Không làm 'sống lại' những tồn tại trước đây

Không làm 'sống lại' những tồn tại trước đây
3 giờ trướcBài gốc
Sau hơn 3 năm thực hiện Luật PPP, hiện có 31 dự án mới đang được triển khai thực hiện và 11 dự án đang chuẩn bị đầu tư theo phương thức PPP
Các chính sách nêu trên được đưa ra trong bối cảnh Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư mới chỉ thực hiện được hơn 3 năm - khá ngắn so với “tuổi thọ” của một đạo luật từng được kỳ vọng sẽ tạo đột phá trong thu hút nguồn lực tư nhân vào phát triển các lĩnh vực hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và cả nước.
Điều đáng nói hơn là, dự luật đề xuất sửa đổi khá nhiều chính sách phức tạp, có phạm vi tác động rộng hoặc đang được thực hiện thí điểm tại một số địa phương mà chưa được tổng kết, đánh giá toàn diện, như: áp dụng loại hợp đồng BT thanh toán cho nhà đầu tư bằng quyền thực hiện dự án tại vùng phụ cận các điểm kết nối giao thông và các tuyến giao thông có tiềm năng phát triển theo mô hình TOD; áp dụng loại hợp đồng BT thanh toán bằng tài sản công; áp dụng loại hợp đồng BOT đối với dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng công trình hiện hữu...
Một số đề xuất cụ thể khiến không chỉ cơ quan chủ trì thẩm tra - Ủy ban Kinh tế - mà cả cơ quan thẩm định của Chính phủ là Bộ Tư pháp cũng đều thấy băn khoăn. Thường trực Ủy ban Kinh tế, khi thẩm tra đề xuất xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu, đã kiến nghị tách việc sửa đổi, bổ sung các nội dung của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư thành một luật riêng để có thể xem xét, đánh giá thận trọng, chắc chắn nhằm đạt yêu cầu cao về chất lượng, bám sát và kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Còn với Bộ Tư pháp, báo cáo thẩm định dự án Luật chỉ ra khá nhiều vấn đề cần được đánh giá kỹ lưỡng hơn. Đơn cử như với đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 101 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư nhằm xử lý đối với các dự án BOT, BT chuyển tiếp, đánh giá dự thảo Luật “mới chỉ dừng ở việc xử lý theo pháp luật hành chính”, Bộ Tư pháp đặt vấn đề: “nếu liên quan pháp luật dân sự, thậm chí pháp luật hình sự thì như thế nào? Quy định như vậy có thực sự phù hợp với chủ trương không hợp thức hóa các vi phạm, không để phát sinh sai phạm mới?”. Trong khi đó, Nghị quyết số 126/NQ-CP của Chính phủ đã yêu cầu: “đánh giá đầy đủ khó khăn, vướng mắc, xác định đúng những trường hợp cần có quy định chuyển tiếp để xử lý trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai tại một số tỉnh, thành phố”. Hay các đề xuất sửa đổi, bổ sung liên quan đến hợp đồng BT thanh toán bằng quỹ đất và hợp đồng BT thanh toán bằng ngân sách nhà nước; hợp đồng BT không yêu cầu thanh toán tại khoản 2c Điều 11, khoản 2a Điều 45 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư... cũng là những nội dung được cơ quan thẩm định đề nghị cần phải rà soát rất kỹ lưỡng để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Tại Phiên họp thứ 37 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu vào chương trình Kỳ họp thứ Tám tới. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu phải rà soát kỹ lưỡng các nội dung dự kiến sửa đổi, "tập trung xử lý những vấn đề vướng mắc, thực sự cần thiết, cấp bách để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đã rõ, có sự đồng thuận cao để xây dựng, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật".
Với các vướng mắc, bất cập của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chỉ xem xét sửa đổi các nội dung vướng mắc thực sự cấp bách, cản trở sự phát triển cần sửa ngay và các nội dung để bảo đảm đồng bộ với các quy định được sửa đổi, bổ sung của các luật còn lại; đồng thời tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi toàn diện Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư để thể chế hóa đầy đủ chủ trương, quan điểm của Đảng, đặc biệt là Kết luận số 93-KL/TW ngày 26.8.2024 của Bộ Chính trị, khắc phục các bất cập, đáp ứng yêu cầu phát triển, sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Sự kỹ lưỡng, thận trọng và quan điểm rõ ràng nêu trên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là hết sức cần thiết, đúng đắn và cần phải được quán triệt sâu sắc không chỉ với Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư mà còn với các luật khác đang được đề xuất sửa đổi. Phải hết sức tránh nguy cơ "sửa được vướng mắc này lại phát sinh vướng mắc khác" hoặc hợp thức hóa những sai phạm, làm "sống lại" những tồn tại, hạn chế trước đây. Có như vậy, nỗ lực của cả Chính phủ và Quốc hội trong việc khắc phục ngay những bất cập, vướng mắc về thể chế pháp luật mới thực sự đem lại những “trái ngọt”, gỡ được những điểm nghẽn, khơi thông được các nguồn lực phát triển trong bối cảnh nền kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn hiện nay.
Nguyễn Bình
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/khong-lam-song-lai-nhung-ton-tai-truoc-day-post392094.html