Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, chiều 16/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 của Quốc hội.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình phát biểu thảo luận tại tổ.
Không nên quy định UBND cấp xã được quyền "phân cấp”
Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc đồng tình cao với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật. Đây là một trong những dự án luật quan trọng vừa được thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 9. Tuy nhiên, trong bối cảnh đang thực hiện sắp xếp tinh gọn bộ máy, thực hiện mô hình chính quyền 2 cấp, việc sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay. Đặc biệt là quy định những vấn đề liên quan đến thẩm quyền cấp huyện trước đây giao cho cấp xã là hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay.
Viện dẫn quy định tại khoản 4, Điều 1 sửa đổi, bổ sung Điều 22 quy định: "2. HĐND cấp xã ban hành nghị quyết để quy định những vấn đề được luật, nghị quyết của Quốc hội giao; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp” và "3. UBND cấp xã ban hành quyết định để quy định những vấn đề được luật, nghị quyết của Quốc hội giao; phân cấp và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp.” Đại biểu băn khoăn với việc UBND xã ban hành quyết định để thực hiện phân cấp?
Theo đại biểu, UBND cấp xã là đơn vị nhỏ nhất chỉ ban hành quyết định để quy định những vấn đề được luật, nghị quyết của Quốc hội giao và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp. Nếu quy định UBND cấp xã "phân cấp” tiếp sẽ không phù hợp. Vì vậy, đề nghị dự thảo phải rà soát, cân nhắc bỏ cụm từ "phân cấp” và nên quy định "UBND cấp xã ban hành quyết định để quy định những vấn đề được luật, nghị quyết của Quốc hội giao và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp”.
Về quy định chuyển tiếp tại khoản 18, Điều 1, đại biểu đồng tình với phương án của dự thảo Luật khi cho phép văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND cấp huyện tiếp tục có hiệu lực đến ngày 01/3/2027 hoặc cho đến khi bị thay thế bằng văn bản của cấp xã sau sắp xếp. Tuy nhiên, cần làm rõ cơ chế xử lý trong các tình huống phức tạp. Ví dụ như văn bản quy phạm pháp luật của cấp huyện được ban hành riêng cho địa phương đã bị sáp nhập vào địa bàn khác. Hoặc trường hợp xã mới được hình thành khi nhiều xã thuộc cấp huyện khác nhau thì áp dụng văn bản nào và chính sách đặc thù đang áp dụng cho một xã sẽ được xử lý như thế nào khi nhập vào phường hoặc khu vực không đủ điều kiện áp dụng những nội dung này? Do vậy, nếu không có quy định hướng dẫn cụ thể sẽ rất khó khăn trong quá trình thực hiện sau này.
Về hiệu lực của văn bản, đại biểu thống nhất với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành về việc văn bản hướng dẫn tiếp tục có hiệu lực nếu không trái văn bản mới. Việc chuyển sang cơ chế mới buộc công bố tiếp tục hiệu lực như đề xuất của Chính phủ có thể gây áp lực về thời gian rà soát, dẫn đến những khoảng trống pháp lý nếu việc công bố chậm chễ. Hơn nữa, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới chỉ có hiệu lực từ ngày 01/4/2025, chưa đủ thời gian đánh giá hiệu quả nên việc sửa đổi vội vàng là chưa thật sự cần thiết.
Đơn giản hóa trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính
Góp ý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, đại biểu Đặng Bích Ngọc thống nhất với Tờ trình của Chính phủ và các nội dung sửa đổi trong việc sửa đổi vi phạm hành chính lần này. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan soạn thảo cần bổ sung đánh giá tác động định lượng cụ thể hơn để tăng tính thuyết phục. Ví dụ như số lượng vụ việc không xử lý được do hết thời hiệu, tỷ lệ vụ việc phải chuyển cấp trên do hạn mức thẩm quyền xử phạt hiện hành quá thấp…
Về Điều 18a ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý vi phạm hành chính, đại biểu đánh giá cao việc bổ sung quy định này. Đây là bước tiến cần thiết, phù hợp với chủ trương chuyển đổi số và yêu cầu cải cách hành chính. Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, đề nghị làm rõ phạm vi, đối tượng và từng giai đoạn của quy trình xử lý vi phạm hành chính có thể thực hiện trên môi trường điện tử; bổ sung quy định về bảo mật thông tin cá nhân, thông tin xử lý vi phạm; xác định rõ trách nhiệm bảo mật của các chủ thể có liên quan. Đồng thời có cơ chế giải quyết vướng mắc, khiếu nại, bảo đảm quyền lợi của người dân và tổ chức khi tham gia vào quá trình xử lý vi phạm hành chính điện tử.
Về Điều 70 (sửa đổi) quy định gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính, đại biểu cho rằng việc bổ sung phương thức gửi quyết định xử phạt qua phương tiện điện tử là phù hợp với thực tiễn và góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi hành pháp luật. Tuy nhiên, đề nghị bổ sung quy định chi tiết các phương thức điện tử được chấp nhận, điều kiện kỹ thuật, định dạng và tiêu chuẩn bảo mật; cơ chế xác thực nguồn gửi và bảo đảm tính toàn vẹn của thông tin để phòng ngừa việc giả mạo, làm sai lệch nội dung quyết định xử phạt; cơ chế bảo đảm quyền tiếp cận thông tin và quyền khiếu nại của người bị xử phạt.
Qua khảo sát thực tiễn và làm việc với một số cơ quan trên địa bàn tỉnh, cử tri và các đơn vị cũng phản ánh về trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính. Theo đó, quy trình xử lý vi phạm hành chính còn nhiều khâu, yêu cầu tài liệu, chứng cứ đầy đủ trong khi một số đối tượng vi phạm cố tình không hợp tác, gây chậm trễ tiến độ xử phạt. Do đó, đề nghị dự thảo Luật nghiên cứu đơn giản hóa một số thủ tục hành chính nhưng vẫn bảo đảm chặt chẽ về mặt pháp lý.
Đối với việc gửi quyết định xử phạt qua đường bưu điện gặp khó khăn khi người vi phạm không cung cấp địa chỉ thật hoặc thường xuyên vắng mặt, đề nghị bổ sung quy định sử dụng các phương tiện điện tử, như gửi qua Cổng dịch vụ công quốc gia để thay thế hoặc kết hợp gửi giấy.
Liên quan đến thẩm quyền và tổ chức thi hành cưỡng chế tại khoản 2, Điều 87 quy định việc giao quyền cưỡng chế cho cấp phó là phù hợp. Tuy nhiên, thực tế nảy sinh vướng mắc khi cơ quan tham mưu không phải là cơ quan chuyên môn thuộc UBND (ví dụ Công an tỉnh), dẫn đến lúng túng trong xác định đơn vị chủ trì cưỡng chế. Đại biểu đề nghị bổ sung hướng dẫn rõ trường hợp này.
Về việc xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm quy định thời hạn 48 giờ (có thể gia hạn thêm 48 giờ) để định giá tang vật là khó thực hiện trong thực tế, đặc biệt với các tang vật khó vận chuyển hoặc chưa có đơn giá tham chiếu. Đề nghị nghiên cứu gia hạn thời gian định giá trong trường hợp có xác nhận cụ thể về tính chất đặc biệt của tang vật.
Đối với quy định thời hạn tạm giữ tang vật trong trường hợp không xác định được chủ sở hữu, theo quy định hiện hành yêu cầu chờ 1 năm sau khi thông báo lần 2 mới được ra quyết định tịch thu tang vật là chưa phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương (không có kho bãi lưu trữ). Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ việc cháy, nổ thời gian qua và gây lãng phí vật chứng để ngoài trời sau thời gian dài sẽ hỏng. Đại biểu đề nghị rút ngắn thời hạn này còn 6 tháng để tránh tồn đọng, lãng phí tài sản.
"Từ thực tiễn thời gian qua, các địa phương cũng phản ánh rất nhiều về nội dung này nên dự thảo cần nghiên cứu cân nhắc để vừa bảo đảm xử lý vi phạm hành chính nhưng cũng giải quyết được những bất cập, khó khăn các địa phương gặp phải”, đại biểu đề xuất.
Bùi Hiển
Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Hòa Bình