Không phải ai cũng có thể mua tiêm kích F-35 tối tân, lý do là gì?

Không phải ai cũng có thể mua tiêm kích F-35 tối tân, lý do là gì?
7 giờ trướcBài gốc
Không thể phủ nhận việc máy bay chiến đấu tàng hình F-35 Lightning II (Tia chớp) do gã khổng lồ Lockheed Martin sản xuất – là mẫu tiêm kích tiên tiến nhất hành tinh và trung tâm của sức mạnh không quân do Mỹ dẫn đầu – được nhiều quốc gia "thèm muốn".
Mỹ đã phát triển F-35 với mục tiêu xuất khẩu và sản xuất nó với sự hợp tác của nhiều đồng minh. "Tia chớp" cũng là chiến đấu cơ hàng đầu của hầu hết các đồng minh thân cận của Washington trên toàn thế giới.
Nhưng không phải ai cũng có thể mua nó, kể cả đồng minh lẫn đối thủ. Mỹ rất kén chọn khi nói đến các quốc gia mà họ đồng ý bán F-35 cho, và đôi khi áp đặt các điều kiện "gây khó khăn" cho khách hàng.
Chiến đấu cơ ưu tú nhất – Sản phẩm của hợp tác
F-35 Lightning II là máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 ưu tú nhất đang được sử dụng hiện nay, nổi bật với khả năng tàng hình tiên tiến, nhận thức tình huống nâng cao và tải trọng vũ khí ấn tượng.
Mỹ đã phát triển F-35 với mục tiêu xuất khẩu và sản xuất nó với sự hợp tác của nhiều đồng minh.
Ví dụ, một phần đáng kể các bộ phận và linh kiện của tiêm kích được sản xuất bởi các đồng minh, đặc biệt là Vương quốc Anh, nơi sản xuất khoảng 15% mỗi chiếc F-35 được chế tạo. Đáng chú ý, BAE Systems đóng góp phần thân sau của mỗi chiếc F-35, cũng như các bộ ổn định dọc và ngang.
Hơn 1.200 chiếc F-35 đã được giao (trên tất cả các biến thể A, B và C). Trong số này cũng bao gồm một số lượng hạn chế máy bay phản lực được lắp ráp tại các cơ sở lắp ráp và kiểm tra cuối cùng của Lockheed ở Cameri, Italy và Nagoya, Nhật Bản. Còn lại hầu hết được lắp ráp tại Fort Worth ở Texas.
Hai máy bay chiến đấu F-35A Lightning II của Không quân Mỹ bay trên Đường cao tốc Alaska-Canada, tháng 4/2020. Ảnh: Al Jazeera
Tiêm kích F-35 Lightning II đã được bán cho Australia, Bỉ, Canada, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Phần Lan, Đức, Hy Lạp, Israel, Italy, Nhật Bản, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan, Romania, Hàn Quốc và Thụy Sĩ.
Romania là quốc gia mới nhất tham gia chương trình, trong khi chiếc F-35A đầu tiên dự kiến dành cho Bỉ đã rời dây chuyền lắp ráp vào tháng 7/2025.
Trong số các đồng minh NATO, rất ít quốc gia còn lại có thể đặt hàng F-35. Pháp và Thụy Điển không quan tâm vì họ tập trung đầu tư vào các chương trình máy bay chiến đấu Rafale và Gripen của mình.
Tại sao một số quốc gia bị "cấm mua" F-35?
Có lẽ cái tên đáng ngạc nhiên nhất trong danh sách "cấm bán" F-35 ở đây là Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh quan trọng của Mỹ và NATO.
Mỹ đã loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình F-35, với lý do là việc nước này mua hệ thống tên lửa đất đối không S-400 Triumf, trong bối cảnh lo ngại rằng "Rồng lửa" của Nga có thể gây ra rủi ro an ninh nghiêm trọng cho tiêm kích tối tân này.
Gần đây, có thông tin Thổ Nhĩ Kỳ đang cân nhắc việc từ bỏ hệ thống S-400 để được tái gia nhập chương trình. Tuy nhiên, cho đến khi điều đó xảy ra, Ankara vẫn nằm trong danh sách "cấm bán" F-35.
Điều này cho thấy lý do thứ nhất của việc không phải ai cũng có thể mua F-35 là vì Mỹ muốn bảo vệ các công nghệ tiên tiến trên máy bay.
Và lý do thứ hai, theo trang Aerospace Global News, đó là vì Mỹ bị ràng buộc bởi luật pháp để duy trì lợi thế công nghệ của Israel.
Khi Mỹ bán F-35, các điều kiện sử dụng rất nghiêm ngặt. Các quốc gia không được phép sửa đổi máy bay hoặc phần mềm của nó. Họ chỉ có thể sử dụng tên lửa đã được phê duyệt.
Một ngoại lệ là Israel. Mỹ đã cho phép thực hiện một số điều chỉnh hạn chế để F-35I Adir (phiên bản của Israel) có thể khai hỏa tên lửa do quốc gia Trung Đông này sản xuất.
Một máy bay F-35B Lightning II cất cánh từ tàu tấn công đổ bộ. Ảnh: Defense News
Vào tháng 10/2020, Reuters đưa tin rằng Qatar, một quốc gia Trung Đông giàu có, đã chính thức đề nghị mua máy bay F-35 từ Mỹ. Nhưng đề nghị này đã nhanh chóng bị Israel phản đối vì nước này muốn duy trì ưu thế quân sự của mình trong khu vực.
Đạo luật Đối tác Chiến lược Mỹ-Israel năm 2014 quy định rằng việc Mỹ bán và xuất khẩu các mặt hàng quốc phòng cho các quốc gia ở Trung Đông "sẽ không ảnh hưởng xấu đến lợi thế quân sự của Israel trước các mối đe dọa quân sự đối với Israel".
Ngoài ra, nếu thỏa thuận này tiến triển, nó có thể sẽ gây căng thẳng cho mối quan hệ của Mỹ không chỉ với Israel mà còn với các đồng minh khác ở Trung Đông như Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), được cho là đều có quan hệ căng thẳng với Qatar.
Ở châu Á, trong khi Nhật Bản và Hàn Quốc có thể mua F-35 vì đây là những đồng minh chiến lược của Washington, thì Thái Lan bị từ chối thẳng thừng, với lý do "vấn đề về đào tạo và yêu cầu kỹ thuật", theo trang Slash Gear.
Một cách tiếp cận thoải mái hơn dưới thời chính quyền Trump 2.0?
Chính quyền hiện tại của Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như coi F-35 như một mặt hàng để bán hơn so với các chính quyền khác. Ông chủ Nhà Trắng dường như sẵn sàng bán tiêm kích này cho nhiều quốc gia hơn.
Vào tháng 2, ông Trump đã thảo luận về việc bán F-35 cho Ấn Độ. Điều này gần như không thể tưởng tượng được khi Ấn Độ đang vận hành S-400 của Nga và các hệ thống tiên tiến khác. Do đó, có vẻ thỏa thuận này sẽ không sớm diễn ra.
Trong khi đó, Maroc (Morocco) được cho là sắp hoàn tất thỏa thuận mua F-35 từ Mỹ nhờ mối quan hệ nồng ấm lâu đời giữa hai nước.
Maroc cũng đang cạnh tranh gay gắt với đối thủ Algeria. Algeria sắp trở thành quốc gia đầu tiên và duy nhất mua máy bay Su-57 Felon của Nga.
Hiện chưa rõ Mỹ có thể cho phép những quốc gia nào khác mua F-35. Có thông tin cho rằng chính quyền Trump có thể bỏ lệnh cấm bán máy bay phản lực này cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Đồng thời, một thỏa thuận vũ khí trị giá 142 tỷ USD gần đây với Ả Rập Xê Út được cho là không bao gồm F-35.
Năm 2001, Lockheed Martin, hợp tác với Northrop Grumman và BAE Systems, đã giành được hợp đồng phát triển F-35. Nó được quảng cáo là một nền tảng tiên tiến có khả năng đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ đa dạng và tăng cường an ninh quốc gia.
Chương trình F-35 đã rất phức tạp kể từ khi ra đời, và đôi khi, gây bối rối cho chính phủ Mỹ. Theo Văn phòng Trách nhiệm Giải trình (GAO) của chính phủ Mỹ, chương trình F-35 sẽ có chi phí lên tới hơn 2 nghìn tỷ USD trong suốt vòng đời của nó, khiến nó trở thành chương trình vũ khí đắt đỏ nhất thế giới.
F-35 Lightning II lần đầu tiên cất cánh vào năm 2006, do Phi công Thử nghiệm Trưởng của Lockheed Martin Jon S. Beesley điều khiển. Tuy nhiên, mãi đến năm 2011, những đợt giao hàng đầu tiên của chiếc máy bay chiến đấu trị giá hơn 100 triệu USD này mới bắt đầu, với Không quân và Thủy quân Lục chiến Mỹ là những khách hàng đầu tiên.
Minh Đức (Theo Aerospace Global News, Slash Gear)
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/khong-phai-ai-cung-co-the-mua-tiem-kich-f-35-toi-tan-ly-do-la-gi-204250716182632234.htm