Không phải chuyện đùa

Không phải chuyện đùa
2 giờ trướcBài gốc
Dù vụ việc đã xảy ra mấy ngày, nhưng người dân ở xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) vẫn còn bàn tán về chuyện người đàn ông bị mắc trên đường dây cao thế 110kV (chiều 9/11). Người đàn ông này nhảy dù từ đỉnh đồi Bù 833 (xã Nam Phương Tiến) xuống khu vực cánh đồng, khu dân cư xóm Núi Bé cùng xã. Sau khi dù bay lượn được khoảng 2km thì mắc lại trên đường điện cao thế 110kV lộ 172 E10.9 Xuân Mai - 172 E19.5 tại khoảng cột số 54 đến 55. Sự cố đã làm mất điện một nhà máy xi măng trong khu vực.
Đồi Bù 833 là địa điểm thường xuyên diễn ra các hoạt động nhảy dù ở ngoại thành Hà Nội. Một đơn vị đang khai thác dịch vụ nhảy dù tại đây với 2 gói bay cho du khách lựa chọn. Du khách được phi công hướng dẫn quy trình, cung cấp đầy đủ phương tiện, đồ bảo hộ khi bay.
Ngay sau khi xảy ra sự việc người đàn ông kẹt dù từ đỉnh đồi Bù 833, Xí nghiệp lưới điện cao thế Hòa Bình cho biết đã đề nghị Công an xử lý nghiêm vụ việc vi phạm của Đội dù lượn TP Hà Nội và cá nhân vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp. Cụ thể, vụ việc dù lượn vướng vào đường dây lộ 172 E10.9 Xuân Mai - 172 E19.5 tại khoảng cột số 54 đến 55 đã vi phạm mục 3 điều 4 của Nghị định số 14 ngày 26/2/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện.
Trước đó, trưa ngày 20/10, người đàn ông nhảy dù từ ngọn đồi cao 650m tại xã Quang Tiến, TP Hòa Bình khi chuẩn bị tiếp đất, dù mắc vào đường dây điện 35kV khiến người này treo lơ lửng cách mặt đất khoảng 20m, gây sự cố làm mất điện đường dây 371 và 373 T/C Gò Rọi.. Khoảng 2 tiếng sau, người đàn ông được đưa xuống đất an toàn, gần 15 giờ điện ở xã Quang Tiến được cấp lại. Vụ việc đã được lập biên bản và chuyển cho chính quyền địa phương xử lý theo quy định.
Tổng công ty Điện lực miền Bắc khuyến cáo người dân chấp hành nghiêm các quy định về hành lang an toàn lưới điện, quy định sử dụng điện an toàn, tiết kiệm… Các hành vi vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Đồng thời ngành điện mong muốn có sự chung tay của chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền về những nguy hiểm của hành vi này, mong muốn mỗi người dân sẽ tự nâng cao ý thức.
Liên tiếp những vụ việc dù lượn uy hiếp an toàn lưới điện đã đặt ra băn khoăn về việc quy hoạch không gian cũng như quản lý bộ môn cảm giác mạnh này. Trên thực tế, việc kinh doanh môn dù lượn và diều bay cũng đã được nêu rõ tại Quyết định 775 (2024) công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực Thể dục thể thao thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Theo đó, từ việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động dịch vụ này, cho đến các điều kiện về cơ sở vật chất tập luyện, thi đấu và biểu diễn; trang thiết bị, tần suất bay; điều kiện riêng đối với doanh nghiệp kinh doanh hoạt động thể thao mạo hiểm… đã được nêu rõ.
Như vậy, quy định đã rõ và chế tài đã đầy đủ, chỉ là do xử lý chưa nghiêm nên chưa đủ sức răn đe với đơn vị tổ chức kinh doanh. Hơn thế, sự việc tái diễn nhiều lần dẫn tới tình trạng nhờn luật, coi thường tính mạng của cộng đồng và của chính mình.
Vi Cầm
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/khong-phai-chuyen-dua-10294509.html