Ukraine cho biết, Nga đã phóng tên lửa chống hạm Onyx từ bán đảo Crimea vào khu vực Kherson của Ukraine hôm 21/4. Đây là lần đầu tiên sau nhiều tháng Moscow sử dụng vũ khí mới nhất này - thường được thiết kế để nhắm vào các mục tiêu trên biển, tấn công các địa điểm trên đất liền sau khi lệnh ngừng bắn Phục sinh do Tổng thống Putin ban bố hết hạn vào ngày 20/4.
Tên lửa Onyx có đường bay khó đoán định. Ảnh: TASS
Theo tình báo Ukraine, tính đến tháng 12/2024, Nga có khoảng 500 tên lửa Onyx trong kho vũ khí. Người phát ngôn của Hải quân Ukraine Dmytro Pletenchuk cho biết, trước đó, Nga đã không phóng những tên lửa này vào Ukraine trong khoảng thời gian dài.
Tên lửa P-800 Onyx (có mã hiệu chính thức là 3M55) do Cục thiết kế NPOMash của Liên Xô phát triển vào những năm 1970. Tên lửa này được thiết kế như một tên lửa hành trình đa năng có khả năng phóng từ tàu nổi, tàu ngầm, máy bay và bệ phóng trên đất liền.
Onyx được Hải quân Nga đưa vào sử dụng từ năm 2002 và hoạt động cùng với hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển di động Bastion, được thiết kế để bảo vệ bờ biển và tiêu diệt các tàu mặt nước bao gồm tàu sân bay, tàu hộ tống và tàu đổ bộ. Quân đội Nga đã cung cấp các hệ thống này cho Hạm đội Biển Đen để bảo vệ bán đảo Crimea.
Mục đích và tính năng chính của tên lửa
Tên lửa Onyx chủ yếu được sử dụng để nhắm mục tiêu và phá hủy tàu đối phương, trong đó có cả những con tàu riêng lẻ và tàu trong hạm đội, ngay cả trong trường hợp xuất hiện các biện pháp đối phó điện tử mạnh. Tuy nhiên, chưa có báo cáo nào xác nhận Nga sử dụng Onyx chống lại các mục tiêu trên biển. Thay vào đó, Moscow hầu như chỉ triển khai chống lại các mục tiêu ven biển.
Tên lửa P-800 Onyx có chiều dài 8m, đường kính 0,67m, sải cánh 1,7m, trọng lượng 3 tấn. Tên lửa sử dụng đầu đạn nặng 300kg, tốc độ Mach 2, tầm bắn 300 km (các mẫu Onyx-M hiện đại có tầm bắn lên 800 km)
Chuyên gia quân sự Benjamin Brimelow cho rằng tên lửa có độ chính xác cao, với sai số trượt mục tiêu chỉ khoảng 1,5m. Phiên bản xuất khẩu của Onyx được gọi là Yakhont, có đầu đạn nhỏ hơn một chút.
Tên lửa bay lên độ cao 14 km sau khi phóng, khóa mục tiêu, sau đó hạ xuống gần mặt đất (khoảng 10 đến 15 mét) để tránh bị radar phát hiện. Điều này giúp tên lửa gia tăng khả năng sống sót trước các hệ thống phòng không trong khi vẫn duy trì tầm bắn tối đa 300 km.
Nhược điểm
Mặc dù thường được truyền thông Nga đánh giá là vượt trội hơn so với các hệ thống tên lửa phương Tây, chẳng hạn như Harpoon của Mỹ, tên lửa Onyx vẫn có những hạn chế nhất định. Nó có thể bị các hệ thống phòng không hiện đại khắc chế, trong đó có cả những hệ thống do các đối tác phương Tây cung cấp cho Ukraine. Các lực lượng Ukraine đã vài lần tuyên bố bắn hạ tên lửa này, trong đó có vụ bắn hạ tại Odessa vào năm 2022.
Nga đã sử dụng tên lửa Onyx theo loạt tấn công các thành phố như Mykolaiv và Odessa, cũng như các cơ sở hạ tầng quan trọng như cảng và sân bay của Ukraine. Tuy vậy, tần suất các các cuộc tấn công bằng tên lửa Onyx đã giảm trong những tháng gần đây, cho thấy Nga nhiều khả năng gặp các vấn đề về nguồn cung. Vào năm 2022, Nga được cho là đã ký hợp đồng chỉ mua 30 tên lửa Onyx mỗi năm, với tổng sản lượng hàng năm ước tính chỉ là 55 tên lửa.
Lý do Ukraine khó bắn hạ tên lửa Onyx
Đánh chặn tên lửa Onyx là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn đối với Ukraine, ông Yurii Ihnat, người phát ngôn của Không quân Ukraine cho biết.
Ông Ihnat lưu ý rằng, Onyx - phóng từ hệ thống tên lửa bảo vệ bờ biển Bastion, được thiết kế để tránh các hệ thống phòng thủ. Tên lửa có thể thay đổi đường bay bất ngờ, khiến quá trình đánh chặn trở nên phức tạp. Ban đầu, tên lửa di chuyển ở độ cao trên 10 km nhưng sau đó nó hạ xuống độ cao rất thấp (10-15 mét) ngay trước khi va chạm, lướt trên mặt nước, cực kỳ khó phát hiện và bắn hạ.
Ngoài ra, tên lửa Onyx di chuyển với tốc độ siêu thanh, làm phức tạp thêm các nỗ lực phòng thủ. Ông Ihnat nhấn mạnh, với tốc độ cao và độ cao thấp như vậy, hầu như không thể bắn hạ tên lửa kịp thời.
Mặc dù các hệ thống phòng không của Ukraine trong đó có IRIS-T, NASAMS, Buk và S-300, đã chứng minh được hiệu quả trong nhiều tình huống, nhưng chúng vẫn không thể cung cấp phạm vi bảo vệ toàn diện trên toàn bộ đất nước.
Ông Ihnat giải thích rằng mặc dù Ukraine đã đầu tư rất nhiều cho nỗ lực phòng thủ nhưng quốc gia này vẫn thiếu khả năng bảo vệ các khu vực bằng những hệ thống phòng thủ tầm trung. Do đó, các lực lượng Nga tận dụng những lỗ hổng này để lập kế hoạch tấn công một cách chiến lược.
Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo New Voice of Ukraine