Không lái xe liên tục quá 4 giờ chỉ nên áp dụng xe chạy cung đường dài

Không lái xe liên tục quá 4 giờ chỉ nên áp dụng xe chạy cung đường dài
2 giờ trướcBài gốc
Sẽ thiếu rất nhiều lái xe
Theo quy định mới tại Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024, từ ngày 1/1/2025, tài xế không được lái xe quá 48 giờ trong một tuần, không được điều khiển xe quá 10 giờ trong một ngày và không lái xe liên tục quá 4 giờ.
Đại diện doanh nghiệp vận tải và chuyên gia cho rằng quy định này là một phần quan trọng để đảm bảo an toàn giao thông và sức khỏe của lái xe cũng như người tham gia giao thông khác.
Đại diện doanh nghiệp vận tải và chuyên gia cho rằng quy định này là một phần quan trọng để đảm bảo an toàn giao thông và sức khỏe của lái xe cũng như người tham gia giao thông khác.
Vốn chuyên chạy xe khách cố định tuyến Thái Bình-Lai Châu, tài xế Lê Văn Hùng cho biết, hành trình giữa 2 điểm rơi vào khoảng 6-6h30 phút/lượt. Trên cung chặng này, doanh nghiệp vẫn chọn điểm dừng nghỉ ngơi cho cả tài xế và hành khách cả 30 phút để đỡ mệt mỏi với quãng đường dài tới 300km. Việc áp dụng sẽ tốt cho các tài xế, nhất là khi đi đường đèo núi, khu đông dân cư...
“Thời gian nghỉ ngơi 15 phút giúp tài xế đỡ mệt mỏi, tỉnh táo làm việc đồng thời ăn uống nhẹ nhàng nhằm nạp thêm năng lượng để có sức lái tiếp. Ngoài ra, hệ thống máy móc động cơ, phanh xe, lốp, đèn xe...cần ở trạng thái tốt và hoạt động ổn định sau một quãng đường dài”, anh Hùng chia sẻ.
Với tuyến xe khách đường dài, theo anh Hùng doanh nghiệp vận tải đều bố trí 2 tài xế thay nhau lái để đảm bảo an toàn. Tài xế mệt, căng thẳng ngay lập tức yêu cầu đổi tài nhằm có thời gian nghỉ ngơi thì sau mỗi hành trình đầu óc cũng sẽ thoải mái và tỉnh táo hơn.
Trong khi đó, đại diện Công ty Vận tải Hải Linh (Thanh Hóa) cho rằng, quy định lái xe liên tục quá 4 tiếng chỉ áp dụng cung đường dài, không xảy ra ùn tắc.
Trong khi hạ tầng giao thông liên tục chịu tác động của ùn tắc, có thời điểm cung đường ngắn nhưng qua nội đô ùn tắc 2-3 tiếng mà chiểu theo quy định này thì tài xế sẽ vi phạm.
Việc áp dụng quy định sẽ tốt cho các tài xế, nhất là khi đi đường đèo núi, khu đông dân cư.
Đơn cử như tuyến xe khách từ Thanh Hóa- Hà Nội, nếu chạy bình thường chỉ khoảng 4 tiếng nhưng qua Hà Nội có thời điểm ùn tắc mất cả tiếng thì tài xế phải dừng nghỉ, xong mới tiếp tục đi.
“Với quy định này, các doanh nghiệp vận tải chắc chắn phải bố trí 2 tài xế, điều đó sẽ kéo theo chi phí tăng cho đơn vị. Dù điều kiện khó khăn về lái xe, nhưng là quy định để đảm bảo an toàn giao thông thì phải chấp hành nghiêm”, đại diện doanh nghiệp chia sẻ.
Chia sẻ lo lắng với doanh nghiệp vận tải
Chuyên gia giao thông- Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, quy định tài xế không lái xe liên tục quá 4 giờ là hoàn toàn đúng đắn và hợp lý vì các lái xe thông thường chỉ lái 2-3 tiếng dừng nghỉ ngơi để lấy sức khỏe ổn định để lái tiếp, cũng rất ít người lái một mạch 4 tiếng liên tục.
“Với lái xe là công việc nặng nhọc, căng thẳng thần kinh nên cho phép lái xe 8 tiếng trong ngày là quá nhiều và để đảm bảo sức khỏe lái xe ổn định trong thời gian dài đó là rất cần thiết. Quy định này để đảm bảo an toàn cho hành khách và người tham gia giao thông, đúng với quan điểm sinh mạng con người là cao nhất nên các hoạt động vận tải trước tiên phải vì an toàn”, ông Tạo nói.
Ông Tạo cũng khuyến cáo doanh nghiệp cũng cần tăng cường trách nhiệm giám sát thời gian lái xe để đảm bảo an toàn, nếu để xảy ra tai nạn doanh nghiệp sẽ bị thất thu, lợi nhuận giảm và bị truy cứu trách nhiệm để xảy ra tai nạn giao thông. Ngoài ra, giám sát giao thông do Bộ Công an quản lý qua hệ thống công nghệ và hoàn toàn có thể trích xuất dữ liệu để xử lý các sai phạm với những tài xế lái quá thời gian quy định.
Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề nghị các tuyến đường cao tốc cần nhanh chóng được xây dựng, nâng cấp theo quy mô đảm bảo tiêu chuẩn có làn dừng khẩn cấp liên tục, có trạm dừng nghỉ đạt yêu cầu cho tài xế và hành khách và xe có thời gian nghỉ ngơi.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) cho rằng, quy định lái xe không vượt quá 48h mỗi tuần, 10h mỗi ngày và 4h liên tục khiến nhiều doanh nghiệp vận tải khó khăn.
Từ thực tế các doanh nghiệp, số tài xế xe tải và xe khách đang thiếu và càng khó hơn nếu cần tuyển các tài xế ô tô giường nằm, xe container. Khi doanh nghiệp vận tải phát sinh thêm chi phí, chắc chắn giá hàng hóa và sức cạnh tranh của nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng.
Theo ông Quyền, quy định không chạy liên tục quá 4 giờ và không quá 10 giờ/ngày là hợp lý. Tuy nhiên, cơ quan quản lý nên cho phép tài xế có thêm giờ lái xe trong tuần. Điều này phù hợp với quy định, bởi Luật Lao động cho phép người lao động được làm thêm giờ (300 giờ/năm).
“Chẳng hạn lái xe dự kiến hành trình quãng đường đó chỉ 4 tiếng, nhưng ùn tắc giao thông khiến lái xe không chủ động được. Cùng với đó, theo quy định chỉ được lái xe 4h đồng hồ thì đang đi trên đường cao tốc lại hết thời gian lái xe không được phép dừng.
Từ những phân tích nêu trên, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam kiến nghị 3 nội dung: Thứ nhất, cơ quan chức năng cần xem xét cho một dung sai nhất định ở mức dưới 10%. Nghĩa là nếu lái xe vượt quá 10% quy định của 4h liên tục thì mới xử phạt.
Thứ hai, thời gian lái xe trong tuần thì cũng nên tham khảo từ các nước và Hiệp hội kiến nghị nâng lên ở mức lái xe với thời gian từ 55 – 60h/tuần.
Thứ ba, trong trường hợp vi phạm, nếu xử phạt cả lái xe và xử phạt cả doanh nghiệp vận tải là không phù hợp. Bởi về nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính thì ai vi phạm chỉ xử phạt người đó.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề nghị các tuyến đường cao tốc cần nhanh chóng được xây dựng, nâng cấp theo quy mô đảm bảo tiêu chuẩn có làn dừng khẩn cấp liên tục, có trạm dừng nghỉ đạt yêu cầu cho tài xế và hành khách và xe có thời gian nghỉ ngơi.
Phi Long/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/xa-hoi/khong-lai-xe-lien-tuc-qua-4-gio-chi-nen-ap-dung-xe-chay-cung-duong-dai-post1149773.vov