'Không phải cứ mua bất động sản thứ 2 là bị siết thuế'

'Không phải cứ mua bất động sản thứ 2 là bị siết thuế'
5 giờ trướcBài gốc
TS Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, việc áp thuế hay thắt chặt tín dụng với bất động sản, chỉ xem xét sử dụng khi có những hành vi gây ảnh hưởng thiếu tích cực đến thị trường. Còn người mua nhà thứ 2, thứ 3 hoặc nhiều hơn nhưng sử dụng đúng mục đích, tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội thì là hành vi tích cực, nên được khuyến khích, tạo điều kiện.
Khuyến khích sử dụng bất động sản đúng mục đích, tích cực
- Dư luận đang nóng lên với đề xuất đánh thuế với người sở hữu ngôi nhà thứ 2. Là người theo dõi và nghiên cứu thị trường lâu năm, quan điểm của ông về đề xuất này ra sao?
Thông tin này đúng là khiến nhiều người lo lắng vì mọi người sẽ đặt ra câu hỏi: Tôi mua để ở, cho con cái tôi, để kinh doanh vì sao lại đánh thuế? Quan điểm của tôi về vấn đề này rất rõ ràng: Thuế là công cụ để điều tiết hành vi, không làm xấu thị trường, không phải người dân cứ đi mua bất động sản thứ 2 là bị siết bởi những công cụ này.
Giá bất động sản, nhà ở tại một số đô thị lớn tăng cao thời gian qua. Ảnh: Hoàng Hà
- Vậy sở hữu nhà cần được hiểu theo nguyên tắc nào để tránh nhầm lẫn với những hành vi không được khuyến khích, thưa ông?
Hiểu đơn giản là nếu một người có 2-3 bất động sản, thậm chí nhiều hơn và đều đưa vào sử dụng, đúng chức năng, mục đích sử dụng của từng loại hình bất động sản thì đều là quyền lợi chính đáng. Ví dụ như tôi mua bất động sản cho con khi tôi có tài chính và bất động sản có mức giá phù hợp. Trong quá trình chưa sử dụng, tôi cho thuê để ở hoặc kinh doanh. Khi đó bất động sản của tôi lại phục vụ quỹ nhà mà người dân có nhu cầu và nộp thuế cho ngân sách nhà nước.
Hoặc, khi có 2-3 căn nhà, tôi có thể cho thuê làm cơ sở y tế tại những nơi thiếu dịch vụ y tế, làm làm nhà trẻ, siêu thị mini tại những khu vực có nhu cầu về các dịch vụ này mà chưa được đáp ứng. Đây là những hành vi chính đáng, cần được hỗ trợ vì giúp tạo ra dịch vụ thiết yếu tại những nơi hạ tầng còn thiếu. Đây cũng là cơ sở để tạo thêm việc làm cho nhiều ngành nghề, làm lợi cho xã hội, đóng thêm thuế vào ngân sách nhà nước.
Có nghĩa là, dù với sắc thuế nào, thì mục đích lớn nhất cần hướng tới, là tạo ra của cải, giá trị gia tăng cho xã hội. Việc đánh thuế bất động sản cần được xem xét kỹ lưỡng dựa trên nguyên tắc đó.
Sớm mở nguồn cung
- Nhưng một số ý kiến cho rằng, việc đánh thuế BĐS thứ 2 có thể giúp giảm giá nhà và tạo điều kiện cho người lao động có khả năng mua nhà?
Tôi cho rằng cách hiểu này là chưa toàn diện. Bởi lẽ, hiện nay, việc giá nhà tăng, nguyên nhân chính yếu là do cán cân cung cầu bị lệch. Nguồn cung thì quá yếu, thiếu tính đa dạng và phù hợp với số đông người dân. Trong khi lực cầu lại rất lớn. Điều cần kíp nhất, chúng ta phải làm để có thể tác động giúp giá bán được điều chỉnh về mức phù hợp hơn, chính là căn chỉnh lại cán cân cung cầu, để cho cung có cơ hội tịnh tiến dần lên, cho đến mức sát với cầu. Chỉ khi đó, giá bán mới có cơ hội được điều chỉnh.
Muốn vậy thì nguồn cung phải được giải phóng. Các dự án đang tắc nghẽn cần phải thông, các dự án mới cần được khởi động. Có như vậy cốt lõi vấn đề mới được giải quyết, người dân lao động mới có khả năng tiếp cận đất đai, nhà ở thuận lợi hơn. Vì sở hữu bất động sản hay kinh doanh bất động sản đều là những quyền lợi hết sức chính đáng của người dân.
- Đề xuất áp thuế với bất động sản thứ hai nếu được áp dụng có thể tạo ra những tác động ra sao tới người mua nhà cũng như thị trường?
Nếu chúng ta hiểu chưa đúng và áp dụng việc tính thuế với bất động sản thứ hai một cách cứng nhắc chắc chắn sẽ dẫn đến hệ lụy khôn lường. Bởi lẽ chính sách này vô hình trung sẽ khiến “sức mua bất động sản” ngay lập tức bị ảnh hưởng theo chiều hướng giảm xuống vì tâm lý “cân nhắc, tính toán” của người dân. Điều này, khiến thị trường mới chớm hồi phục ngay lập tức sẽ bị chững lại, thậm chí tiếp tục rơi vào trạng thái khó khăn.
Mà khi thị trường bất động sản khó khăn, thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới hàng loạt các ngành nghề khác và cả nền kinh tế nói chung. Điều này chúng ta đã được chứng kiến trong suốt thời gian vừa qua.
- Cũng liên quan tới việc áp thuế cho ngôi nhà thứ 2, mới đây, chính phủ Trung Quốc đã công bố gói kích thích giúp người dân dễ dàng hơn khi sở hữu từ ngôi nhà thứ 2 như nới tín dụng, chính sách đặt cọc… sau một thời gian dài giữ các quy định nghiêm ngặt và khiến thị trường bất động sản đóng băng trầm trọng. Chúng ta có cần rút kinh nghiệm gì từ bài học này, thưa ông?
Chắc chắn đó cũng là bài học cho Việt Nam tham khảo. Tất nhiên, mỗi nước có đặc điểm riêng nhưng với Việt Nam, câu chuyện lớn hơn tôi muốn nhấn mạnh là các chính sách vĩ mô phải thích hợp và tạo điều kiện để các dự án phát triển, tăng nguồn cung để phục vụ nhu cầu của người dân.
- Xin cảm ơn ông!
Hạnh Nguyên
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/mua-nha-thu-2-thu-3-ma-su-dung-dung-muc-dich-thi-can-khuyen-khich-2327480.html