Từ đầu tháng 12, hàng loạt cuộc đình công và tranh luận căng thẳng giữa công đoàn IG Mentall và nhà sản xuất ôtô Volkswagen đã diễn ra tại Đức. Đến nay, cả 2 bên đã đạt được thỏa thuận tên là "Zukunft Volkswagen".
Theo thỏa thuận, Volkswagen sẽ cắt giảm đến 35.000 công nhân viên thay vì 9.000 người cho đến năm 2030 tại Đức.
Dù mức cắt giảm sâu, nhà sản xuất đảm bảo sẽ thanh toán các khoản chi phí một cách "có trách nhiệm xã hội" hơn. Công suất nhà máy cũng sẽ được giảm về mức 734.000 xe nhằm phù hợp với nhu cầu thị trường. Khi đó, Volkswagen có thể tiết kiệm trung bình 15 tỷ EUR/năm.
"Thỏa thuận trên nhằm giúp Volkswagen củng cố tài chính, tăng khả năng tồn tại trong tương lai. Chúng tôi sẽ kết hợp giữa đảm bảo việc làm cho công nhân viên, ổn định tài chính và đặt nền móng đầu tư cho các sản phẩm kế tiếp", ông Oliver Blume, Giám đốc điều hành Volkswagen nói.
Nhà máy tại Osnabruck (Đức) có thể bị đóng cửa vào năm 2027. Ảnh: Carscoops.
Thỏa thuận này cũng định đoạt số phận của hàng loạt nhà "dưới trướng" Volkswagen. Cụ thể, nhà máy Wolkfsburg sẽ chỉ sản xuất chiếc ID.3 và Cupra Born. Nhà máy ở Emden (Đức) sẽ sản xuất ID.4 và ID.7. Nhà máy Osnabruck có nguy cơ bị đóng cửa vào giữa năm 2027, đồng nghĩa với việc ngừng sản xuất chiếc T-Roc Cabrio.
Nhà máy Zwickau sẽ bắt đầu tập trung sản xuất Audi Q4 e-trong và Q4 e-tron Sportback. Nhà máy Dresden, nơi đang sản xuất chiếc ID.3 sẽ ngừng hoạt động từ cuối năm 2025.
Các nhà máy chuyên sản xuất linh kiện cũng được giữ lại, nhưng theo Carscoops, lượng lớn nhân viên bị cắt giảm có thể sẽ khiến các nhà máy phải sắp xếp lại thời gian hoạt động, nhiều khả năng chuyển từ mô hình toàn thời gian sang bán thời gian.
Volkswagen đã trải qua một năm 2024 khó khăn khi doanh số tuột dốc không phanh do mất dần thị phần ở thị trường quan trọng nhất, Trung Quốc.
Tập đoàn đã gần như "bại trận" trong cuộc chiến giá trước Tesla hay các nhà sản xuất ôtô nội địa tại đất nước tỷ dân. Điều này buộc ông lớn này phải đóng cửa nhà máy tại Tân Cương (Trung Quốc) và Brussel (Bỉ).
Đan Thanh