Ngày 22-4, tại TP.HCM, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị về các giải pháp đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và kích cầu tiêu dùng.
Không phải cứ 'quay về' thị trường nội địa là bán hàng tồn kho
Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết tình hình kinh tế thế giới và khu vực từ cuối năm 2024 đến đầu quý I-2025 có nhiều biến động.
Những biến động này tác động đến chuỗi cung ứng, hoạt động sản xuất kinh doanh, mặt bằng giá cả và cả tâm lý người tiêu dùng, khiến việc dự báo thị trường trong nước trở nên khó lường.
“Ngay cả Hàn Quốc hiện nay cũng đang đẩy mạnh chiến lược “Made in Korea” để ứng phó với các kịch bản chính sách thuế từ Hoa Kỳ,” ông Linh nói.
Hơn nữa, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 trên 8% và giao cho ngành Công Thương nhiệm vụ đảm bảo tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng 12%.
Do đó, các Sở Công Thương, ban ngành liên quan tại địa phương phải cùng chia sẻ trách nhiệm thực hiện mục tiêu này.
Ông Linh dẫn chỉ đạo của Tổng Bí thư: “Phải thúc đẩy mạnh mẽ tiêu dùng nội địa. Chỉ khi thúc đẩy được tiêu dùng nội địa thì mới giúp cho tăng trưởng GDP bền vững, mới gia tăng được xuất khẩu ròng.
“Do đó, phát triển thị trường trong nước giữ vai trò rất quan trọng. Hội nghị cần thảo luận sâu sắc để tìm ra giải pháp hiệu quả nhằm đạt được mục tiêu này,” ông Linh nhấn mạnh.
Ông Phan Văn Chinh, Phó Cục trưởng Cục Thị trường trong nước cho biết, trước các động thái về chính sách thuế quan của Mỹ, có ý kiến cho rằng doanh nghiệp phải "quay về thị trường nội địa", hiểu theo nghĩa là bán các lô hàng không xuất khẩu được. Ông cho rằng cách tiếp cận này là sai lệch.
“Ở đây, chúng ta cần tiếp cận theo hướng: khi thị trường xuất khẩu bị hạn chế bởi rào cản thương mại, thì phải tìm cách kích cầu để tạo ra nhu cầu mới ngay tại thị trường trong nước, có thể bằng những sản phẩm mới phù hợp hơn. Đây là việc doanh nghiệp chủ động tận dụng, chuyển đổi năng lực sản xuất để phục vụ thị trường nội địa,” ông Chinh chia sẻ.
Người tiêu dùng mua sắm ở siêu thị
Doanh nghiệp Việt cần nhìn nhận năng lực chính mình
Ông Chinh dẫn số liệu từ Cục Thống kê cho biết, quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2024 đạt khoảng 190 tỷ USD, một thị trường rất tiềm năng.
Thị trường nội địa có ba trụ cột quan trọng là sản xuất - phân phối - tiêu dùng.
Về hệ thống phân phối, tính đến cuối năm 2024, cả nước có 8.274 chợ, 1.293 siêu thị, 276 trung tâm thương mại và khoảng 7.000 cửa hàng tiện lợi.
“Thị trường bán lẻ có quy mô 190 tỷ USD và dự kiến tiếp tục tăng trưởng. Vậy hệ thống phân phối phải phát triển thế nào để đáp ứng vai trò dẫn dắt sản xuất và tiêu dùng trong nước”- ông Chinh đặt vấn đề.
Theo ông Chinh, trong bối cảnh chính sách thuế quan của Hoa Kỳ và xu hướng đa dạng hóa thị trường của các nước, Việt Nam với thị trường 100 triệu dân đầy tiềm năng có thể trở thành đích ngắm.
Khi đó, hàng hóa Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu bằng lợi thế nào.
Ông Chinh gợi ý doanh nghiệp, với sức mua và dung lượng thị trường hiện tại, cùng nhu cầu của người tiêu dùng, cần có cơ chế, chính sách gì? Có cần thiết ban hành Luật về phân phối, Luật về chợ hay không?
Đặc biệt, khi không gian kinh tế được mở rộng qua việc sáp nhập địa giới hành chính, vai trò của chợ và hệ thống phân phối sẽ thay đổi ra sao?
Bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng, cho biết các chính sách thuế quan mới của Mỹ cùng với sự bất ổn của tình hình thương mại quốc tế đang ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tại địa phương.
Doanh nghiệp tại Đà Nẵng đa số có quy mô nhỏ và siêu nhỏ nên năng lực tài chính hạn chế, gặp nhiều khó khăn khi cạnh tranh với hàng hóa giá rẻ, đặc biệt từ Trung Quốc trên các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT).
Bên cạnh đó, thị hiếu tiêu dùng đang chuyển sang tiêu dùng trực tuyến dẫn đến hoạt động buôn bán tại một số chợ, cửa hàng truyền thống bị ảnh hưởng.
Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng kiến nghị Bộ Công Thương cần có các biện pháp kỹ thuật, chính sách phù hợp để hạn chế hàng giá rẻ, hàng kém chất lượng từ nước ngoài tràn vào Việt Nam qua kênh TMĐT.
Theo bà Phương, trước chủ trương sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh/huyện, Cục Thị trường trong nước cần tham mưu Bộ Công Thương sớm rà soát, xây dựng các văn bản hướng dẫn quản lý chợ, cụm công nghiệp, phân định rõ trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ.
Điều này nhằm đảm bảo ngay sau khi sáp nhập sẽ có cơ sở pháp lý để triển khai công việc thông suốt, tránh bị ngắt quãng.
“Có như vậy mới đảm bảo việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng như công tác quản lý nhà nước được đồng bộ, kịp thời, góp phần đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng như Chỉ thị của Bộ Công Thương đã nêu,” bà Phương nói.
TÚ UYÊN