Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025 nổi lên vấn đề nhận định về đề khó – đặc biệt là đề thi tiếng Anh khó – đang trở thành tâm điểm tranh cãi khi nhiều ý kiến cho rằng đề "khó bất thường".
Nhưng đây cũng là thời điểm chúng ta bình tĩnh xem lại mọi ý kiến phản biện, khoan vội đổ lỗi cho đề thi. Câu hỏi cần đặt ra là: phải chăng chính cách học, cách dạy, cách luyện thi quá dễ dãi bấy lâu nay mới là thứ khiến chúng ta hoang mang khi gặp một đề thi đúng nghĩa?
Trong làn sóng dư luận đang diễn ra, bài viết của thầy giáo Võ Anh Triết – một giáo viên dạy tiếng Anh (Thành phố Hồ Chí Minh) giàu tâm huyết – đã không lên tiếng để bào chữa, mà để chạm vào sự thật: rằng đề thi không sai, nhưng chính cách chúng ta nhìn nhận, kỳ vọng và chuẩn bị cho học sinh mới cần được soi rọi lại.
Đó không chỉ là một bài phân tích đề thi, mà là lời cảnh tỉnh nhẹ nhàng mà sâu sắc, đánh động cả người dạy, người học và cả những người làm cha mẹ.
Tiếng Anh là môn tự chọn, học sinh chọn thi nghĩa là môn thế mạnh
Thầy giáo Võ Anh Triết cho biết: "Môn tiếng Anh là môn tự chọn, và các học sinh tự tin với môn học này mới chọn. Không ai chọn sở đoản mà luôn chọn sở trường, học sinh có đầu tư học tập, có làm quen với dạng đề, không hề xa lạ với dạng đề này. Vì vậy, không thể nói đề cho học sinh vùng sâu vùng xa như vầy quá khó. Học sinh vùng sâu vùng xa không chọn môn tiếng Anh.
Đề thi đúng format đề minh họa, người có sự đầu tư, chuẩn bị sẽ không bị bất ngờ.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố đề minh họa từ rất sớm. Đề thi chính thức năm nay giống hoàn toàn format đó.
Nếu học sinh thấy lạ lẫm, nếu giáo viên thấy "khác", thì phải chăng chúng ta đã quá quen luyện những đề quá dễ, quá thuận tiện? Hầu hết các giáo viên phổ thông dạy chương trình 2018 đều cho học sinh làm bài thi kiểu này. Nếu không, các thầy cô chưa làm đúng trách nhiệm.
Vậy tại sao format y hệt đề minh họa mà nhiều học sinh vẫn sốc? Đó là vì, các học sinh chỉ làm đề thi ở mức độ thấp, do tư tưởng người ra đề bao năm nay đề thi tốt nghiệp chỉ cần 15 phút là làm xong. Vì vậy, học sinh không quen với các đề thi có độ phân hóa cao, thiếu kỹ năng đọc hiểu, phân tích đề cũng như chiến lược làm bài. Và đó mới là vấn đề.
Bạn không thể đối mặt với gian khó khi bạn chỉ sống trong nhung lụa. Bạn cần được đặt trong các tình huống khó khăn thì mới có khả năng chịu đựng.
Đề phân hóa rõ, nhưng phân hóa để tạo cơ hội công bằng
Đây là một đề thi đúng nghĩa, với mức độ phân hóa cao. Các học sinh có năng lực trung bình thật sự sẽ có thể đạt được điểm 5-6. Học sinh khá sẽ đạt được điểm 6-7. Học sinh khá giỏi sẽ đạt điểm 7-8, học sinh giỏi sẽ đạt điểm 8-9, và học sinh xuất sắc sẽ đạt từ 9-10
- Số câu mức trung bình là 20 câu, bao gồm: Câu 1, 2,3,4,5,6,7,8,9,10, 12,13,16,18, 22, 24, 35, 36, 37 và 38.
- Số câu mức trung bình khá đến khá giỏi là 12câu gồm các câu 11, 14, 15, 17, 19, 20, 21, 23, 25, 29, 30 và 31.
- Số câu mức giỏi đến xuất sắc có 8 câu, gồm các câu: 25, 27,28,32,33,34,39 và câu 40.
Không thể nào kỳ vọng tất cả học sinh đều được 9-10 điểm. Một đề thi tốt phải có khả năng phân hóa – để ai giỏi thật thì nổi bật, ai trung bình cũng có cơ hội vượt qua.
Câu hỏi ở mức độ khác nhau sẽ giúp chọn lọc chính xác năng lực. Nếu tất cả đề thi đều dễ như nhau – thì chọn ai, bỏ ai?
Đề thi đánh động cả xã hội giáo dục
Kỳ thi này đánh động các thầy cô, khi chỉ ra rằng việc học sinh chỉ học theo kiểu thuộc lòng, không hiểu thấu đáo vấn đề sẽ khiến các em gặp khó khăn khi thực chiến đòi hỏi vận dụng cao.
Các thầy cô cần dạy kỹ năng đọc hiểu các văn bản tương đối dài, đa dạng về ngữ liệu, phân tích ngữ pháp quan trọng trong các bài đọc thay vì chỉ lướt qua và chọn.
Các thầy cô cũng cần dạy cho học sinh nhận biết và thực hành cách viết mạch lạc, ý tứ liên kết, dẫn dắt ý tưởng. Không gì tốt bằng học viết thông qua đọc và học nói thông qua nghe.
Kỳ thi này đánh động các học sinh sinh năm 2008 về sau, rằng kiến thức là phải hiểu thấu và phải được thực hành.
Ngôn ngữ là sự lặp lại và thái độ học tập thiếu nghiêm túc sẽ dẫn đến một cái đầu rỗng dù điểm số ở trường thì ngất ngưởng trên trời.
Học sinh cần phải hiểu ngoại ngữ là một công cụ, và việc sử dụng công cụ đó chủ động và thường xuyên mới đem lại sự thông thạo cần thiết.
Đừng nghĩ học chỉ để cho một kỳ thi và hết. Không phải vậy, tiếng Anh sẽ đi cùng với mỗi người, giúp các con mở ra nhiều cánh cửa tương lai tuyệt vời.
Kỳ thi này đánh động bậc cha mẹ. Hãy đừng quá quan trọng điểm số, vì khi cha mẹ xem điểm số là tất cả, nhà trường và thầy cô sẽ có xu hướng thả lỏng cho học sinh đạt điểm cao, rồi có học bạ đẹp, rồi cha mẹ vui sướng khoe con cùng bạn bè, dòng họ.
Hãy chấp nhận con bạn có những điểm yếu, có những môn chưa tốt, để kịp thời hỗ trợ và giúp con tiến bộ.
Một lớp học mà gần 100% học sinh giỏi hay xuất sắc, dù không là trường chuyên, dù không là lớp chọn lọc, thì là cả một vấn đề.
Không thể có chuyện đó được. Nhân tài chẳng bao giờ nằm trong đám đông. Hãy động viên, đừng la mắng, hãy tìm hiểu, đừng chỉ trích, con bạn sẽ đỡ áp lực hơn.
Một kỳ thi chung là thước đo thật
Một kỳ thi chung là một thước đo thật, vì mỗi trường mỗi khác, làm sao biết thực lực là gì. Đừng bảo con tôi IELTS 7.0 mà làm đề này không được. Không thể lấy IELTS ra so sánh vì khác mục tiêu, khác cả về bản chất.
Vì vậy việc nhiều người so sánh đề thi này với đề thi IELTS là khập khiễng, mỗi bài thi phục vụ một mục tiêu khác nhau.
Hãy chấp nhận một sự thật, đó là cuộc sống này đa tầng, đa cấp. Mỗi người là một cá thể khác biệt với những điểm mạnh yếu khác nhau. Biết mình mạnh, để tận dụng. Biết mình yếu, để khắc phục, để mạnh lên. Đừng vỗ về nhau bằng những ca tụng hoa mỹ, đừng gây ảo tưởng cho trẻ con rằng chúng là thần đồng. Hãy dạy chúng kỹ năng sống, kỷ luật với bản thân, khả năng chịu đựng thử thách, tấm lòng nhân ái với cuộc đời.
Đề thi năm nay không có lỗi, triết lý làm đề năm nay đúng đắn, đưa mọi thứ về đúng bản chất của nó, để kiểm điểm, để thừa nhận, để thay đổi, để tiến bộ.
Điểm chuẩn năm nay sẽ giảm, và giảm sâu, nhưng đừng lo, bọn trẻ vẫn có trường để học, với tâm thế biết rõ mình là ai, để cố gắng hơn, để chăm chỉ hơn, để mạnh mẽ hơn, để trưởng thành hơn.
Đề thi năm nay không sai, cũng chẳng "đột biến" – nó chỉ đưa mọi thứ trở về đúng bản chất: ai học thật sẽ làm được, ai học lướt sẽ chùn chân. Và đó là điều giáo dục cần.
Nếu chỉ cần 15 phút để "ăn trọn" một đề thi quốc gia, thì điều cần xem lại không phải đề – mà là triết lý học tập và cả kỳ vọng từ phụ huynh, nhà trường.
Bài viết của thầy giáo Võ Anh Triết không đổ lỗi, không bao biện – mà đánh thẳng vào sự thật đau lòng mà cần thiết: Rằng giáo dục không thể chỉ là một cuộc thi chạy theo điểm số, danh hiệu, học bạ đẹp như mơ. Giáo dục phải là hành trình rèn bản lĩnh, dạy kỹ năng sinh tồn, nuôi dưỡng sự kiên cường và trung thực.
Nếu kỳ thi này khiến điểm số giảm thì cũng xin mừng, vì ít ra chúng ta biết mình đang ở đâu để bước tiếp. Một thế hệ học sinh biết đối diện với thất bại, biết sửa mình, biết nỗ lực bền bỉ, đó mới là thành quả thật sự mà giáo dục nên hướng tới.
Phan Huyền