Đây là vi rút không mới, được nhà khoa học Hà Lan đã phát hiện năm 2001, tức cách đây hơn 20 năm. Nhưng nghiên cứu hiện nay cho thấy vi rút này từng là nguyên nhân gây nhiễm trùng đường hô hấp trên thế giới trong hơn 50 năm.
HMPV thuộc họ Pneumoviridae cùng với virus hợp bào hô hấp (RSV) thường gây bệnh vào mùa đông. Nhờ vào các xét nghiệm chẩn đoán phân tử đã làm tăng khả năng phát hiện và hiểu biết nhiều về HMPV.
Có hai con đường lây nhiễm vi rút này, đó là con đường trực tiếp và gián tiếp. Con đường trực tiếp là khi người bệnh ho, hắt hơi, xì mũi, bắn ra các hạt hô hấp lơ lửng trong không khí chứa vi rút, người lành hít các hạt này vào đường hô hấp của mình sẽ bị nhiễm bệnh.
Con đường gián tiếp là khi các hạt hô hấp chứa vi rút dính trên bàn tay rồi bắt tay nhau, hay trên các bề mặt xung quanh như bàn ghế, tay nắm cửa, khăn, dụng cụ ăn uống… rồi sau đó đưa lên mắt, mũi, miệng sẽ lây bệnh. Khi vi rút HMPV vào niêm mạc biểu mô đường hô hấp, mắt, mũi, miệng… nó trải qua các giai đoạn:
Thứ nhất là giai đoạn bám dính: Vi rút bám dính vào tế bào ở các thụ thể đặc biệt trên bề mặt tế bào hô hấp.
Thứ hai là xâm nhập vào tế bào hô hấp. Từ nơi dính, vi rút di chuyển vào bên trong tế bào và bắt đầu quá trình sinh sôi nảy nở.
Thứ ba là giai đoạn nhân lên: Bên trong tế bào hô hấp, vi rút sẽ sử dụng bộ máy tổng hợp protein tế bào hô hấp của vật chủ để tạo ra các thành phần mới của vi rút. Các thành phần vi rút mới được tổng hợp sẽ lắp ráp lại với nhau, tạo ra các vi rút con, bắt đầu sinh sôi nảy nở.
Thứ tư, giai đoạn phá hủy tế bào chủ. Khi số lượng vi rút con đủ lớn, chúng sẽ phá hủy tế bào vật chủ, vi rút con được giải phóng ra ngoài và tiếp tục xâm nhập và lây nhiễm các tế bào khác, gây ra tổn thương rộng rãi ở đường hô hấp.
Quá trình nhiễm bệnh sẽ gây ra các triệu chứng ở đường hô hấp như viêm đường hô hấp trên biểu hiện ho, sốt, sổ mũi, khó thở. Ở trẻ nhỏ, người già và những người có hệ miễn dịch yếu, vi rút HMPV có thể gây viêm phổi. Ở những người mắc các bệnh hô hấp mãn tính như hen suyễn, COPD, vi rút HMPV có thể làm tình trạng bệnh viêm phổi trở nên nặng hơn.
Nếu trong gia đình mình có bé bị nhiễm bệnh vi rút này, cần theo dõi sát, khi nào thấy bé mệt mỏi quá mức, bú kém, quấy khóc nhiều, ngủ li bì, tím tái sốt cao kéo dài, không giảm với thuốc hạ sốt, co giật, thở nhanh, rút lõm lồng ngực… thì nên đưa bé vào bệnh viện ngay lập tức.
Về phòng ngừa, giống như tất cả các trường hợp nhiễm vi rút đường hô hấp, do đó mọi người nên rửa tay thường xuyên, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, sử dụng khăn giấy hoặc khuỷu tay để che mũi miệng; tránh tiếp xúc gần với người bệnh; lau chùi các bề mặt thường xuyên tiếp xúc như tay nắm cửa, đồ chơi.
Hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh HMPV, tuy nhiên mọi người nên tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin khác để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Tóm lại, vi rút HMPV không phải là vi rút mới xuất hiện, mà nó tồn tại trên 50 năm nay, được phát hiện chính thức trên 20 năm, khả năng lây và biến chứng của vi rút này không khác cúm mùa, áp dụng phương pháp phòng bệnh giống cúm mùa là có thể phòng tránh được nhiễm vi rút HMPV.
BS NGUYỄN THÀNH ÚC