Không làm chủ được công nghệ, báo chí chắc chắn sẽ tụt hậu

Không làm chủ được công nghệ, báo chí chắc chắn sẽ tụt hậu
3 giờ trướcBài gốc
LTS: Sự phát triển vũ bão của công nghệ số đang thúc đẩy một cuộc cách mạng trong cách thức sản xuất, phân phối và tiêu thụ thông tin. Trong xu hướng chuyển dịch mọi hoạt động lên môi trường số, độc giả ngày càng ưu tiên các nền tảng điện tử, mạng xã hội và ứng dụng di động, thay vì báo in, truyền hình, truyền thanh truyền thống. Thay đổi này đã và đang đặt ra thách thức vô cùng lớn, buộc các cơ quan báo chí, truyền thông phải không ngừng chạy đua, đầu tư vào công nghệ, xây dựng các sản phẩm theo hướng đa phương tiện, tập trung nhiều vào tương tác với người dùng.
Bên cạnh đó, việc quản lý báo chí cũng đòi hỏi một cách tiếp cận mới với công nghệ đóng vai trò then chốt. Trong năm 2024, các cơ quan quản lý đã chủ động áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến để đối phó với những thách thức như tin giả, thông tin xấu độc và sự bùng nổ của các nền tảng xuyên biên giới.
Nhân dịp Hội nghị tổng kết công tác báo chí toàn quốc năm 2024, báo VietNamNet khởi đăng loạt bài "Báo chí song hành cùng công nghệ".
Báo điện tử VTC News là một trong 10 cơ quan báo chí chuyển đổi số xuất sắc trong năm 2023. Là người đứng đầu tờ báo, ông đánh giá thế nào về vai trò của công nghệ đối với báo chí hiện nay?
Lâu nay, người ta thường nói ''nội dung là vua, còn công nghệ là nữ hoàng'' của trang báo điện tử. Tuy nhiên, theo tôi thời điểm hiện nay, công nghệ còn quan trọng hơn nội dung rất nhiều.
Bởi vì thực tế, nhiều trang báo có nội dung rất hay nhưng không ai vào đọc. Trong khi đó nhiều người làm Tiktok với nội dung rất đời thường, thậm chí là ''tầm phào'' nhưng gặt hái hàng triệu view cho mỗi clip ngắn.
Điều dẫn đến nghịch lý trên là vì công nghệ của các nền tảng xã hội đã vượt rất xa so với báo chí. Mạng xã hội sử dụng trí tuệ nhân tạo nắm bắt xu hướng thông tin trong từng thời điểm, thậm chí hiểu được nhu cầu thông tin của từng người…
Ông Ngô Văn Hải - Tổng Biên tập Báo điện tử VTC News.
Thực tế đó càng cho thấy ngoài việc làm tốt nội dung, báo chí phải làm chủ công nghệ để thực hiện tốt hơn vai trò của mình?
Tất nhiên, có những nội dung hay, đặc sắc thì tốc độ lan truyền rất khủng khiếp. Nhưng báo chí cũng phải tiết chế, cân nhắc đăng tải những nội dung, không thể đăng tải sốc như mạng xã hội. Trong thời kỳ cạnh tranh thông tin khốc liệt với mạng xã hội như hiện nay, báo chí càng phải trở về giá trị cốt lõi thì mới cứu sống được mình.
Báo chí muốn lấn lướt được thông tin trên mạng xã hội thì càng phải hiểu công nghệ thông tin. Bởi vì nếu chúng ta không hiểu được mạng xã hội thì làm sao thắng được họ. Nếu chúng ta không nắm chắc công nghệ thì chắc chắn sẽ tụt hậu. Do vậy, báo chí phải làm chủ công nghệ để thực hiện tốt hơn vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình.
Trước đây, ''vũ khí'' của báo chí là trang giấy, cây bút thì nay còn thêm công nghệ, mà chủ yếu là công nghệ số. Do vậy, có thể nói công nghệ và nội dung báo chí là hai mảng không thể tách rời, thưa ông?
Nhiều năm nay, chúng tôi đã áp dụng công nghệ vào quản trị tòa soạn và quản trị nội dung. Cụ thể, hơn 7 năm qua, chúng tôi đã tin học hóa các quy trình hoạt động của tòa soạn. Các văn bản hành chính từ nghỉ phép đến quản lý nhân sự, quản lý công việc hằng ngày đều đưa lên môi trường mạng. Như vậy, tôi mới nắm được hết công việc của tòa soạn để điều hành.
Quản trị nội dung trang báo là nhiệm vụ rất nặng nề, đòi hỏi từ lãnh đạo cơ quan báo chí đến mỗi phóng viên, biên tập viên đều phải hiểu công nghệ, nắm vững được công nghệ để không bị tụt hậu. Báo chí có thể áp dụng công nghệ để tối ưu hóa quy trình sản xuất, như vậy không bị chồng chéo chức năng nhiệm vụ giữa các phòng, ban, tiết kiệm được nhân lực sản xuất.
Chúng ta cũng có thể tích hợp trí tuệ nhân tạo để nắm bắt xu hướng người đọc, để tập trung nguồn lực vào sản xuất nội dung. Tất nhiên, trước hết báo chí vẫn phải đảm bảo tôn chỉ mục đích, đảm bảo chức năng, nhiệm vụ và từ ‘hành lang’ đó có thể tự do sáng tạo nội dung theo xu hướng bạn đọc.
Hiện nay, chúng tôi có thể dùng trí tuệ nhân tạo để tường thuật nội dung một trận bóng hay dùng trí tuệ nhân tạo để làm bài phân tích số liệu. Tất nhiên, trong các khâu sản xuất nội dung vẫn cần sự giám sát của con người.
Ngay cả chức năng truyền thông chính sách của báo chí, nếu áp dụng công nghệ để thực hiện sẽ hiệu quả hơn rất nhiều, thưa ông?
Chúng ta có thể thấy những thông tin về chủ trương tinh gọn bộ máy đang thực hiện được nhân dân nắm rất rõ và đồng thuận cao. Có được kết quả như vậy, phần nào đó báo chí đã phát huy tốt chức năng nhiệm vụ truyền thông của mình.
Thậm chí nhiều tờ báo áp dụng công nghệ để lan tỏa thông tin hấp dẫn bạn đọc trên môi trường mạng. Điều đó cho thấy nếu chúng ta nắm chắc được công nghệ, dựa vào xu hướng trên mạng xã hội thì cách làm truyền thông chính sách không còn khô cứng.
Như vậy, có thể nói, nếu không nắm chắc công nghệ, báo chí chắc chắn sẽ tụt hậu, bởi vì báo chí cũng không nằm ngoài xu hướng chuyển đổi số của cả xã hội hiện nay. Để báo chí chuyển đổi số thành công, vai trò ''bà đỡ'' của Bộ Thông tin và Truyền thông là cực kỳ quan trọng. Nhiều năm qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có nhiều chương trình đào tạo, tập huấn và định hướng về mặt công nghệ để cơ quan báo chí chuyển đổi số.
Quang Phong
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/khong-lam-chu-duoc-cong-nghe-bao-chi-chac-chan-se-tut-hau-2349550.html