Không nơi nào là không có tết: Tết ở ngôi làng đặc biệt

Không nơi nào là không có tết: Tết ở ngôi làng đặc biệt
16 giờ trướcBài gốc
Gói bánh chưng là công việc được các mẹ, các dì và con trẻ ở Làng trẻ em SOS hào hứng tham gia.
Tại nhà số 5 - căn nhà mang tên Hoa Hồng có 8 người con, nhỏ tuổi nhất là Thào Thị Dề năm nay tròn 6 tuổi. Hoàn cảnh của Dề khá đặc biệt, em và chị gái là người dân tộc Mông ở tỉnh Điện Biên, mồ côi mẹ. Bố vì điều kiện hoàn cảnh, không nuôi được, đành gửi 2 chị em vào Làng trẻ em SOS Thanh Hóa khi Dề chưa đầy 8 tháng tuổi. Từ đó đến nay chị em Dề ăn tết tại làng.
Trong lúc các anh chị cùng mẹ trang trí nhà cửa, đang ngồi chơi xếp hình nhưng thi thoảng Dề lại chạy đến bên mẹ nũng nịu, giục mẹ và các anh chị làm nhanh xong việc để đưa em đi chợ mua sắm giày, quần áo mới diện tết.
Chị Lê Thị Tần, mẹ của 8 đứa trẻ ở nhà Hoa Hồng - người gắn bó với Làng trẻ em SOS Thanh Hóa suốt 19 năm và cũng từng ấy năm ăn tết tại làng cùng các con, chia sẻ: Tết đến, xuân về là dịp sum vầy, có con may mắn được người thân đón về ăn tết cùng gia đình, song nhiều con không có nơi về. Hoàn cảnh các con không ai giống ai, đứa thì bị bỏ rơi, đứa mồ côi cha, mồ côi mẹ hoặc mồ côi cả cha lẫn mẹ, hoặc bố mẹ đang chịu án phạt tù... Thấu hiểu những mất mát, thiệt thòi của các con, tôi luôn coi các con như con ruột của mình, luôn tạo dựng sợi dây gắn kết, yêu thương hết lòng, lo lắng từng bữa ăn, giấc ngủ và mong các con khỏe mạnh, lớn khôn từng ngày. Các con cũng cảm nhận được tình yêu của mình dành cho chúng nên rất yêu mẹ và luôn coi nhau như anh chị em ruột thịt trong gia đình, bao bọc, yêu thương lẫn nhau.
Để các con đón tết cổ truyền thật đầm ấm, hạnh phúc, mấy ngày qua, ngoài việc cùng các con dọn dẹp nhà cửa, chị Tần tranh thủ đi chợ mua lương thực, thực phẩm, quần áo mới cho các con, sắm đồ bày mâm ngũ quả, gạo nếp, lá dong để gói bánh chưng.
Ngoài việc các nhà trong làng tự chủ động mua sắm tết cho gia đình nhỏ của mình, hằng năm, vào tối 27 hoặc 28 tết, làng tổ chức tết sớm để người thân đón các con về quê ăn tết (chiếm khoảng 50% số trẻ trong làng) và tổ chức gói bánh chưng. Các hoạt động trên luôn được tất cả các con trong làng hào hứng đón chờ. Tối 30 tết, để các con chuẩn bị đón giao thừa, làng tổ chức chương trình “Đón xuân, vui tết” với các tiết mục văn nghệ, múa lân do chính các con biểu diễn... Cuối chương trình, ban giám đốc tặng quà cho các con, rồi liên hoan kẹo bánh. Sang mùng 1, mùng 2 tết, những cán bộ được phân công trực phối hợp cùng các mẹ tiếp tục tổ chức các trò chơi dân gian tại làng, rồi chủ động đưa các con nhà mình đi chơi tết, tạo cho các con có cảm giác vui vẻ, ấm áp và hạnh phúc trong ngôi nhà chung của mình.
Là trẻ bị bỏ rơi trước cổng làng từ năm 2010, lúc đó bé Bùi Thị Huyền Diệu chỉ khoảng 7-8 ngày tuổi, được mẹ Bùi Thị Ánh, nhà số 2 mang tên Hoa Huệ nhận nuôi và lấy họ của mẹ Ánh. Diệu chia sẻ: Tuy con không biết bố mẹ đẻ mình là ai, nhưng 14 năm qua con luôn được mẹ Ánh cùng các dì, các cô, chú cán bộ lãnh đạo làng bao bọc, che chở, chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ để con được sống, được yêu thương, học tập, tạo điều kiện để con phát triển toàn diện. Con thấy mình thật may mắn và hạnh phúc. Mẹ Ánh, các dì, các bác lãnh đạo làng chính là người thân thiết nhất của con.
Những ngày tết, mẹ Ánh thường dậy rất sớm để chuẩn bị đồ ăn cho các con. Mâm cỗ tết thường có thịt gà, giò, bánh chưng, thịt kho tàu, dưa hành và một số món bánh, mứt do mẹ Ánh tự tay làm. Sau bữa cơm sum họp quây quần bên nhau, các con được tặng bao lỳ xì chúc tết của ban lãnh đạo làng, được mẹ Ánh đưa đi chơi, vãn cảnh chùa, và đi chúc tết ông bà ngoại là song thân của mẹ Ánh.
Tết ở ngôi làng đặc biệt này càng ấm áp hơn bao giờ hết bởi ngoài tình yêu thương vô bờ bến của các mẹ, các dì, các con còn nhận được sự quan tâm của các bác lãnh đạo tỉnh, các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm đến thăm hỏi, chúc tết, tặng quà, để các con đón một năm mới đầy tình yêu thương, và nhiều ước vọng.
Mai Phương
Nguồn Thanh Hóa : http://baothanhhoa.vn/khong-noi-nao-la-khong-co-tet-tet-o-ngoi-lang-dac-biet-238002.htm