Vì sao có quan niệm mua vàng ngày Thần tài?
Thần tài trong tín ngưỡng phương Đông là vị thần đảm nhiệm việc trông coi tiền tài, đem tài lộc may mắn cho gia chủ. Vị thần này được quan niệm mang lại nhiều may mắn, giúp công việc làm ăn của gia chủ trong năm suôn sẻ, thành công.
PGS.TS Phạm Ngọc Trung - nguyên Trưởng khoa Văn hóa và phát triển (Học viện Báo chí và tuyên truyền) - chia sẻ thêm sự tích về Thần Tài được biết đến nhiều nhất là trong một lần uống rượu say, vị này lỡ chân ngã xuống trần gian và mất trí nhớ, quên mất mình là ai. Thần tài sống lang thang và ăn xin để cầm cự qua ngày.
Cảnh xếp hàng trước tiệm vàng sát ngày Thần tài.
Thần tài gặp một chủ cửa hàng tốt bụng và được mời vào ăn. Từ đó, cửa hàng lúc nào cũng đông khách. Sau một thời gian Thần tài nhớ lại được mọi chuyện và quay về trời vào ngày mùng 10 tháng Giêng. Từ đó, để tưởng nhớ ông, người dân đã lập bàn thờ cúng và chọn ngày này làm ngày vía Thần Tài. Câu chuyện đồng thời ca ngợi đức độ của người kinh doanh, sẵn lòng dang tay giúp đỡ người gặp khó khăn.
Vào ngày Thần tài, người dân dọn dẹp nhà cửa, bày mâm cúng và mua vàng để cầu mong may mắn, tài lộc dồi dào. Những người làm kinh doanh, buôn bán càng chuẩn bị mâm cúng chu đáo, hoành tráng.
"Tín ngưỡng thờ những vị thần đem lại sự sinh sôi, nảy nở đã có từ thời nguyên thủy. Thần tài cũng được hiểu là một thế lực siêu nhiên giúp gia tăng tài sản, của cải. Những năm gần đây, đời sống người dân được nâng cao. Nhiều người để ý hơn đến chuyện cầu tài lộc, ngày vía Thần tài càng được người dân quan tâm", PGS.TS Phạm Ngọc Trung nói với Tiền Phong.
Theo quan niệm dân gian, vàng là tài sản, tượng trưng cho sự giàu sang, phú quý. Đây còn là vật phẩm phong thủy giúp gia chủ thu hút tài vận. Nhiều người tin nếu sở hữu vàng vào ngày Thần tài, tài lộc sẽ đến suốt cả năm.
Không phải cứ mua vàng là may mắn
Chuyên gia văn hóa Phạm Ngọc Trung cho rằng mua vàng ngày Thần tài là nét sinh hoạt văn hóa đẹp, nên lưu giữ. Tuy nhiên không nhất thiết phải dồn hết tiền để mua vàng hay đổ xô xếp hàng cả ngày cả đêm, gây rối loạn cho thị trường.
"Nhiều người để dành được chút tiền nên mua vàng vào ngày Thần tài, hoặc mua theo hiệu ứng đám đông. Vài ngày sau, giá vàng tụt xuống thê thảm, nếu bán ra cũng lỗ, như vậy không thể nói là mang lại tài lộc. Không phải cứ mua vàng vào Mùng 10 tháng Giêng là may mắn. Với một nét sinh hoạt văn hóa đơn thuần, người dân cần ứng xử tỉnh táo, thông minh", chuyên gia nêu quan điểm.
Mua vàng ngày Mùng 10 tháng Giêng chỉ là cách tạo động lực, thôi thúc mỗi người chăm chỉ lao động để kiến tạo giá trị kinh tế.
Mâm cúng Thần tài.
Phong tục ngày Thần tài ở một số quốc gia châu Á không giống nhau. Điểm chung là đều gửi gắm những ước nguyện tốt đẹp của người dân để trừ tà, thu về tài lộc.
Người Trung Quốc lấy ngày Mùng 5 tháng Giêng (ngày sinh của Thần tài) làm ngày vía Thần tài. Khác với thói quen mua vàng ở Việt Nam, người Trung Quốc dán tượng Thần tài, đốt pháo, cúng bái.
Ngày này, người làm ăn có thể mở cửa kinh doanh sau kỳ nghỉ Tết, nhiều nơi tổ chức múa rồng, múa lân và phát lì xì. Người miền Bắc Trung Quốc thường ăn sủi cảo, người miền Nam ăn đậu phụ.
Dân gian Trung Quốc còn quan niệm vào ngày Mùng 5 tháng Giêng, mọi người tiễn "5 cái nghèo", cụ thể là nghèo trí tuệ, nghèo học thức, nghèo văn hóa, nghèo cuộc đời, nghèo mối quan hệ.
Thu An