Chỉ số ô nhiễm không khí tại Hải Dương lúc 14 giờ ngày 6/1 là 175, cảnh báo đỏ, mức độ xấu
Theo Cổng thông tin quan trắc môi trường (Cục Kiểm soát ô nhiễm, Bộ Tài nguyên và Môi trường), chỉ số ô nhiễm không khí (AQI) đo tại TP Hải Dương lúc 14 giờ thứ hai 6/1 là 175, ở mức cảnh báo đỏ, chất lượng không khí xấu.
Trong khi đó, theo ứng dụng toàn cầu AirVisual, chỉ số AQI thời điểm này là 193, ở mức cảnh báo đỏ. Từ 0 giờ đến 13 giờ cùng ngày, chỉ số này luôn ở mức cảnh báo tím, AQI cao nhất lên tới 265 vào lúc 2-3 giờ. Chỉ số bụi mịn PM2.5 cũng ở mức rất cao là 115.1 µm/m3.
Trong khoảng 2 tháng qua, Hà Nội thường xuyên rơi vào tốp những thành phố lớn có chỉ số ô nhiễm không khí cao, ở mức báo động. Ngày 6/1, Hà Nội xếp thứ tư trong bảng xếp này theo, theo ứng dụng AirVisual. Cùng với nhiều tỉnh, thành phố, Hải Dương cũng thường xuyên nằm trong vùng có chỉ số ô nhiễm không khí cao.
Chỉ số ô nhiễm không khí ở TP Hải Dương nhiều thời điểm cảnh báo tím, rất không lành mạnh
Cả hai ứng dụng trên đều cảnh báo chỉ số ô nhiễm, bụi mịn như trên có hại cho sức khỏe, thậm chí với người bình thường cũng chịu tác động.
Theo ứng dụng AirVisual, chất lượng không khí từ nay đến hết ngày 9/1 dự báo tiếp tục ở mức xấu và kém (cảnh báo đỏ và cam).
Cục Quản lý Môi trường y tế đã khuyến cáo các biện pháp dự phòng, bảo vệ sức khỏe khi chỉ số chất lượng không khí ở mức xấu (mức 151 - 200).
Theo đó, đối với người bình thường, nên hạn chế hoạt động ngoài trời hoặc tham gia các hoạt động vận động cần gắng sức. Nếu phải làm việc, hoạt động ngoài trời nên bố trí, lựa chọn thời điểm ít bị ô nhiễm trong ngày, cần nghỉ ngơi nhiều hơn, thực hiện các hoạt động với cường độ vừa phải. Tránh hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí cao.
Nếu phải tham gia giao thông nên tăng cường sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng xe máy, xe đạp để giảm tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm.
Nên hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, gần khu vực bị ô nhiễm không khí.
Vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường. Tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Đối với những người nhạy cảm, tránh các hoạt động ngoài trời hoặc các hoạt động vận động cần gắng sức. Nên thực hiện các hoạt động như vận động, tập thể dục trong nhà. Hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng. Vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường. Tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ. Theo dõi sức khỏe, nếu xuất hiện các triệu chứng cấp tính như khó thở, ho, sốt cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và được tư vấn, điều trị.
NGÂN HẠNH