Không phải châu Âu, quốc gia này đang tích cực mua khí đốt Nga, mở 'cánh cửa' mới cho xuất khẩu

Không phải châu Âu, quốc gia này đang tích cực mua khí đốt Nga, mở 'cánh cửa' mới cho xuất khẩu
7 giờ trướcBài gốc
Đường ống TurkStream dẫn khí đốt Nga tới một số nước châu Âu. (Nguồn: Hungarytoday)
Phó Thủ tướng Novak cho biết, một nhánh của đường ống TurkStream (Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ) cung cấp khí đốt cho thị trường nội địa của Thổ Nhĩ Kỳ, nhánh còn lại cung cấp khí đốt cho châu Âu.
Ông tái khẳng định quan điểm: "Nga coi Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác đáng tin cậy và là quốc gia trung chuyển quan trọng cho xuất khẩu năng lượng. Chúng tôi mong muốn tiếp tục hợp tác lâu dài về cung cấp khí đốt tự nhiên và sẵn sàng mở rộng quan hệ đối tác này”.
Nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ
Theo số liệu chính thức từ Cơ quan quản lý thị trường năng lượng (EPDK), xứ bạch dương vẫn duy trì vị thế là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2024.
Xuất khẩu của Nga sang Thổ Nhĩ Kỳ đạt 21,57 tỷ mét khối (bcm), chiếm 41,3% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của nước này.
Dữ liệu từ Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và không khí sạch (CREA) minh họa thêm vị trí trung tâm của Ankara trong hoạt động thương mại năng lượng của Moscow.
Tính đến cuối tháng 12/2024, Thổ Nhĩ Kỳ đứng thứ ba toàn cầu về nhập khẩu khí đốt đường ống của Nga, chỉ sau Liên minh châu Âu (ƯU) và Trung Quốc.
Theo CREA, Thổ Nhĩ Kỳ cũng nổi lên là nước mua nhiều nhất các sản phẩm dầu mỏ của xứ bạch dương sau lệnh cấm của EU năm 2022 và duy trì sự hiện diện đáng chú ý trong số các nước nhập khẩu than và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga.
Báo cáo tương tự cũng tiết lộ, Moscow đã kiếm được 5,8 tỷ EUR ( 6,79 tỷ USD) từ việc xuất khẩu khí đốt qua đường ống sang EU vào năm 2024 - mức doanh thu hàng năm cao nhất kể từ tháng 12/2022.
Mức tăng đột biến về thu nhập này diễn ra khi thỏa thuận vận chuyển khí đốt kéo dài 5 năm của Nga với Ukraine hết hạn vào cuối năm 2024, thúc đẩy sự phụ thuộc trở lại vào các tuyến đường qua Thổ Nhĩ kỳ, bao gồm cả đường ống TurkStream.
Cái "bắt tay" từ khi nào?
Nền tảng quan hệ khí đốt tự nhiên giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ được thiết lập vào giai đoạn cuối của Chiến tranh Lạnh.
Năm 1984, Thổ Nhĩ Kỳ ký thỏa thuận nhập khẩu khí đốt đầu tiên với Liên Xô, và việc cung cấp thực tế bắt đầu từ năm 1987, mở đầu cho một mối quan hệ dài hạn định hình chiến lược năng lượng của Ankara trong nhiều thập kỷ.
Trong suốt thập niên 1990 và đầu những năm 2000, quan hệ đối tác này phát triển mạnh mẽ thông qua hàng loạt hợp đồng quy mô lớn và các dự án hạ tầng trọng điểm.
Dự án nổi bật nhất là đường ống Blue Stream – được ký kết năm 1997 và đưa vào vận hành năm 2003. Chạy dưới lòng Biển Đen, đây là tuyến dẫn khí trực tiếp đầu tiên giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, loại bỏ sự phụ thuộc vào các nước trung gian và tăng cường an ninh năng lượng cho cả hai bên.
Một kỹ thuật viên đang kiểm tra cơ sở hạ tầng tại một cơ sở khí đốt tự nhiên được kết nối với đường ống Blue Stream. (Nguồn: AA)
Ngay cả khi Thổ Nhĩ Kỳ tích cực đa dạng hóa nguồn cung khí đốt, thu hút các nhà cung cấp như Iran, Azerbaijan, Algeria và Nigeria, Nga vẫn duy trì vị thế thống lĩnh về tổng khối lượng cung ứng.
Lợi thế này chủ yếu nhờ các hợp đồng dài hạn, mức giá cạnh tranh và hệ thống đường ống chuyên dụng, giúp bảo đảm nguồn cung ổn định, không gián đoạn.
Đến đầu những năm 2000, Nga không chỉ đóng vai trò là nhà cung cấp lớn mà còn trở thành đối tác chiến lược trong việc định hình hạ tầng và cơ chế hợp đồng của ngành thương mại khí đốt Thổ Nhĩ Kỳ.
Vị thế vững chắc này cho phép Nga vượt qua những biến động của thị trường và thay đổi chính trị, ngay cả khi Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành tự do hóa thị trường khí đốt và mở rộng sự tham gia của khu vực tư nhân.
Việc đưa vào vận hành đường ống TurkStream vào tháng 1/2020 đánh dấu một bước ngoặt trong quan hệ năng lượng giữa hai nước.
Dự án được thiết kế nhằm tăng cường an ninh năng lượng và thúc đẩy quan hệ thương mại, đồng thời phản ánh sự điều chỉnh chiến lược của Moscow trong bối cảnh bất ổn leo thang tại Ukraine và việc ngừng khai thác các tuyến trung chuyển truyền thống qua Đông Âu.
TurkStream gồm hai đường ống ngầm song song, dài 930 km mỗi tuyến, chạy dưới Biển Đen từ thành phố Anapa (Nga) đến Kiyikoy ở Tây Bắc Thổ Nhĩ Kỳ.
Mỗi đường ống được thiết kế để vận chuyển 15,75 bcm khí đốt tự nhiên mỗi năm, mang lại cho hệ thống tổng công suất hàng năm là 31,5 bcm.
Từ tháng 1/2020 đến tháng 12/2024, TurkStream đã vận chuyển tổng cộng 104,1 bcm khí đốt tự nhiên, trong đó, 44,4 bcm được giao đến Thổ Nhĩ Kỳ và 59,8 bcm đến người tiêu dùng châu Âu.
Chỉ tính riêng năm 2024, xuất khẩu khí đốt qua đường ống của Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng 2,6%, vượt qua 21 bcm, không chỉ phản ánh nhu cầu ngày càng tăng mà còn cho thấy độ tin cậy hoạt động của cơ sở hạ tầng.
"Cánh cửa" mới
Nhằm tiếp nối thành quả hợp tác trước đây và hướng tới tương lai, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang nỗ lực thúc đẩy việc thành lập một trung tâm giao dịch khí đốt tự nhiên khu vực.
Sau cuộc gặp song phương tại Sochi vào tháng 9/2023 giữa Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Vladimir Putin, dự án này đã nhận được động lực mới.
Trong bối cảnh châu Âu dần rời xa khí đốt Nga và các tuyến đường ống như Nord Stream 1 và 2 ngừng hoạt động, trung tâm khí đốt tại Thổ Nhĩ Kỳ được kỳ vọng sẽ mở ra một "cánh cửa" mới cho Moscow.
Nếu thành công, trung tâm này dự kiến sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh của khí đốt Nga trên thị trường châu Âu ngày càng phân mảnh, đồng thời định vị Thổ Nhĩ Kỳ là tác nhân định giá khu vực, có khả năng làm trung gian cho dòng năng lượng giữa Đông và Tây trong bối cảnh biến động địa chính trị đang diễn ra trên toàn câu.
(theo Turkiye Today)
Linh Chi
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/khong-phai-chau-au-quoc-gia-nay-dang-tich-cuc-mua-khi-dot-nga-mo-canh-cua-moi-cho-xuat-khau-319545.html