Thực tế cho thấy, thời gian qua, nông nghiệp nước ta đã chứng tỏ là ngành kinh tế quan trọng, được xác định là “lợi thế quốc gia”, là “trụ đỡ” của nền kinh tế. Do đó, Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm đến việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách thuế nói chung và chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp nói riêng.
Chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp được thực hiện theo quy định của Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp năm 1993, tiếp đó nhiều văn bản cũng được ban hành liên quan đến vấn đề này. Qua 20 năm thực hiện chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp cho thấy, tổng số thuế sử dụng đất nông nghiệp miễn, giảm giai đoạn 2001 - 2010 trung bình khoảng 3.268,5 tỷ đồng/năm; giai đoạn từ 2011 - 2016 trung bình khoảng 6.308,3 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2017 - 2020 khoảng 7.438,5 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2021 - 2023 trung bình khoảng 7.500 tỷ đồng/năm. Nhờ có chính sách miễn, giảm thuế kịp thời này đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Ngoài việc hỗ trợ trực tiếp cho nông dân, chính sách miễn, giảm thuế cũng góp phần khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, phải thẳng thắn nhìn nhận các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp thời gian qua vẫn còn khiêm tốn khi trên 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động nhưng chỉ có tới 50 nghìn doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Điều này đặt ra yêu cầu, cần tiếp tục có chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp để thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển.
Nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế, dự thảo nghị quyết Chính phủ trình Quốc hội lần này đề xuất kéo dài thời gian thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết ngày 31.12.2030.
Theo tính toán, với đề xuất kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, như quy định hiện hành đến hết 31/12/2030, thì số thuế sử dụng đất nông nghiệp được miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm. Điều này không làm giảm nguồn thu ngân sách, bởi đây là chính sách đang được thực hiện trên thực tế.
Việc tiếp tục chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp là rất cần thiết trong điều kiện hiện nay. Bởi đây là hình thức hỗ trợ trực tiếp tới người nông dân, là nguồn đầu tư tài chính trực tiếp cho khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn để mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Qua đó giúp tạo công ăn việc làm cho người nông dân, cải thiện cuộc sống, gắn bó với hoạt động sản xuất; khuyến khích đầu tư, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững.
Việc tiếp tục thực hiện chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo được cú huých đối với lĩnh vực nông nghiệp trong sự cạnh tranh khốc liệt như hiện nay. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, thời gian vừa qua cũng có tình trạng sử dụng đất nông nghiệp còn lãng phí, để hoang hóa. Không ít ý kiến cho rằng, việc miễn thuế SDĐNN được thực hiện một cách đại trà có thể sẽ không tạo ra động lực cho việc sử dụng đất hiệu quả, tích tụ đất cho sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn.
Do đó, để chính sách miễn giảm thuế thực sự là một công cụ thúc đẩy sử dụng đất hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực đất nông nghiệp, chỉ nên quy định miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với trường hợp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp. Không áp dụng miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với các trường hợp đất bỏ hoang, đất sử dụng sai mục đích. Có như vậy mới tạo sự công bằng trong áp dụng chính sách, phát huy được hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp một cách thực chất.
Song Hà