/02/2025 về tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh trung học cơ sở, tuyển sinh trung học phổ thông và quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm thuộc thẩm quyền, bảo đảm phù hợp với thực tế của địa phương và các quy định hiện hành.
Tuy nhiên, thực tế, nhiều bậc phụ huynh và học sinh lớp 9 đều đang cảm thấy hoang mang, lo lắng, khi "đùng một cái", ngừng học thêm. Hầu hết các học sinh đều được dừng tất cả các loại hình học thêm ngay sau Tết. Điều này ít nhiều đã tạo ra nhiều ảnh hưởng đến quá trình ôn thi vào lớp 10 của các em.
Mặc dù, theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục Đào tạo gửi tới các trường yêu cầu tuyệt đối không buông lỏng việc tổ chức ôn tập, bồi dưỡng cho những học sinh có kết quả học tập ở mức chưa đạt; tổ chức cho học sinh lớp cuối cấp tăng cường ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường, xác định đây là trách nhiệm của các nhà trường để giúp học sinh đáp ứng các yêu cầu cần đạt theo từng môn học của từng khối lớp theo quy định.
Một năm học đang có rất nhiều sự xáo trộn?
Đặc biệt, năm học 2024-2025 cũng là năm mà Chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai thực hiện trong toàn bậc học phổ thông từ lớp 1 đến lớp 12 với những thay đổi căn bản từ chương trình định hướng nội dung sang chương trình định hướng phát triển phẩm chất năng lực học sinh.
Mặc dù, thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành nhiều văn bản quy định, hướng dẫn về thực hiện hiệu quả quản trị nhà trường, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, thực hiện công tác tuyển sinh đầu cấp và thi tốt nghiệp trung học phổ thông… theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đề ra.
Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh vẫn cảm thấy lo lắng vì chất lượng học ôn thi trên lớp chưa đảm bảo yêu cầu và kỳ vọng của phụ huynh, đặc biệt là các con "2k10" (sinh năm 2010 - năm nay sẽ thi vào lớp 10 THPT) các trường có độ cạnh tranh đặc biệt cao trong năm học này.
Trước hết, việc ngừng học thêm đột ngột có thể khiến nhiều học sinh cảm thấy lo lắng, nhất là khi đã quen với sự hướng dẫn của giáo viên ngoài giờ. Những bạn phụ thuộc vào học thêm có thể gặp khó khăn trong việc tự ôn tập và hệ thống kiến thức. Bên cạnh đó, chương trình học trên lớp sẽ trở thành "quá tải" khi không thể một sớm một chiều "nhồi" kiến thức mới lẫn ôn đề luyện thi.
Tuy nhiên, theo quan điểm của nhiều giáo viên, đây cũng là cơ hội để học sinh rèn luyện khả năng tự học, tự tìm ra phương pháp hiệu quả và chủ động hơn trong việc tiếp cận kiến thức. Nếu có chiến lược ôn thi hợp lý, biết tận dụng tài liệu tham khảo, học nhóm hoặc nhờ thầy cô hướng dẫn khi cần, các em vẫn có thể đạt kết quả tốt.
Việc ngừng học thêm cũng đặt ra vấn đề về chất lượng thi cử. Nếu học sinh không thích nghi kịp, có thể ảnh hưởng đến điểm số và cơ hội vào trường mong muốn. Ngược lại, với những bạn có ý thức tự học tốt, điều này không phải là trở ngại lớn. Điều quan trọng là sự chủ động và tinh thần quyết tâm trong học tập.
Trong lúc các nhà trường, giáo viên còn đang nỗ lực sắp xếp các chương trình và điều chỉnh kế hoạch để có phương án tốt nhất, các bậc phụ huynh nên chủ động đồng hành, bồi dưỡng kiến thức cho con. Đặc biệt là các con năm nay thi vào lớp 10 THPT. Nghe nói, một số trường cũng đã có phương án triển khai dạy tăng cường dưới các hình thức khác, phụ huynh có thể đăng ký tự nguyện bằng cách viết đơn xin. Thực tế thế nào chỉ mong các nỗ lực có thể tạo ra kết quả tốt nhất cho học sinh "2k10".
Phụ huynh có thể chọn hình thức đăng ký tự nguyện để con được học thêm. Ảnh minh họa: PV.
Ngoài ra, phụ huynh cũng có thể tìm các chương trình luyện thi online, cùng tổ chức ôn tập trên tinh thần tự học, tìm thêm tài liệu để có thể cùng con tạo nên kết quả tốt nhất trong năm học đang có rất nhiều sự xáo trộn này.
Quang Minh