Minh chứng rõ nhất là liên tiếp trong nhiều ngày qua, hàng chục vụ bắt giữ một lượng không nhỏ hàng không có hóa đơn, chứng từ, từ mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, sữa, quần áo, giày dép… cho tới thực phẩm bẩn liên tiếp được công bố trên phạm vi cả nước.
Báo cáo mới nhất tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2025 và tổng kết đợt cao điểm đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ mới đây đã thống kê, trong 6 tháng qua, các đơn vị, địa phương đã bắt giữ, xử lý 50.736 vụ việc vi phạm trong lĩnh vực này.
Riêng trong tháng cao điểm (từ 15/5 đến 15/6/2025), các đơn vị, địa phương đã bắt giữ, xử lý 10.437 vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tăng 80,51% so với tháng trước đó. Nhiều vụ việc đã được Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) chuyển sang cơ quan điều tra vì có dấu hiệu hình sự.
Hàng giả đã và đang len lỏi vào đời sống thường nhật, từ bữa cơm gia đình đến toa thuốc chữa bệnh, từ quầy tạp hóa vùng quê đến hệ thống siêu thị hiện đại, trở thành mối đe dọa về an ninh kinh tế - xã hội. Hàng giả, hàng nhái cũng là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ chín vừa qua khi trích dẫn số liệu thống kê hơn 47.000 vụ được cơ quan chức năng phát hiện xử lý trong năm 2024, cùng nhận định cho rằng, hoạt động sản xuất buôn bán hàng giả, hàng nhái tiếp tục diễn biến phức tạp.
Với những doanh nghiệp làm ăn chân chính, nỗi lòng trước tình trạng sản phẩm làm ra bị làm giả, làm nhái nhiều năm được ông Huỳnh Đức Trọng, Giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa, chi nhánh TP.HCM bộc bạch: “Thời gian đầu, lúc sản phẩm của Công ty mới ra thị trường thì không có hàng giả, nhưng khi ‘miếng bánh ăn được’ lại bắt đầu xuất hiện hàng nhái, hàng giả đủ kiểu. Chúng tôi chi rất nhiều cho kiện tụng, bởi với doanh nghiệp làm hàng nhái, cứ bị kiện nhãn này, thì họ lại lấy nhãn khác làm tiếp. Điều này lý giải vì sao trên thị trường hiện có hơn 100 nhãn yến sào Khánh Hòa”.
Tình trạng thực phẩm giả, sữa giả, thuốc chữa bệnh giả hoành hành “nóng” tới mức, Thủ tướng Chính phủ đã phải yêu cầu mở đợt tấn công cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm bản quyền, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên toàn quốc. Trước diễn biến phức tạp, tinh vi của vấn nạn hàng giả, hàng nhái gây bức xúc trong dư luận xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành tiếp Công điện số 65/CĐ-TTg, sau đó là Công điện số 82- CĐ-TTg chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Thủ tướng Chính phủ nhìn nhận, qua phát hiện các vụ việc lớn về hàng giả cho thấy, một là do mất ý chí chiến đấu, bị mua chuộc; hai là, thiếu tinh thần trách nhiệm, không dám đấu tranh, không dám đương đầu với các đối tượng. "Việc này cần phải xử lý nghiêm theo các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước", Thủ tướng nêu.
Trên thực tế, trong chừng mực nào đó, chống hàng gian, hàng giả là cuộc chiến không cân sức, bởi lực lượng thực thi pháp luật hiện mỏng, người tiêu dùng thường có tâm lý thích mua sản phẩm được bán với giá rẻ. Đó là chưa kể chế tài xử lý hành vi sai phạm chưa đủ sức răn đe; tại một số địa phương, hiệu quả đấu tranh đạt thấp; công tác tổ chức, phân định chức năng, nhiệm vụ trong quản lý nhà nước còn chồng chéo, bỏ sót, có khoảng trống, có sự buông lỏng, nhất là trong hoạt động cấp phép và kiểm nghiệm và sản xuất thực phẩm. Bên cạnh đó, nhận thức, trách nhiệm của một số chính quyền địa phương, đơn vị, lực lượng chức năng chưa cao; công tác kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, triệt để, toàn diện, thậm chí có tình trạng tiếp tay, bảo kê cho các đối tượng vi phạm pháp luật…
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2025 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương diễn ra vào tuần trước, bên cạnh những kết quả đạt được, Chính phủ cũng chỉ ra một số tồn tại, trong đó nêu rõ, tình trạng buôn lậu, gian lận xuất xứ, hàng giả, không rõ nguồn gốc diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, “cuộc chiến” chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ cần được xem là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài, thường xuyên và phải “thực hiện không ngừng nghỉ, không có vùng cấm”- như Chính phủ đã yêu cầu. Có nghĩa, các lực lượng chức năng cần liên tục ra quân, không phải làm mạnh một đợt, một kỳ, một tháng, mà phải làm thường xuyên, xử lý một vụ để cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực; mỗi ngày đều là cao điểm.
Cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp cũng cần tích cực tham gia “cuộc chiến” để bảo vệ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình. Trong “cuộc chiến” đó, mỗi người dân không chỉ là “người tiêu dùng thông minh”, mà còn là một chiến sĩ "tuyên chiến không khoan nhượng" với tình trạng thuốc giả, thực phẩm giả để bảo vệ sức khỏe, tính mạng, quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, doanh nghiệp, qua đó góp phần đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững./.
Thế Hoàng