Bằng chính quy để chuẩn hóa cán bộ, công chức
Sau khi sáp nhập đơn vị hành chính, việc lựa chọn cán bộ cấp xã đóng vai trò quyết định đến hiệu quả quản lý và sự ổn định địa phương. Cán bộ không chỉ cần năng lực thực tế mà còn phải am hiểu địa bàn, biết lắng nghe dân để giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh. Nếu chọn đúng người, bộ máy sẽ vận hành hiệu quả, tạo niềm tin cho người dân trong giai đoạn thay đổi. Ngược lại, nếu cán bộ yếu kém hoặc thiếu trách nhiệm, chính sách dù hay cũng khó triển khai, gây lãng phí nguồn lực và cản trở sự phát triển của địa phương.
Trong các bình luận gửi về VietNamNet, nhiều ý kiến cho rằng vẫn cần ưu tiên chọn cán bộ có bằng cấp chính quy, sau đó sẽ đánh giá năng lực thông qua công việc thực tế.
“Năng lực của từng người thể hiện qua công việc thực tế. Thế nhưng, cơ sở ban đầu vẫn phải là bằng cấp, sau đó tiếp tục giám sát, kiểm tra và sàng lọc để chọn ra người có tài, có đức. Thi tuyển vẫn là công bằng nhất, rồi mới đến các bước tiếp theo” - độc giả Thành Phạm bình luận.
Việc lựa chọn theo tiêu chí bằng đại học chính quy hay tại chức được độc giả cho rằng đây là sự khác biệt giữa vấn đề lý luận với thực tiễn.
Cán bộ, công chức xã sẽ phải đảm nhận thêm nhiều nhiệm vụ trong thời gian tới. Ảnh minh họa: Thạch Thảo
Theo độc giả Nguyễn Kiên, một cán bộ được đào tạo chính quy, bài bản sẽ có tư duy khoa học và lý luận tốt hơn.
“Điều này giúp cán bộ vận dụng lý thuyết vào thực tiễn tốt hơn so với những công chức làm việc theo tư duy kinh nghiệm” - anh Kiên nhận định và cho rằng so với tư duy bài bản, khoa học của những người tốt nghiệp đại học chính quy thì kiểu tư duy bằng kinh nghiệm sẽ khó tiếp cận với cái mới hơn.
Với kinh nghiệm làm công tác quản lý cán bộ trong nhiều năm, độc giả Việt Hòa đánh giá người học chính quy bao giờ cũng nắm chắc kiến thức hơn tại chức.
“Đa phần người học không đủ năng lực vào chính quy nên mới tìm đến tại chức như một cách thức để ‘cào bằng’ phổ cập” - độc giả này chia sẻ.
Ngoài ra, theo nhiều độc giả, một trong những lý do nên chọn công chức xã có bằng chính quy là nhằm chuẩn hóa đội ngũ cán bộ đang làm việc trong cơ quan nhà nước, thống nhất từ trung ương đến cơ sở.
“Nên chọn đại học chính quy để chuẩn hóa. Còn học tại chức, nói thật, như cưỡi ngựa xem hoa, không đủ kiến thức để làm việc trong thời đại ngày nay” - một độc giả nhận xét.
Ưu tiên bằng chính quy là phù hợp với thực tế
Theo dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), Bộ Nội vụ đề xuất bỏ quy định về cán bộ, công chức cấp xã. Đồng thời, Bộ Nội vụ cũng đề xuất thống nhất quản lý đội ngũ cán bộ, công chức từ trung ương đến địa phương, không phân biệt cấp xã với cấp trung ương, cấp tỉnh để thực hiện đúng chủ trương liên thông trong công tác cán bộ của Đảng.
Trong khi đó, độc giả Nguyễn Khánh An nhận định: “Về lý thuyết, người có bằng tại chức không thua người có bằng chính quy, nhưng theo tôi cũng không thể cào bằng.
Nếu tính tổng thể, nếu như 100 người có bằng chính quy thì ít nhất 70% trong số này cũng làm việc tốt, tư duy tốt. Nhưng 100 người có bằng tại chức thì chỉ có khoảng 20% đủ năng lực. Vì vậy, tiêu chuẩn bằng chính quy được ưu tiên là phù hợp”.
Không đánh đồng tất cả cán bộ, công chức có bằng tại chức “là không ổn”, song phần lớn các độc giả đều cho rằng tốt nghiệp đại học chính quy phải là tiêu chí cứng đối với các cán bộ, công chức xét lên lãnh đạo chủ chốt. Điều này không chỉ nhằm chuẩn hóa mà còn tạo động lực cho các thế hệ sau phấn đấu.
Độc giả Cao Quang lý giải nguyên nhân của vấn đề này là do cơ chế thị trường hiện nay dẫn đến tình trạng học tại chức trở nên dễ dàng. Do vậy, không thể so sánh bằng cấp này với đại học chính quy.
Dù vậy, một số độc giả lại đưa ý kiến rằng vấn đề bằng cấp "chỉ là trên giấy", còn đánh giá năng lực cán bộ phải bằng thực tiễn.
“Có khi anh cầm bằng chính quy nhưng chưa chắc đã giỏi, đã sâu sát với dân hơn” - độc giả Ngọc Bích bình luận.
“Nhiều cán bộ, công chức là tiến sĩ, thạc sĩ nhưng cũng chỉ nói lý thuyết suông, những việc trong tổ dân phố còn không thu xếp ổn thỏa. Bởi vậy, tôi ủng hộ chọn lãnh đạo theo năng lực, không quan trọng tại chức hay chính quy” - một độc giả bày tỏ quan điểm.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã cơ bản thống nhất chủ trương về sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Trong đó, dự kiến cả nước sẽ thực hiện sáp nhập một số tỉnh, không tổ chức cấp huyện và tiếp tục sáp nhập cấp xã.
Đây là một chủ trương hệ trọng, tác động sâu rộng đến toàn xã hội, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và hàng triệu người dân trên cả nước. VietNamNet mở diễn đàn: “Sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sắp xếp xã: Nghe dân nói” nhằm thu hút ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và người dân trong cả nước, tạo sự đồng thuận trong quá trình thực hiện chủ trương này.
Các ý kiến góp ý, hiến kế trực tiếp comment vào phần bình luận phía dưới hoặc gửi trực tiếp về địa chỉ mail: nhomchinhtri@vietnamnet.vn. Những bài phân tích sâu, tập trung vào giải pháp sẽ được trích đăng riêng.
Trân trọng cảm ơn!
Thế Vinh