Anh Lê Văn Tuấn dẫn chứng: “Hiện nay, công chức ở phường xã TPHCM nhiều người là trung cấp, cao đẳng, lại làm việc lâu năm nên công việc khá trôi chảy. Khi tăng cường công chức huyện về xã, trước mắt không nên loại biên công chức xã sau khi sáp nhập chỉ vì không có bằng đại học”.
Thay vào đó, anh cho rằng chỉ nên tập trung tinh giản những cán bộ thiếu năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Chống tiêu cực ngay từ đầu vào
Nhiều độc giả nhấn mạnh đến công tác chống tiêu cực khi tiến hành tuyển chọn cán bộ. Bạn đọc tên Hoang góp ý: "Có thể tổ chức thi công khai trên máy tính, sàng lọc kết quả thi tiếp vòng phỏng vấn trực tiếp với thành phần hội đồng giám khảo là “người từ tỉnh thành khác” để tránh tình trạng người thân ưu đãi người nhà".
Bạn Linh Anh tán thành với ý kiến tổ chức kỳ thi để tuyển chọn cán bộ, công chức có trình độ, năng lực. Các tỉnh, thành cần “chấm chéo” để tránh tiêu cực chạy chức, chạy quyền.
Năng lực, trình độ cán bộ công chức cấp xã cần được nâng lên đáp ứng yêu cầu công việc. Ảnh minh họa: VNN
Một ý kiến khác cho rằng, nên tiến hành thi tuyển bằng những bài kiểm tra mang tính thực tiễn, vừa thể hiện sự hiểu biết của ứng viên, không kể người này có bằng tại chức hay chính quy.
Trong khi đó, độc giả Nguyễn Văn Thanh đề xuất tham khảo cách thức các doanh nghiệp nước ngoài đánh giá kết quả công việc, làm cơ sở đánh giá kết quả cán bộ, công chức ở vị trí công việc cụ thể. “Ai chấm thi mới là quan trọng. Nên thi trên máy hoàn toàn tự động mới thực sự công bằng”, độc giả Thanh nêu quan điểm.
Anh Nguyễn Đức Đông cũng đồng tình: “Bộ Nội vụ nên xây dựng bộ đề thi có độ bảo mật cao, tổ chức thi trên máy tính, chấm điểm trực tiếp cho kết quả ngay, không có sự can thiệp của con người, lắp đặt camera giám sát trong phòng thi để tránh tiêu cực".
Bàn về câu chuyện sàng lọc cán bộ, chị Ngô Hoài đúc kết: “Đề xuất tổ chức thi tuyển là rất tốt, nhưng vấn đề quan trọng là làm sao đảm bảo không có tiêu cực. Làm sao để không có tình trạng con cháu của quan chức chỉ chờ xếp chỗ sẵn. Biết rằng việc thi tuyển là cần thiết, nhưng quan trọng là phải chống tiêu cực ngay từ đầu”.
Kết quả công việc là thước đo
Nhiều ý kiến cho rằng không nên phân biệt giữa bằng đại học chính quy hay tại chức, khi kết quả công việc là thước đo chuẩn mực nhất năng lực cán bộ.
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ tính đến 31/12/2023, cả nước có 212.606 cán bộ, công chức cấp xã. Năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã từng bước được chuẩn hóa để đáp ứng, theo kịp trình độ phát triển kinh tế - xã hội.
“Bằng cấp chỉ là điều kiện cần. Có thể lấy ý kiến người dân khu vực và kết quả công tác của cán bộ tại địa phương trong thời gian công tác để đánh giá. Thi trên giấy sẽ không phản ánh được công việc thực tế của cán bộ, công chức”, bạn Thúy bình luận.
Độc giả Hạng Sử chia sẻ, bằng cấp không đồng nghĩa với năng lực làm việc hiệu quả, đặc biệt là ở cấp cơ sở. Bản thân ông, một công chức huyện, khi trực tiếp công tác tại xã đã nhận thấy sự khác biệt lớn giữa lý thuyết và thực tiễn. "Công việc thực tế tại cơ sở đòi hỏi những kỹ năng và kinh nghiệm hoàn toàn khác biệt so với những kiến thức được đào tạo," ông nhấn mạnh.
Tuy nhiên, anh Nguyen Long lại có cách nhìn khác. Anh cho rằng, vẫn có sự khác biệt giữa bằng đại học chính quy và tại chức khi đi xin việc thực tế, song khẳng định “bằng cấp là điều kiện cần, làm được việc là điều kiện đủ.
“Để có công chức tốt thì đầu vào phải tốt, sau đó hàng năm tiếp tục đánh giá, loại ra khỏi bộ máy những người không phấn đầu rèn luyện nâng cao trình độ bản thân”, độc giả này kết luận.
Cuối cùng, độc giả Nguyễn Đăng Sáng cho rằng, không nên câu nệ bằng cấp đại học chính quy hay tại chức, mà chọn người làm được việc, có đạo đức nghề nghiệp, tinh thần trách nhiệm, đạo đức lối sống tốt. Những điều này không thể đánh giá qua kiểm tra thi cử, mà chỉ có thể bằng thực tiễn kết quả công việc.
Thế Vinh