Không phù hợp nếu quy định UBND cấp xã được 'phân cấp' nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp

Không phù hợp nếu quy định UBND cấp xã được 'phân cấp' nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp
10 giờ trướcBài gốc
Không để khoảng trống pháp lý khi thực hiện
Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các đại biểu cơ bản đồng tình cao với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo các đại biểu, đây là một trong những dự án luật quan trọng vừa được thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ Chín. Tuy nhiên, trong bối cảnh thực sắp xếp, tinh giản bộ máy, thực hiện mô hình chính quyền 2 cấp thì việc sửa đổi, bổ sung là phù hợp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay.
Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tổ, chiều 16/5. Ảnh: Trọng Quỳnh
Tại khoản 4, Điều 1 sửa đổi, bổ sung Điều 22 quy định: “HĐND cấp xã ban hành nghị quyết để quy định những vấn đề được luật, nghị quyết của Quốc hội giao; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp” và “UBND cấp xã ban hành quyết định để quy định những vấn đề được luật, nghị quyết của Quốc hội giao; phân cấp và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp”.
Dẫn quy định này, đại biểu cho rằng, UBND cấp xã là đơn vị hành chính nhỏ nhất, chỉ ban hành quyết định để quy định những vấn đề được luật, nghị quyết của Quốc hội giao và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp. Nếu quy định UBND cấp xã “phân cấp” tiếp sẽ không phù hợp. Vì vậy, cần rà soát, cân nhắc bỏ cụm từ “phân cấp” và nên quy định theo hướng “UBND cấp xã ban hành quyết định để quy định những vấn đề được luật, nghị quyết của Quốc hội giao và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp”.
Góp ý vào nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc đã cho ý kiến về dự thảo Luật này yêu cầu phải bỏ quy định “phân cấp” với việc UBND cấp xã ban hành quyết định để thực hiện phân cấp. Do đó, cơ quan soạn thảo cần tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bỏ cụm từ này.
Về quy định chuyển tiếp tại khoản 18, Điều 1, một số đại biểu đồng tình với phương án của dự thảo Luật khi cho phép văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND cấp huyện tiếp tục có hiệu lực đến ngày 1/3/2027 hoặc cho đến khi bị thay thế bằng văn bản của cấp xã sau sắp xếp.
Đại biểu Quốc hội Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) phát biểu tại phiên thảo luận Tổ. Ảnh: Lâm Hiển
Tuy nhiên, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) đề nghị, cần làm rõ cơ chế xử lý trong các tình huống phức tạp. Bởi, nếu không có quy định hướng dẫn cụ thể sẽ rất khó khăn trong quá trình thực hiện sau này. Ví dụ như: văn bản quy phạm pháp luật của cấp huyện được ban hành riêng cho địa phương đã bị sáp nhập vào địa bàn khác; trường hợp xã mới được hình thành thì nhiều xã thuộc cấp huyện khác nhau thì áp dụng văn bản nào và chính sách đặc thù đang áp dụng cho một xã sẽ được xử lý như thế nào khi nhập vào phường hoặc khu vực không đủ điều kiện áp dụng những nội dung này? Những nội dung này nếu không được hướng dẫn rõ ràng sẽ phát sinh khoảng trống pháp lý và khó khăn trong tổ chức thi hành.
Bảo đảm hiệu lực của văn bản quy định chi tiết
Liên quan đến quy định hiệu lực của văn bản quy định chi tiết thi hành (khoản 12, Điều 1), một số đại biểu thống nhất với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành về việc văn bản hướng dẫn tiếp tục có hiệu lực nếu không trái văn bản mới.
Đại biểu Quốc hội Phạm Đức Ấn (Quảng Ninh) phát biểu. Ảnh: Trọng Quỳnh
Việc chuyển sang cơ chế mới buộc công bố tiếp tục hiệu lực như đề xuất của Chính phủ có thể gây áp lực về thời gian rà soát, dẫn đến những khoảng trống pháp lý nếu việc công bố chậm chễ. Hơn nữa, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới chỉ có hiệu lực từ ngày 1/4/2025, chưa đủ thời gian đánh giá hiệu quả nên việc sửa đổi vội vàng là chưa thật sự cần thiết.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển
Cho ý kiến vào nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) cho biết: Chính phủ đề nghị sửa đổi khoản 2 Điều 57 từ chỗ quy định văn bản quy định chi tiết, quy định biện pháp cụ thể để tổ chức, hướng dẫn thi hành “tiếp tục có hiệu lực trong trường hợp không trái với văn bản quy phạm pháp luật thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung, trừ trường hợp được công bố hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần” thành “hết hiệu lực, trừ trường hợp được công bố tiếp tục có hiệu lực toàn bộ hoặc một phần”.
Đại biểu bày tỏ băn khoăn: “Cơ quan quản lý nhà nước nào khẳng định văn bản đó là không trái với quy định? Người dân và doanh nghiệp khi thực hiện các văn bản dưới luật của các văn bản hết hiệu lực cũng lo lắng, dè dặt. Liệu cơ quan nhà nước có vì quy định này mà sẽ chậm ban hành văn bản quy định chi tiết hay không?”
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trúc Sơn (Bến Tre) phát biểu tại tổ, chiều 16/5 Ảnh: Trọng Quỳnh
Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị, cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm rà soát và công bố văn bản, quy định tiếp tục được áp dụng mà không cần ban hành văn bản quy định chi tiết. Bởi đây là cơ sở pháp lý để người dân, doanh nghiệp cũng như các cơ quan quản lý nhà nước khác yên tâm thực hiện. Qua đó, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; giúp tiết kiệm chi phí, thời gian xây dựng, ban hành văn bản mới, thể hiện rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước để bảo đảm hiệu lực của văn bản quy định chi tiết.
Trần Tâm
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/khong-phu-hop-neu-quy-dinh-ubnd-cap-xa-duoc-phan-cap-nhiem-vu-quyen-han-duoc-phan-cap-10372659.html